Biện chứng luận của 'tính' và 'tướng' trong Kinh Duy Ma Cật

'Tính' và 'tướng' là hai phạm trù được nhắc đến nhiều trong kinh Duy Ma Cật. Chúng tồn tại khăng khít với nhau trong mối quan hệ biện chứng không tách rời. Muốn thấy được 'tính' phải thấy được 'tướng', vì tướng là biểu hiện của tính, tính như thế nào thì tướng biểu hiện ra như thế đó. Đồng thời, tướng tác động ngược trở lại tính, ảnh hưởng nhất định đối với tính. Tuy nhiên mối quan hệ này diễn ra trong chỉnh thể của pháp, hiểu được mối liên hệ giữa tính và tướng thì sẽ hiểu được quy luật vận động và phát triển của vạn pháp. Thông qua mối quan hệ biện chứng giữa 'tính' và 'tướng', chúng ta sẽ rút ra được những nguyên tắc phương pháp luận làm kim chỉ nam định hướng cho tất cả mọi hành động tu tập để chuyển hóa thân tâm.

Mục lục bài viết

1. Đặt vấn đề
2. Nội dung

2.1. Mối quan hệ biện chứng giữa cặp phạm trù “tính” và “tướng” trong kinh Duy Ma Cật
2.2. Ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “tính” và “tướng”

3. Kết luận

Tính” và “tướng” là hai phạm trù được nhắc đến nhiều trong kinh Duy Ma Cật. Chúng tồn tại khăng khít với nhau trong mối quan hệ biện chứng không tách rời. Muốn thấy được “tính” phải thấy được “tướng”, vì tướng là biểu hiện của tính, tính như thế nào thì tướng biểu hiện ra như thế đó. Đồng thời, tướng tác động ngược trở lại tính, ảnh hưởng nhất định đối với tính.

Tuy nhiên mối quan hệ này diễn ra trong chỉnh thể của pháp, hiểu được mối liên hệ giữa tính và tướng thì sẽ hiểu được quy luật vận động và phát triển của vạn pháp. Thông qua mối quan hệ biện chứng giữa “tính” và “tướng”, chúng ta sẽ rút ra được những nguyên tắc phương pháp luận làm kim chỉ nam định hướng cho tất cả mọi hành động tu tập để chuyển hóa thân tâm.

Tác giả: Đại đức Thích Giác Hợp
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Tóm tắt:Tính” và “tướng” là hai phạm trù được nhắc đến nhiều trong kinh Duy Ma Cật. Chúng tồn tại khăng khít với nhau trong mối quan hệ biện chứng không tách rời. Muốn thấy được “tính” phải thấy được “tướng”, vì tướng là biểu hiện của tính, tính như thế nào thì tướng biểu hiện ra như thế đó. Đồng thời, tướng tác động ngược trở lại tính, ảnh hưởng nhất định đối với tính.

Tuy nhiên mối quan hệ này diễn ra trong chỉnh thể của pháp, hiểu được mối liên hệ giữa tính và tướng thì sẽ hiểu được quy luật vận động và phát triển của vạn pháp. Thông qua mối quan hệ biện chứng giữa “tính” và “tướng”, chúng ta sẽ rút ra được những nguyên tắc phương pháp luận làm kim chỉ nam định hướng cho tất cả mọi hành động tu tập để chuyển hóa thân tâm.

Từ khóa: Biện chứng, phương pháp luận, tính, tướng, Duy Ma Cật

1. Đặt vấn đề

Kinh Duy Ma Cật là một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, mang tinh thần phá chấp và nhập thế tích cực. Với hình tượng trung tâm là cư sĩ Duy Ma Cật, tuy ở hàng Phật tử tại gia nhưng Ngài đã thông đạt thực tướng của các pháp, tâm không còn bị phan duyên chi phối, không còn mảy may phân biệt, biện tài vô ngại.

Vì thế, thông suốt toàn bộ kinh văn, Ngài Duy Ma Cật đã phá chấp cho các đại đệ tử của đức Phật thông qua loại trừ chấp tướng, chấp ngã và chấp pháp. Vì còn chấp vào giả tướng là thật có nên không nhận thức được bản tính thanh tịnh trong chính bản thân mỗi người và bản chất của vạn pháp.

Bởi vậy, muốn thấy được chân tâm thì phải nhìn nhận bản chất của các pháp thông qua các tướng trạng bên ngoài “tòng tướng nhập tính”. “Tính” và “tướng” luôn tác động qua lại, hỗ tương cho nhau trong mối quan hệ biện chứng không thể tách rời. Hơn nữa, hai phạm trù này có một số ý nghĩa phương pháp luận giúp định hướng cho chúng ta trong việc tu tập để tịnh hóa thân tâm. Dưới đây sẽ trình bày và phân tích những nội dung cơ bản về mối quan hệ biện chứng và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “tính” và “tướng” trong kinh Duy Ma Cật.

Ảnh minh họa Ngài Duy Ma Cật

2. Nội dung

2.1. Mối quan hệ biện chứng giữa cặp phạm trù “tính” và “tướng” trong kinh Duy Ma Cật

2.1.1. Khái lược mối quan hệ biện chứng giữa “tính” và “tướng” trong triết học

Phạm trù “tính” và “tướng” trong Phật giáo với tính cách là nội dung và hình thức trong triết học. Nội dung và hình thức là một trong sáu cặp phạm trù cơ bản của triết học và chúng có mối liên hệ biện chứng, ràng buộc lẫn nhau; thể hiện khuynh hướng tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng.

Phương pháp biện chứng là phương pháp nhận thức đối tượng trong các mối liên hệ với nhau, tác động, ảnh hưởng qua lại ràng buộc lẫn nhau, trong trạng thái luôn luôn vận động, biến đổi, nằm trong khuynh hướng chung là phát triển”[1].

Tất cả sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực khách quan luôn tồn tại trong mối quan hệ tương quan mật thiết với nhau. Các yếu tố thành phần kết hợp với nhau để tạo thành một thực thể hoàn chỉnh, thiếu một trong những yếu tố còn lại thì thực thể không tồn tại. Đặc biệt, chúng tồn tại trong mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau để thúc đẩy quá trình vận động và phát triển của sự vật. Cặp phạm trù nội dung và hình thức tồn tại không nằm ngoài mối quan hệ đó.

