Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
Trong phiên thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng nay - 23/5, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình tổng thể của Chính phủ.
Mở đầu thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Duy thống nhất cao với hầu hết các nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội về Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024.
Đại biểu đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024. Cụ thể là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều nội dung vượt ra ngoài dự báo nhưng chúng ta vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, được các định chế tài chính và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, giải ngân vốn đầu tư công đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho các địa phương, các vùng miền và cả nước.
Văn hóa xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ rõ rệt, giảm nghèo nhanh, bền vững; lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực, nhất là từ đầu năm 2024. Đặc biệt, Chính phủ đã và đang rất nỗ lực thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng khóa XII.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính và chế độ công vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia và xử lý các dự án thua lỗ kéo dài được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, trưởng ngành rất quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện, có nhiều đổi mới.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng của năm 2023. Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn, đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đến để nghiên cứu thực hiện đầu tư.
Bày tỏ nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, Đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ nhằm khơi thông các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu nêu cụ thể một số yếu tố tác động lớn đến ổn định vĩ mô còn biến động phức tạp và thiếu ổn định như thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, giá vàng, tỷ giá.
Tổng cầu của nền kinh tế còn yếu; thị trường lao động, việc làm; thị trường tiêu thụ một số hàng hóa chủ lực còn gặp khó khăn; khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp cũng còn nhiều khó khăn.
Về đấu thầu mua sắm công như: thuốc, vắc-xin, vật tư y tế; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; việc áp dụng phương thức đấu thầu, đặt hàng, cung cấp dịch vụ công có sử dụng ngân sách Nhà nước; việc triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư như: cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; thu gom, xử lý nước thải, chất thải... tại các đơn vị sự nghiệp y tế, thông tin, sự nghiệp kinh tế khác vẫn còn nhiều vướng mắc.
Theo đại biểu Duy, nguyên nhân chủ yếu do vướng các quy định của pháp luật liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật, quản lý giá, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, pháp luật về đất đai và một số pháp luật chuyên ngành khác.
Việc thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng, bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn, tốn kém nhiều thời gian, chi phí tuân thủ, nhất là đối với các dự án của doanh nghiệp và các nhà đầu tư tư nhân.
Công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, xử lý doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cho phá sản các công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh, công ty cấp nước khó triển khai thực hiện mà nguyên nhân chủ yếu do pháp luật về doanh nghiệp, về xử lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường; cơ chế giá dịch vụ công ích… còn vướng mắc.
Tình hình thiên tai, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu xảy ra trên diện rộng với nhiều hình thái khác nhau và ngày càng gay gắt tác động lớn đến đời sống sản xuất của nhân dân nên cần có các giải pháp kịp thời, căn cơ trong cả trước mắt và lâu dài…
Đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm tháo gỡ để lưu thông những điểm nghẽn, những vướng mắc này để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Đỗ Đức Duy thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, về giải pháp, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm và nhấn mạnh thêm một số giải pháp.
"Thứ nhất là đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành theo thẩm quyền các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành, các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến đấu thầu mua sắm công” - đại biểu Duy nêu ý kiến.
Nêu ví dụ về định mức trang thiết bị tối thiểu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hạn, đại biểu cho biết đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm y tế tuyến huyện hiện không có hướng dẫn xem định mức trang thiết bị như thế nào thì phù hợp, cho nên mỗi địa phương có sự vận dụng và triển khai khác nhau; hoặc là sẽ ảnh hưởng đến năng lực khám, chữa bệnh hoặc nếu đầu tư vượt quá năng lực sử dụng thì cũng dẫn đến lãng phí. Đại biểu đề nghị sớm có các quy định này.
"Hay như định mức kinh tế kỹ thuật để thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, chúng tôi cũng như nhiều địa phương rất muốn có đầy đủ hệ thống định mức này để áp dụng cơ chế đấu thầu đặt hàng nhưng nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đến nay vẫn chưa có đầy đủ hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho thực hiện nội dung này", đại biểu nêu.
Nội dung thứ hai, đại biểu đề nghị sớm ban hành đầy đủ các cơ chế, văn bản hướng dẫn xử lý tài sản là nhà đất, trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sau sáp nhập, nhất là đối với các huyện, xã khu vực miền núi, các trụ sở cơ sở nhà đất quốc phòng, an ninh đã sử dụng các cơ sở mới, các trụ sở cũ cũng không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Đỗ Đức Duy cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp công ích, đơn vị sự nghiệp kinh tế và xử lý tài chính tại các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, giải thể và xử lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh.
"Vấn đề này Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra rất nhiều những vướng mắc về thể chế, chính sách nên chúng tôi mong rằng, từng bước Chính phủ sẽ sớm tháo gỡ” - đại biểu nêu ý kiến.
Cuối cùng, đại biểu Đỗ Đức Duy khẳng định cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 74 của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái sẽ tham gia thảo luận ở hội trường theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.