Bị 'vạch mặt', sàn TMĐT Temu vội vã nộp hồ sơ xin cấp phép

Sàn TMĐT Temu vừa có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) về việc thực hiện các yêu cầu khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Thông tin tới báo chí, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013 ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021).

Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Hiện ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu hoạt động rầm rộ ở Việt Nam.

Hiện ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu hoạt động rầm rộ ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, trong đó có Temu. Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới nói chung, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp.

Trước đó, chiều 23/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo quy định của Nghị định 85/2021 sửa đổi Nghị định 52/2013 về TMĐT, các sàn TMĐT khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Sàn Temu đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử, trong khi Indonesia tìm cách ngăn chặn nền tảng này, hay một số quốc gia bày tỏ quan ngại, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

Các sản phẩm cấm, nguy hại bày bán tràn lan trên sàn TMĐT Temu.

Các sản phẩm cấm, nguy hại bày bán tràn lan trên sàn TMĐT Temu.

Bên cạnh đó, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TPHCM nhìn nhận "cơn sốt" hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.

Nhấn mạnh TMĐT là xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài, song theo đại biểu, việc kiểm tra, giám sát, chưa có đầy đủ các quy định để quản lý TMĐT có thể gây thiệt hại lớn cho KT-XH trong nước.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, giá rẻ ở trên các sàn TMĐT như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự thay đổi trong quản lý, giám sát để thích ứng với sự thay đổi từng ngày, từng giờ của khoa học - công nghệ.

Ghi nhận của Báo Sức khỏe và Đời sống trên sàn TMĐT Temu cho thấy, sàn TMĐT Temu xuất hiện nhiều sản phẩm là đồ chơi, đồ dùng bị cấm quảng cáo, mua bán do mang tính bạo lực, nguy hiểm đến trẻ em. Cụ thể, các sản phẩm như đao kiếm nhựa, súng ống nhựa, đạn nhựa cũng như các loại đồ chơi được sàn TMĐT Temu chào bán công khai. Đặc biệt, sản phẩm đồ chơi bạo lực trên sàn TMĐT này đều khá giống với sản phẩm thật; có giá bán rẻ mà bất cứ ai cũng có thể tiếp cận, mua sắm.

Không chỉ thế, trên sàn TMĐT Temu cũng bày bán tràn lan các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, các loại hương liệu, tinh dầu… một cách công khai. Trong khi đó, Theo quy định của Bộ Công Thương, thuốc lá điện tử là sản phẩm cấm buôn bán trên website và các sàn TMĐT.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bi-vach-mat-san-tmdt-temu-voi-va-nop-ho-so-xin-cap-phep-169241025112656022.htm