Thứ nhất, nội dung và hình thức gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau. Không thể tồn tại một hình thức nào mà trong đó không bao hàm nội dung, ngược lại, không có một nội dung nào tồn tại mà không có sự hiện diện của hình thức. Theo như định nghĩa về nội dung và hình thức, nội dung bao gồm những mặt, yếu tố, quá trình tạo nên sự vật, còn hình thức chính là phương thức tồn tại, phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liên hệ tương đối ổn đinh và bền vững giữa các yếu tố đó.

Vì thế, các yếu tố vừa góp phần để cấu thành nên một nội dung hoàn chỉnh, vừa tham gia vào quá trình vận động giữa các mối liên hệ để tạo nên hình thức của sự vật. Tuy nhiên, không phải lúc nào nội dung và hình thức cũng phù hợp với nhau, không phải một hình thức cũng chỉ chứa đựng một nội dung nhất định và không phải một nội dung cũng chỉ thể hiện ở một hình thức nhất định.

Trong thế giới hiện thực khách quan không bao giờ có sự phù hợp và tồn tại tuyệt đối giữa các yếu tố cấu thành nên sự vật, mà chúng chỉ tồn tại trong mối quan hệ tương đối. Nội dung và hình thức cũng vậy, chúng tồn tại trong mối liên hệ tương đối bền vững, ổn định và giữa chúng cũng có một độ lệch, sự không phù hợp nhất định nào đó.

Mặc dù giữa nội dung và hình thức không phải hoàn toàn phù hợp với nhau trong mối liên hệ tương đối, nhưng chúng luôn tồn tại thống nhất với nhau, bởi lẽ nếu không thống nhất thì mối quan hệ giữa nội dung và hình thức sẽ bị phá vỡ và các sự vật, hiện tượng sẽ không còn tồn tại như cũ nữa.

Do vậy, giữa nội dung và hình thức tồn tại trong sự phù hợp tương đối với một độ lệch nhất định. Vì thế, trong quá trình vận động và phát triển khác nhau, trong cùng một nội dung có thể có nhiều hình thức và trong cùng một hình thức có thể thể hiện nhiều nội dung khác nhau.

Thứ hai, nội dung đóng vai trò quyết định hình thức trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Tất cả hình thức bên ngoài của sự vật tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nội dung, khi nội dung bên trong thay đổi thì hình thức bên ngoài cũng phải thay đổi để phù hợp với nội dung mới. Cho nên, nội dung bao giờ cũng đóng vai trò là yếu tố quyết định hình thức. Hình thức là phương tiện để thể hiện nội dung, thông qua hình thức bên ngoài có thể thấy được nội dung bên trong.

Thứ ba, hình thức tác động tích cực ngược trở lại đối với nội dung. “Hình thức xuất hiện trong sự quy định của nội dung và sau khi xuất hiện, hình thức tồn tại tương đối độc lập và có ảnh hưởng tới nội dung, gây ra các hệ quả nhất định. Khi hình thức phù hợp với nội dung, nó là động cơ thúc đẩy nội dung phát triển, còn khi không phù hợp, hình thức cản trở sự phát triển đó của nội dung”[2].

Sự tác động qua lại ràng buộc lẫn nhau giữa nội dung và hình thức diễn ra liên tục trình quá trình vận động và phát triển. Khi chúng phù hợp với nhau thì không xảy ra những biến đổi quá lớn trong nội dung đến hệ thống mối liên hệ của hình thức.

Nhưng khi sự phù hợp đó không còn ăn khớp với nhau nữa thì sẽ gây nên sự biến đổi mạnh mẽ trên phương diện hình thức, từ đó hình thức sẽ kìm hãm lại sự phát triển của nội dung. Sự xung đột giữa nội dung và hình thức tiếp tục diễn ra cho đến khi hình thức cũ mất đi, hình thức mới hình thành, phát triển và chuyển sang một trạng thái mới về chất.

“Nội dung của một tác phẩm nghệ thuật được chứa đựng trong đó; nó không ở đâu đó bên ngoài, trong thế giới bên ngoài hay trong ý thức của người nghệ sĩ. Nội dung của tác phẩm là ý nghĩa hình thức của nó”[3].

Sự tác động tích cực ngược trở lại của hình thức đối với nội dung không chỉ ở bên ngoài thế giới hiện thực mà nó còn thể hiện ở trong tư duy. Hình thức ngoài chức năng đóng vai trò thể hiện nội dung mà nó còn có chức năng sắp xếp, tổ chức nội dung bên trong.

Nhưng hình thức không chỉ thể hiện, mà còn tổ chức nội dung. Áp vào tư duy, dĩ nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là dường như hình thức là thứ tuyệt đối tự trị, cái có trước so với nội dung vật chất; không có nghĩa là nó lập trật tự cho nội dung đó, loại trừ sự hỗn mang vốn đầy rẫy trong thế giới vật chất, mà chỉ dựa vào các quy luật nội tại của mình không liên quan gì đến thế giới đó”[4].

Tóm lại, nội dung và hình thức là cặp phạm trù cơ bản trong triết học, góp phần biểu thị quá trình vận động và phát triển của sự vật. Chúng có mối liên hệ thống nhất, gắn bó mật thiết, tác động biện chứng với nhau.

2.1.2. Mối quan hệ biện chứng giữa “tính” và “tướng” trong kinh Duy Ma Cật

Tính” và “tướng” là hai phạm trù tiêu biểu trong triết học Phật giáo, biểu thị phương thức tồn tại và phát triển của vạn pháp. Tất cả sự vật, hiện tượng tồn tại và vận động không nằm ngoài hai phạm trù “tính” và “tướng”, cho nên hai phạm trù này có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất, biện chứng với nhau trong chỉnh thể của pháp. Với vai trò là hai yếu tố biểu pháp nên chúng cũng mang trong mình đầy đủ những tính chất của mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau để biểu hiện sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng.

