Bí thư Thành ủy Hà Nội: Dự án đường vành đai 4 nhằm kết nối hạ tầng, giải quyết bất cập về giao thông

Thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sáng 6-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc triển khai dự án không chỉ giúp kết nối hạ tầng giao thông trong vùng Thủ đô mà còn giải quyết những bất cập về giao thông, bảo vệ các di sản văn hóa.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 dự án trên, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các Dự án Vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta triển khai thực hiện các dự án này.

Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7km).

Từ những số liệu trên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, việc phân chia 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy - Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tổ về việc triển khai dự án đường vành đai 4

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy - Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tổ về việc triển khai dự án đường vành đai 4

“Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó thành phố Hà Nội 741ha và cơ bản là đất nông nghiệp, nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi”- đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đối với cơ chế, chính sách chung của các dự án, trong đó có đề xuất cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án....

Trên cơ đề xuất, Ủy ban Kinh tế nhận thấy cơ chế này đã được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình trong 2 năm (2022 - 2023). Do đó, đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nếu chỉ áp dụng cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian, vì chúng ta đã qua 6 tháng đầu năm 2022 rồi Quốc hội mới thảo luận để thông qua.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng nhận định, việc áp dụng Nghị quyết 43 vào dự án Vành đai 4 không phù hợp về thời gian và chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tham gia dự án. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai.

Triển khai thực hiện Dự án Vành đai 4 không chỉ giúp kết nối hạ tầng giao thông trong vùng Thủ đô, mà còn góp phần giải quyết những bất cập về giao thông, bảo vệ các di sản văn hóa, giải quyết cả những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài mà Thủ đô gặp phải.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-du-an-duong-vanh-dai-4-nham-ket-noi-ha-tang-giai-quyet-bat-cap-ve-giao-thong-post506886.antd