BIDV Nam Định nỗ lực trong xử lý nợ xấu

Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ suốt thời gian qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định đã thực hiện xử lý nợ xấu thành công, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 0,01% tổng dư nợ góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ suốt thời gian qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định đã thực hiện xử lý nợ xấu thành công, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 0,01% tổng dư nợ góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.

Khách hàng trải nghiệm giao dịch ngân hàng điện tử hiện đại BIDV E-Zone tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định.

Thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Đề án 1058 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội sở chính, BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định đã thành lập Hội đồng xử lý nợ xấu trực tiếp do Giám đốc Chi nhánh chỉ đạo. Quán triệt tinh thần kiên quyết, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ đến toàn bộ cán bộ, nhân viên Chi nhánh, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của Nghị quyết 42, thực hiện xử lý nợ xấu bằng đấu giá tài sản thế chấp theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Cùng với đó, để xử lý hiệu quả nợ xấu, Chi nhánh đã tiến hành đánh giá toàn diện tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hồ sơ pháp lý của khách hàng phát sinh nợ xấu và đề ra các biện pháp xử lý phù hợp đối với từng khách hàng, từng khoản nợ. Đối với các khoản nợ xấu lớn, phức tạp, Chi nhánh phân công những cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, am hiểu pháp luật phụ trách. Định kỳ hàng tuần, tháng, quý mọi diễn biến, tiến độ và các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xử lý đối với từng khoản nợ đều được báo cáo kịp thời, đầy đủ để có chỉ đạo giải quyết. Các khoản nợ xấu tại BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định được rà soát và phân loại để xây dựng phương án, thời gian xử lý cụ thể, linh hoạt, phù hợp theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Đối với khách hàng còn khả năng và hợp tác trả nợ, BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định ưu tiên áp dụng biện pháp đôn đốc kết hợp với các chính sách hỗ trợ theo quy định, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng cân đối nguồn tiền, chủ động xử lý tài sản để trả nợ. Đối với các khách hàng không còn khả năng trả nợ hoặc có thái độ chây ỳ, bất hợp tác thì Ngân hàng kiên quyết, linh hoạt áp dụng các biện pháp gán nợ, siết nợ, bán nợ hoặc khởi kiện thu hồi tài sản đảm bảo. Đối với các khoản nợ có dấu hiệu sai phạm trong hoạt động cho vay, Ngân hàng yêu cầu cán bộ và các đối tượng có liên quan xử lý, khắc phục, nếu thiếu hợp tác thì kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan thực thi pháp luật theo quy định. Ngoài ra, Chi nhánh chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tạm thời để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn trả nợ; giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ, thực hiện tái cơ cấu lại nợ vay đối với trường hợp đủ điều kiện giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Thường xuyên làm việc trực tiếp, đôn đốc, gửi văn bản thông báo đề nghị khách hàng tìm kiếm mọi nguồn thu trả nợ vay. Chi nhánh còn phối hợp với các khách hàng để thanh lý hàng tồn kho, thu hồi công nợ phải thu, thanh lý các tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản để thu hồi nợ xấu đảm bảo đúng đối tượng và công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả thu hồi nợ cao. Tất cả tài sản xử lý tại Chi nhánh đều được đấu giá công khai qua Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) đảm bảo tốt quyền lợi của cả khách hàng và Ngân hàng.

Đồng chí Phạm Thanh Hương, Giám đốc BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định cho biết: Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ cấu lại ngành Ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan. Đặc biệt, Nghị quyết 42/2017/QH14 với nhiều giải pháp mang tính đột phá đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết huy động cả hệ thống chính trị gồm chính quyền địa phương các cấp, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án cùng chung tay với Ngân hàng xử lý nợ xấu, tạo được “liều thuốc” hữu hiệu phá tảng băng nợ xấu, khơi thông nguồn vốn trở lại phục vụ người dân và doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, xây dựng phương án xử lý nợ xấu cùng nhiều văn bản chỉ đạo liên quan. Các chính sách nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định xử lý nợ xấu hiệu quả. Từ khi có Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực, trong đó xử lý bằng hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối, kéo dài thời gian giao nộp tài sản thế chấp nhằm kéo dài thời gian xử lý. Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tính đến hết năm 2021, hầu hết các khoản nợ xấu lớn, tồn đọng nhiều năm đã được BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định xử lý xong với tổng số nợ xấu đã xử lý rủi ro là hơn 403 tỷ 934 triệu đồng. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định tính đến ngày 28-3-2022 giảm chỉ còn 510 triệu đồng, chiếm 0,01% tổng dư nợ.

Với kết quả tích cực đạt được trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội sở chính, BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định xác định công tác quản lý chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị trong năm 2022. Chi nhánh tiếp tục tập trung ưu tiên vốn cho vay các ngành kinh tế sản xuất trực tiếp và xuất nhập khẩu như: dệt may; nông, thủy sản, sản phẩm OCOP; hạn chế cho vay các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, các dự án BOT… Nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II tại Chi nhánh. Tăng cường chất lượng thẩm định tín dụng, đảm bảo kiểm soát nợ xấu chặt chẽ trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số tại Chi nhánh đem đến các dịch vụ tiện ích hiện đại của BIDV đầy đủ, thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xử lý nợ xấu chương trình cho vay đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đề xuất kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 15-8-2025./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202204/bidv-nam-dinh-no-luc-trong-xu-ly-no-xau-2549983/