2.1.2.1. “Tính” quyết định “tướng

Như ở trên đã đề cập, “tính” biểu thị cho cấu trúc bên trong của pháp, còn “tướng” biểu thị cho phương thức tồn tại và biểu hiện của pháp. Vì thế, mọi biểu hiện, hoạt động của “tướng” là do “tính” quyết định. Tướng là hiện thân của tính, tất cả sự vận động, chuyển biến bên trong của tính đều được tướng biểu hiện ra bên ngoài.

Thực ra, việc phân chia “tính” và “tướng” thành hai phạm trù riêng biệt chỉ là tương đối để chúng ta dễ dàng trong việc nhận biết, còn thực chất chúng hòa quyện thống nhất với nhau trong một chỉnh thể không thể tách rời, trong tính có tướng, trong tướng có tính. Nhưng trên phương diện khoa học thì vẫn phải tạm phân chia để thấy được mối quan hệ biện chứng giữa tính và tướng.

Ông Xá Lợi Phất nói:

Tôi thấy cõi này gò nỗng, gai gốc, núi non, rừng rú và nhiều những thứ cấu uế.

Loa Kế Phạm Vương nói: Tại vì tâm của Ngài còn phân biệt thấp cao cho nên Ngài thấy cảnh giới có thấp cao, gò nỗng. Tại Ngài không xử dụng tuệ nhãn cho nên Ngài thấy cõi nước Phật không thanh tịnh! Thưa Ngài Xá Lợi Phật! Bồ Tát nhìn thấy tất cả chúng sinh bằng cái thấy bình đẳng. Phát xuất từ thâm tâm thanh tịnh và xử dụng trí tuệ thanh tịnh thì Ngài sẽ thấy cõi nước Phật thanh tịnh.

Bấy giờ đức Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, tức thì ba ngàn đại thiên thế giới hiển hiện trang nghiêm đẹp đẽ như muôn ngàn thứ trân bảo hợp thành, chẳng khác gì cõi nước của đức Phật Bảo Trang nghiêm kết hợp bằng vô lượng bảo trang nghiêm công đức”[5].

Ngài Xá Lợi Phất thấy tướng của cõi nước có đất nhấp nhô, gầm hố, gai góc,…bởi tâm tính của Ngài có cao thấp nên cho rằng cõi nước không thanh tịnh. Hiện tượng có cao thấp, bản chất Không tính rồi thì làm gì có cao thấp. Do Ngài Xá Lợi Phất còn khởi tâm chấp trước, bị tướng của các pháp chi phối, chưa thấu triệt được thực tướng của các pháp vốn bình đẳng đồng một tướng nhất như, nên nhìn nhận sự vật với nhiều hình tướng phân biệt khác nhau. Vì thế, trong tâm biểu hiện thế nào thì hình tướng bên ngoài biểu hiện đúng như thế đó.

Khi tâm thay đổi thì tướng cũng theo đó mà biến chuyển, tâm cấu uế thì nhìn vạn vật với hình tướng của sự cấu uế. Hình trạng của các pháp chỉ là các giả tướng do nhân duyên tạo thành, còn thực tướng của các pháp là vô tướng. Khi tâm bị các pháp nhân duyên chi phối tức là bản tính còn có sự phân biệt năng sở, cao thấp, trong ngoài,… Vì tính quyết định tướng nên với bản tính chất chứa đầy ắp những chủng tử chấp ngã và chấp pháp thì chắc chắn tướng trạng của vạn pháp cũng mang đầy đủ những đặc tính chấp trước đó.

Bồ Tát phải nhận thức tâm chúng sinh bình đẳng không có cao thấp thì thâm tâm mới thanh tịnh. Dựa vào trí tuệ Phật hay dựa vào trung đạo thì mới nhận thức được cõi Phật thanh tịnh. “Tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”, khi tâm không còn phân biệt, chấp trước thì bằng con mắt tuệ nhãn thanh tịnh vô phân biệt của mình sẽ nhìn nhận cõi nước Phật hoàn toàn thanh tịnh.

Hết thảy vạn vật xung quanh chúng ta từ vô tình cho đến hữu tình đều do tâm tính của chúng ta biến hiện ra – “nhất thiết duy tâm tạo”. Dù là cảnh giới của Phàm hay Thánh cũng đều xuất phát từ tâm tính nơi mỗi chúng sinh tạo dựng nên, tâm tính của chúng sinh như người họa sĩ vẽ ra thế giới đầy đủ muôn hình vạn trạng, nhưng những hình tướng đó chỉ là giả tướng. Muốn kiến tạo thế giới với những hình tướng thanh tịnh thì phải kiến tạo bản tính nơi mỗi chúng ta phải hoàn toàn thanh tịnh và bình đẳng.

Bởi vì tâm của chúng sinh còn mê lầm, chấp trước nên kiến tạo nên thế giới đầy rẫy những ô trược. Nhưng tâm của chư Phật đã hoàn toàn vẳng lặng, thanh tịnh nên Phật chỉ dùng “ngón chân ấn xuống đất” – án chỉ túc địa, tức thời cõi nước được thanh tịnh.

Hành động đó của Phật muốn diễn đạt chân lý chân như bình đẳng tuyệt đối, nhận thức không còn bị phân biệt, không bị kẹt vào lưỡng biên, khế hợp tất cả chân lý, thấu triệt được căn cơ của từng chúng sinh, cho nên nhìn nhận vạn pháp bằng tuệ nhãn thanh tịnh, siêu vượt tam giới, nhận chân được thực tướng của các pháp luôn thanh tịnh và bình đẳng như nhau.

Chúng sinh và Phật chỉ khác nhau ở mê và ngộ, khi mê thì gọi là chúng sinh, khi ngộ thì gọi là Phật. Khoảng cách giữa mê và ngộ ấy cũng đủ để kiến tạo nên thế giới uế trược và thanh tịnh hoàn toàn khác nhau.

Xá Lợi Phất: Cõi nước của ta thường thanh tịnh trang nghiêm như thế. Chỉ vì người nghiệp chướng nặng nề, phước đức mỏng manh mà thấy toàn những cảnh bất tịnh nhơ xấu. Cũng như số chư Thiên cùng thọ dụng một bát quí đựng cơm, vậy mà tùy phước đức của mỗi chư Thiên mà màu cơm và mùi hương có khác”[6].

Thực tướng của vạn pháp luôn luôn thanh tịnh và bình đẳng, chỉ do tâm tính nơi mỗi chúng sinh có sự phân biệt nên biến hiện ra các tướng trạng có sự sai khác. Giống như cõi nước của chư Phật luôn thanh tịnh, nhưng do sự chấp trước trong nhận thức của chúng sinh mà thấy cõi nước của chư Phật toàn những cảnh bất tịnh, nhơ xấu. Do đó, chúng ta thấy “tính” đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên “tướng”, tính là yếu tố quyết định tướng.

Tướng trạng của vạn pháp tốt hay xấu là phụ thuộc chủ yếu vào nơi tính. Đức Phật đã lấy ví dụ cụ thể cho chúng ta thấy về hình ảnh bát cơm mà chư Thiên thụ dụng. Thực tính của bát cơm đều như nhau, nhưng do phúc đức và tâm tính của từng vị khác nhau sẽ được thụ dụng màu cơm và mùi hương của cơm khác nhau. Ví dụ này đã chứng minh rất rõ ràng về việc quyết định của tính đối với tướng.

Trực tâm là đạo tràng: Tâm hạnh thành thật, thẳng thắn không hư dối quanh co.

Phát hạnh là đạo tràng: Siêng năng tinh tấn làm tất cả việc.

Thâm tâm là đạo tràng: Luôn luôn vun bồi công đức và làm tăng trưởng công đức.

Bồ đề tâm là đạo tràng: Vận dụng trí tuệ trong sự thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết…để tránh mọi si mê lầm lạc.

Bố thí là đạo tràng: Thí tài, thí pháp và thí cả vô úy cho chúng sinh mà không hy vọng đáp đền ơn nghĩa.

Trì giới là đạo tràng: Giữ giới thanh tịnh đúng như chí nguyện mong ước lúc phát khởi sơ tâm.

Nhẫn nhục là đạo tràng: Tâm được điều thuận, nhu nhuyễn đối với tất cả chúng sinh không còn bị chướng ngại.

Tinh tấn là đạo tràng: Không lúc nào giải đãi trong việc học chính pháp, hành chính pháp và sống trong chính pháp.

Thiền định là đạo tràng: Tâm nhu hòa an ổn, không rong rủi ở lục dục thất tình.

Trí tuệ là đạo tràng: Thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã và bất tịnh của các pháp đúng như thật.

Từ là đạo tràng: Đối với tất cả chúng sinh đều thương như con một.

Bi là đạo tràng: Vận dụng mọi phương tiện cứu khổ cho chúng sinh.

Hỉ là đạo tràng: Lúc nào cũng vui mừng khi thấy người khác được vui.

Xả là đạo tràng: Đoạn hết mọi ý niệm ghét thương trong lòng.

Thần thông là đạo tràng: Thành tựu đầy đủ lục thông.

Giải thoát là đạo tràng: Luôn luôn vận dụng pháp bội xã và sống trong pháp bội xã.

Phương tiện là đạo tràng: Giáo hóa chúng sinh bằng nhiều hình thức, tùy căn cơ, đối tượng.

Tứ nhiếp là đạo tràng: Thuyết pháp độ chúng sinh bằng nhiều cách và tùy cơ duyên mà hóa độ.

Đa văn là đạo tràng: Nghe chính pháp rồi thực hành đúng chính pháp.

Phục tâm là đạo tràng: Vận dụng chính quán mà quán các pháp.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng: Rời bỏ hết các pháp hữu vi.

Tứ đế là đạo tràng: Thấy đúng như thật, biết đúng như thật, nói đúng như thật các pháp thế gian.

Duyên khởi là đạo tràng: Biết rõ từ vô minh cho đến lão tử đều không có cái hết.

Các phiền não là đạo tràng: Vì nhận biết sự tác hại của phiền não một cách quyết định.

Chúng sinh là đạo tràng: Vì nhận biết sự hòa hợp, sự nương gá tạm bợ, biết rõ tính chất vô thường vô ngã của chúng.

Tất cả pháp là đạo tràng: Vì biết rõ tất cả pháp vốn không”[7].

Thông thường khi nhắc đến đạo tràng là người ta nghĩ ngay đến nơi tu tập, hành trì lễ niệm, nhưng đó là tướng trạng của đạo tràng ngoài đời thực. Còn một loại tướng trạng đạo tràng khác ở bên trong được cấu tạo bởi các chất liệu khác nhau. Các chất liệu đó chính là các yếu tố cấu thành nên tâm tính của chúng sinh, vì thế ở từng chất liệu khác nhau sẽ hình thành nên một hình ảnh đạo tràng khác nhau.

Trực tâm là đạo tràng, đây là nhận thức đệ nhất nghĩa đế của vạn pháp tức nhìn nhận vạn pháp bằng cả bản chất và hiện tượng nhưng không kẹt bởi hai mặt đó. Hai mặt này tồn tại thống nhất trong một vấn đề, nếu không có hữu vi thì cũng không có vô vi, không có tục đế thì cũng chẳng có chân đế. Trực tâm là chất liệu để xây dựng nên hình ảnh một đạo tràng trang nghiêm với tâm ngay thẳng, không siểm khúc, quanh co.

Trực tâm, thâm tâm và bồ đề tâm là ba tâm cơ bản để cấu thành nên đạo tràng nơi tâm tính của mỗi chúng sinh. Bồ đề tam tâm này là ba nấc tâm phát hành tu tập. Tâm tạm chia nhưng thực chất là một tâm: trực tâm. Chia là phương tiện để dẫn dụ con người hiểu.

Đầu tiên con người phải phát gia hành tâm mới có thể làm được hết thảy mọi việc. Phát hành là điểm xuất phát bắt đầu, cũng là từ trực tâm, tiếp đó nhận thức sâu sắc bản chất hiện tượng của việc tu tập và cuối cùng là bồ đề tâm. Giống như trong Tịnh độ thường nói tín nguyện hạnh. Bởi có niềm tin mà phát nguyện và thực hành: tin sâu, nguyện thiết và thực hành. Khi phát tâm tính Không thì mới giải quyết, xử lý được các việc. Vì tâm hữu vi còn vướng bận. Thâm tâm nhận thức sâu sắc được nhiều công đức, tăng thêm trí tuệ đi tới bồ đề tâm.

Bố thí là đạo tràng, khẳng định hiện tượng không rời bản chất, bản chất chỉ tồn tại trên hiện tượng. Làm bố thí mà không mong báo đáp: tam luân thể không. Bởi tính Không thì không cần báo đáp. Tuy nhiện bản chất tính Không chỉ tồn tại trên cái giả hữu. Do đó vẫn phải có hiện tượng bố thí, nhưng không chấp vào hiện tượng giả hữu đó.

Trì giới là đạo tràng, năng trì và sở trì đều dứt đó mới là trì giới. Người trì giới dứt hết đối đãi năng sở mới đạt được nguyện đầy đủ, đầy đủ ở trong nhận thức hai mặt bản chất và hiện tượng.

Nhẫn nhục là đạo tràng, là nhìn thấu được thâm tâm bản chất tính Không, hiện tượng có nhẫn nhục. Khi chúng sinh gây bất lợi bất cứ điều gì đều không trở ngại cho tâm ta đó mới là nhẫn nhục thực sự. Người tạo và việc tạo đến cho ta đều không thì nhẫn nhục không trở ngại.

Tinh tiến là đạo tràng, vì không lười biếng. Đạo tràng là tính Không, là thực tướng.

Thiền định là đạo tràng, vì tâm điều hòa nhu nhuyễn. Tâm đó không còn vứng mắc vì tính Không rồi. Thiền định là một khái niệm giải hữu, bản chất của nó tính Không. Thiền định tam muội là nhận thức hai mặt của một vấn đề. Nhận thức được nên sống không cực đoan, điều nhu được tất cả.

Trí tuệ là đạo tràng, vì nhìn thấy rõ các pháp. Trí tuệ này là trí tuệ bát nhã tính Không, đó là nhận thức thấu rõ thấu triệt bản chất của vạn pháp trên thế gian này.

Từ là đạo tràng, vì bình đẳng chúng sinh. Vì có tâm từ cho nên tất cả chúng sinh đều như nhau. Tâm từ này tất cả chúng sinh cũng đều có vì bản chất tính Không.

Bi là đạo tràng vì kham nhẫn được khổ. Nếu nhìn nhận thấu triệt bản chất của bi là diệu hữu tính Không nên tất cả tạo tác cũng tính Không. Vì vậy có thể chịu được mọi tai nạn khổ não mà người khác gây ra.

Hỷ là đạo tràng vì ưa thích chính pháp. Khi sống bằng chính pháp thì sẽ nhận thức được đúng bản chất vạn sự vậy thì luôn có niềm vui bởi đạo tràng là tính Không, tính Không nên không ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Hiểu thấu được vạn pháp thì thiện ác cũng chỉ là giả danh giả hữu, căn cốt của chúng đều tính không nên hỷ.

Thần thông là đạo tràng vì thành tựu được lục thông. Lục thông ứng với lục căn, lục thức, lục trần. Đại thừa không phủ định Phật giáo nguyên thủy mà nâng vấn đề lên một nấc mới.

Giải thoát là bồ đề vì hay buông bỏ. Bội xả là trái với tất cả những kiến chấp, xả cả chính và tà. Phương tiện là đạo tràng vì giáo hóa mọi chúng sinh. Tứ nhiếp là đạo tràng vì nhiếp hết mọi chúng sinh. Đa văn là đạo tràng vì làm như nói. Như là chân thực, hành động như thực.

Phục tâm là đạo tràng, vì chính quán các pháp. Chính quán còn hiểu là nhất tâm tam quán. Nhất tâm tam quán không khác mà là một. Đây là phương pháp nhận thức của trung quán. Nhận thức cả ba: không, giả, trung thống nhất với nhau. Không chỉ tồn tại ở trong giả. Đó là nhận thức trung đạo, nhận thức toàn diện không bị mắc kẹt bởi điều gì. Phục tâm là điều phục tâm, là chính quán tâm, là nhất tâm tam quán.

37 phẩm trợ đạo là đạo tràng, 37 phẩm trợ đạo là pháp tu mà nguyên thủy Phật giáo thường nhắc tới. Đó vẫn là hữu vi pháp, còn chịu sự chi phối của năng sở. Phải bỏ nhận thức hữu vi, nhận thức cực đoan có năng sở đi.

Tứ đế là đạo tràng, vì không hư dối thế gian. Đế là chân lý, cái chân lý chứng thì không nói được. Một khi còn dùng khái niệm danh ngôn thì đều là giả hữu, giả danh. Đế có thể hiểu là tứ đế, tục đế hay chân đế. Dù là đế gì thì cũng đều là đạo tràng

Duyên khởi là đạo tràng, vì từ vô minh cho tới lão tử đều không còn. Các phiền não là đạo tràng, vì biết như thực. Đây là nhận thức như thực, giả hữu thì có các phiền não nhưng bản chất của chúng đều Không tính. Chúng sinh là đạo tràng vì biết vô ngã. Vô ngã ở đây là tính Không. Đạo tràng chính là vô xứ sở, là tính Không, là thực tướng.

Nhất thiết pháp là đạo tràng, vì biết các pháp đều là Không. Câu này là câu tổng kết khái quát. Tri nhất thiết là nhận thức một cách rõ ràng, thấu triệt về vạn sự vạn pháp về hiện tượng thì giả hữu gọi là các pháp đó, còn bản chất của chúng đều là Không vô tự tính.

Như vậy, dựa vào các yếu tố khác nhau xuất phát từ bản tính của chúng sinh sẽ hình thành nên tướng trạng khác nhau. Mặc dù những tướng trạng của đạo tràng khác nhau như vậy nhưng về mặt bản chất đều giống nhau ở tính Không, đó mới chính là thực tướng của đạo tràng.

2.1.2.2. “Tướng” tác động tích cực ngược trở lại “tính

Mối quan hệ giữa “tính” và “tướng” là mối quan hệ biện chứng cho nên chúng có sự tác động thuận nghịch qua lại lẫn nhau, tính có vai trò quyết định tướng, đồng thời tướng cũng tác động tích cực trở lại tính. Thông thường, tướng đóng vai trò là phương tiện để biểu hiện tính, nhưng ở một khía cạnh khác, tướng đóng vai trò là yếu tố để quyết định nên cấu trúc bên trong của tính.

“Còn nữa, thưa Ngài Mục Kiền Liên! Người thuyết pháp phải biết căn tính của chúng sinh. Trước một hay nhiều đối tượng phải đọc thấy rõ rằng căn tính của họ lợi hay độn, phải lấy tâm đại bi mà khen ngợi đại thừa. Phải nghĩ rằng thuyết pháp là truyền bá, duy trì cho ngôi Tam Bảo cửu trụ thế gian”[8].

Để nói được một bài pháp hoàn chỉnh thì vị giảng sư phải biết được căn tính lợi độn của người thính pháp để nói pháp cho phù hợp với từng căn cơ, như bác sĩ tùy bệnh mà cho thuốc thì bệnh mới thuyên giảm được. Nhưng muốn biết căn tính nơi mỗi chúng sinh thì ắt hẳn phải nhìn nhận qua hình tướng bên ngoài của họ. Thông thường, hình tướng bên ngoài biểu hiện như thế nào thì bản tính bên trong biểu hiện đúng như thế đó (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Vì thế, thông qua việc quan sát dáng vẻ, điệu bộ bên ngoài của vạn pháp, chúng ta có thể thấy rõ được cấu trúc bên trong của bản tính. Đây là phương pháp nhanh nhất để người thuyết pháp có thể nhận biết được căn tính của từng thính giả, từ đó đưa ra được phương pháp thuyết giảng phù hợp đối với mọi đối tượng. Với trường hợp này, tướng đóng vai trò quyết định, tác động ngược trở lại tính, thông qua tướng trạng bên ngoài có thể thấy được cấu trúc, thực tính bên trong của vạn pháp.

“Ông Duy Ma Cật biết Bồ Tát Văn Thù và đại chúng sắp đến. Ông cho dẹp hết các vật sở hữu chỉ để tịnh thất trống. Không có thị giả và độc nhất có một cái giường, bệnh nhân là Ông Duy Ma Cật nằm choán hết”[9].

Ngài Duy Ma Cật đã lấy hình ảnh biểu pháp tiêu biểu đó là ngôi tịnh thất trống không với một chiếc giường bệnh. Thông qua hình ảnh đó, Ngài muốn hiển bày thực tướng của vạn pháp chính là Không tướng, bản tính là tính Không. Sự biểu hiện chân lý đến độ siêu việt như vậy đã chứng minh sự tác động của tướng đến tính rất sâu sắc.

Với hình tướng bên ngoài đơn giản nhưng lại chất chứa trong đó bản tính chân thực của vạn pháp – tòng tướng nhập tính. Thông qua việc nhận thức được thực tướng của các pháp là Không tướng, mà có thể thâm nhập được thể tính chân như, bình đẳng nhất như của vạn pháp trong thế giới hiện thực cũng như phi thực.

“Ông Xá Lợi Phất nói:

Thưa cư sĩ! Quả là việc lạ lùng chưa từng có. Diện tích của ngôi tịnh thất hữu hạn này mà lại có thể dung chứa hàng mấy muôn cái tòa cao rộng. Thành Tỳ Da Ly, xóm làng, cõi nước đều không chật chội trở ngại gì nhau. Đây là việc chưa từng có!

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Ông Duy Ma Cật nói: Chư Phật, Bồ tát có pháp môn giải thoát gọi là “Bất khả tư nghì”. Nếu Bồ tát trụ trong pháp môn giải thoát đó, có thể lấy núi Tu Di cao rộng để vào trong một hạt cải, mà núi Tu Di vẫn y nguyên trạng, hạt cải cũng không thêm bớt chút nào. Trời Tứ Thiên vương, Đao Lợi, chư Thiên không thể hay biết cảnh giới chư Thiên đang ở trong hạt cải. Chỉ có những người đáng độ (Bồ tát đăng địa), mới thấy biết núi Tu Di được đặt vào trong hạt cải”[10].

Thất ấy rộng lớn vì thu nhiếp được tính Không của 84 nghìn tòa sư tử kia không bị vướng mắc hay chướng ngại. Thành kia cũng không bị chật hẹp bởi vì bản chất tính Không nên thấy như cũ mà không hề thay đổi. Cho bản chất cùng là tính Không vào với nhau thì không có gì thay đổi.

Chứng nhập, lĩnh hội được pháp môn giải thoát bất tư nghì, cho nên đem núi Tu Di bỏ vào trong hạt cải mà núi hay hạt cải đều không tăng lên hay giảm đi, tướng của núi Tu Di vẫn như thế. Lấy tính Không bỏ vào nhau thì không có tăng lên hay giảm đi, tướng vẫn y nguyên.

Đức Phật đã mượn hình ảnh bên trong ngôi tịnh thất có thể dung chứa được 84 nghìn tòa sư tử và hình ảnh núi Tu Di để vào trong hạt cải để hiển bày cho chúng sinh thấy được bản tính chân thực của vạn pháp đó là tính Không. Thông qua tướng mà thấy được tính, tướng phù hợp với tính sẽ thúc đẩy quá trình vận động của vạn pháp diễn ra liên tục và phát triển.

Như vậy, mối quan hệ giữa tính và tướng là mối quan hệ hai chiều, tác động biện chứng với nhau, nương vào nhau để tồn tại. Quá trình đó diễn ra liên tục theo quy luật của vận động để biểu hiện quỹ đạo vận hành và phát triển của vạn pháp. Nhờ có cặp phạm trù này mà chúng ta có thể thấy được tướng trạng và bản tính chân thực của các pháp – bình đẳng nhất như.

2.2. Ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “tính” và “tướng

2.2.1. Khái niệm “phương pháp luận” trong triết học

Tất cả các ngành khoa học ra đời đều có chức năng nhất định để giải quyết những vấn đề của xã hội. Đối với ngành triết học, khi ra đời đã mang trong mình hai chức năng cơ bản để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong thế giới hiện thực khách quan. Hai chức năng đó là: chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận.

Nếu như chức năng thế giới quan là hệ thống những quan điểm của con người về thế giới, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới, nhằm giải quyết những vấn đề về thế giới mà con người đang đặt ra, thì chức năng phương pháp luận chính là:

“Phương pháp luận là hệ thống những quan điểm, những nguyên tắc có vai trò chỉ đạo việc sử dụng các phương pháp trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm đạt kết quả tối ưu”[11].

Phương pháp luận có tầm quan trọng rất lớn không chỉ với triết học mà đối với tất cả các ngành khoa học khác. Chỉ khi nào có phương pháp luận thì mọi vấn đề mới được xử lý một cách thấu đáo và mang lại hiệu quả cao trong công việc. Phương pháp luận giống như kim chỉ nam để định hướng cho mọi hoạt động thực tiễn và tư duy của con người. Nếu không có phương pháp luận thì mọi hoạt động thực tiễn và khoa học sẽ bị đi lệch hướng và không đem lại hiệu quả cao như mong muốn.

Xét trên phạm vi tác dụng của phương pháp luận, có thể chia thành ba nấc thang phương pháp luận như sau: phương pháp luận ngành, phương pháp luận chung và phương pháp luận chung nhất. Đối với từng ngành khoa học cụ thể sẽ sử dụng phương pháp luận ngành để định hướng cụ thể cho lĩnh vực chuyên sau của mình. Đối với triết học, trước hết sẽ sử dung phương pháp luận chung của toàn bộ nhận thức khoa học, trong đó chính bản thân chức năng thế giới quan đã mang một ý nghĩa của phương pháp luận.

Sau đó, chức năng phương pháp luận trong triết học sẽ đi tổng kết các kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học khác để đưa ra những nguyên tắc phương pháp luận chung nhất để nhằm hỗ trợ, định hướng cho các hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người.

2.2.2. Một số ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “tính” và “tướng

2.2.2.1. Ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “tính”“tướng” trong triết học

Với vai trò là nội dung và hình thức trong triết học nên “tính” và “tướng” cũng mang trong mình đầy đủ những ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nội dung và hình thức. Có thể đưa ra một số kết luận về ý nghĩa phương pháp luận của nội dung và hình thức như sau:

Thứ nhất, hình thức do nội dung quyết định, tất cả những thay đổi về hình thức đều do sự thay đổi về nội dung quy định; vì vậy, muốn biến đổi hình thức của sự vật, hiện tượng thì trước hết phải tác động để làm thay đổi nội dung của chính sự vật, hiện tượng đó.

Thứ hai, hình thức tác động vào nội dung theo hai chiều hướng phát triển và kìm hãm, hình thức chỉ thúc đẩy nội dung phát triển khi hình thức phù hợp với nội dung; vì thế, để thúc đẩy sự vật, hiện tượng phát triển nhanh và bền vững cần theo dõi mối quan hệ giữa nội dung đang phát triển với hình thức ít thay đổi.

Và khi hình thức không còn phù hợp với nội dung, gây kìm hãm sự phát triển của nội dung thì nhất định phải can thiệp vào tiến trình khách quan, làm cho hình thức thay đổi để nó trở nên phù hợp với nọi dung và giúp cho nội dung phát triển, không bị lạc hậu so với hình thức.

Thứ ba, một nội dung có thể có nhiều hình thức thể hiện và ngược lại, một hình thức có thể có nhiều nội dung thể hiện, bởi vậy nên sử dụng tối đa tất cả những hình thức có thể có, kể cả hình thức cũ cũng như hình thức mới, thậm chí có thể cải biến các hình thức vốn có, lấy hình thức này thay thế, bổ sung cho hình thức kia để khiến cho bất kì hình thức nào cũng phù hợp với nội dung mới, trở thành công cụ phục vụ cho nội dung mới.

2.2.2.2. Ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù “tính” và “tướng” trong kinh Duy Ma Cật

“Tính” và “tướng” là hai phạm trù cơ bản trong triết học Phật giáo nói chung và kinh Duy Ma Cật nói riêng, chúng luôn luôn song hành và đi đôi với nhau trong mối liên hệ thống nhất không thể tách rời để biểu thị quy luật vận động và phát triển của pháp.

Hai phạm trù này có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn đối với việc nhận thức Phật giáo, đặc biệt là ý nghĩa phương pháp luận khoa học. Hệ thống những nguyên tắc phương pháp luận khoa học này sẽ là công cụ để cho chúng ta nhận thức Phật giáo một cách chính xác và khoa học nhất. Có thể đưa ra một số nguyên tắc phương pháp luận của cặp phạm trù này như sau:

Thứ nhất, “tính” và “tướng” luôn luôn gắn bó chặt chẽ, thống nhất, không tách rời nhau, bởi vậy trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần chống lại khuynh hướng việc tách rời tính với tướng. Ở đây cần chống lại cả hai thái cực nhị biên sai lầm: hoặc là tuyệt đối hóa “tướng”, không coi trọng “tính”; hoặc là tuyệt đối hóa “tính”, không coi trọng “tướng”.

Tính và tướng là hai phương diện quan trọng giúp chúng ta nhận thức được hoàn chỉnh một pháp, vì thế hai phạm trù này luôn đồng hành cùng nhau, thiếu một trong hai phạm trù sẽ nhận thức đối tượng một cách sai lệch. Phạm vi ảnh hưởng của tính và tướng là cân bằng nhau, không cái nào hơn, không cái nào kém, cho nên không được tuyệt đối hóa bất kể phạm trù nào, chúng chỉ là tương đối, nương tựa vào nhau để cùng tồn tại.

Nếu tuyệt đối hóa “tướng” thì chỉ nhận diện được hình tướng bên ngoài của sự vật mà không nhận thức được bản tính chân thực bên trong của nó. Còn nếu tuyệt đối hóa “tính” thì chỉ biết được cấu trúc bên trong của pháp trên phương diện lý tính chứ không nhận thức được thực tướng của pháp.

Trong việc nhận thức và hoạt động thực tiễn, tính biểu trưng cho việc nhận thức, còn tướng biểu trưng cho hoạt động thực tiễn bên ngoài. Nhận thức và thực hành phải đi đôi với nhau, nếu chỉ có nhận thức mà không có thực hành thì nhận thức đó chỉ là nhận thức lý thuyết suông, còn chỉ có thực hành mà không có nhận thức thì việc làm đó sẽ sai lầm và không đem lại được kết quả. Vì thế, nhận thức và hoạt động thực tiễn phải đi đôi với nhau thì mới giải quyết vấn đề một cách triệt để được.

Thứ hai, cùng một “tính” có thể có nhiều “tướng” biểu hiện khác nhau, ngược lại, một “tướng” có thể thể hiện nhiều nội dung khác nhau của “tính”. Vì vậy, phải tận dụng tối đa những hình tướng có thể có, kể cả hình tướng mới và cũ để làm công cụ phục vụ cho “tính” mới.

Tính ở đây chính là bản tính chân như, thanh tịnh sẵn có nơi mỗi chúng sinh, ở Thánh không tăng, ở Phàm không giảm. Bản tính thanh tịnh ấy luôn bình đẳng ở tất cả mọi loài, nhưng ở từng loài khác nhau thì bản tính ấy biểu hiện ra hình tướng bên ngoài có sự khác nhau.

Những tướng trạng khác nhau như vậy chỉ là phương tiện để biểu trưng cho thể tính, chúng đều là những giả tướng, không phải là thực tướng, nhưng thông qua giả tướng mới nhận thức được thực tướng chân thật của vạn pháp. Đức Phật nói “tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, có sẵn tính thiện ở bên trong, nhưng có nghiệp tính, phiền não nhiễm ô đã che lấp đi bản tính Phật thanh tịnh nơi mỗ chúng sinh, vì thế mới hình thành nên những hình tướng khác nhau để phân biệt pháp này với pháp kia.

“Tính” mới ở đây chính là sự chuyển biến từ tâm tính mê lầm, chấp trước sang tính giác ngộ, cho nên tính mới chính là tính giác. Khi có tính giác ngộ hiện hữu thì ắt hẳn hình tướng bên ngoài phải biến đổi để phù hợp với tính giác đó. Nói một cách dễ hiểu, từ tâm sẽ sinh tướng, tâm như thế nào thì tướng sẽ như thế đó, tướng của người tinh tiến tu tập sẽ khác hẳn tướng của người chưa tu.

Vì thế, khi tính đã thay đổi từ tính cũ, mêm lầm sang tính mới, giác ngộ thì ắt hẳn hình tướng bên ngoài cũng phải có sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của tính. Hơn nữa, sự biến đổi của hình tướng ở đây không chỉ ở hình dáng bên ngoài mà còn là sự biến đổi trong nhận thức.

Khi nhận thức còn mê lầm, chấp trước thì sẽ nhìn nhận vạn pháp với muôn hình giả tướng phân biệt khác nhau, còn khi nhận thức không còn phân biệt nữa thì sẽ nhìn nhận vạn pháp bằng chân tướng (tướng chân thực). Chỉ khi nào nhận thức được thực tướng thì khi đó hình tướng mới thích hợp được với tính giác.

Thứ ba, “tính” quyết định “tướng”, mọi thay đổi về hình tướng bên ngoài đều do sự thay đổi về bản tính bên trong. Vì vậy, nếu muốn thay đổi tướng trạng thì trước hết phải có sự tác động để làm thay đổi bản tính bên trong.

Tuy tính và tướng luôn tồn tại và phát triển song hành cùng với nhau, nhưng tính luôn đóng vai trò là yếu tố quyết định tướng. Vì vậy, mọi thay đổi của tướng trạng bên ngoài phụ thuộc hầu hết vào bản tính bên trong. Khi tính thay đổi thì tướng cũng theo đó mà thay đổi theo.

Bởi vậy, nếu muốn hình tướng thay đổi thì trước hết phải tác động trực tiếp vào quá trình biến đổi tính. Muốn tính thay đổi thì chỉ có cách duy nhất để thay đổi đó chính là tu tập, bởi lẽ “tu là chuyển nghiệp”. Khi nghiệp thay đổi thì tướng cũng thay đổi. Áp dụng vào đời sống tu tập thì chính là thay đổi về nhận thức, nhận thức thay đổi thì hành động cũng thay đổi.

Thứ tư, “tướng” tác động ngược trở lại “tính” theo hai chiều hướng, hoặc là thúc đẩy, hoặc là kìm hãm sự phát triển của “tính”. Vì vậy , trong hoạt động nhận thức và thực tiễn phải theo dõi chặt chẽ mối quan hệ giữa tính và tướng để kịp thời can thiệp vào quá trình phát triển của nó, giúp cho hình tướng của sự vật phù hợp hay không phù hợp với “tính” đang biến đổi, nhằm thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển, tùy theo yêu cầu của hoạt động thực tiễn.

Hình tướng là thứ ảnh hưởng lớn nhất trong tiến trình tu tập để đạt đến giác ngộ. Với trường hợp “tướng” thúc đẩy sự phát triển của “tính”, trường hợp này xảy ra khi chúng ta có chí hướng tu tập để cầu đến quả vị vô thượng Bồ đề. Tâm trí đã quyết tâm để tu tập thì ắt hẳn bản tính sẽ thay đổi, từ nhận thức còn phân biệt, chấp trước, tà kiến sẽ chuyển thành nhận thức vô phân biệt, nhận thức trung đạo thực tướng, không chấp vào lưỡng biên,…

Còn đối với trường hợp “tướng” kìm hãm sự phát triển của “tính”, ở trường hợp này tự thân mỗi chúng sinh không chịu khó tu tập, từ đó sẽ làm cho tính Phật trong mỗi con người bị che lấp, không hiển bày được, nhận thức ngày càng bị mê lầm, phiền não chồng chất phiền não, khiến cho bản tính thanh tịnh không hiển bày được.

Tùy vào từng nhu cầu, thời gian, địa điểm khác nhau mà chúng ta có sự thay đổi về hình tướng theo từng mức độ khác nhau khiến cho hình tướng luôn luôn phát triển để không bị lạc hậu so với bản tính. Thể tính thanh tịnh thì luôn bình đẳng, sáng suốt, chỉ do hình tướng có sự phát triển không đồng đều làm cho bản tính cũng bị ảnh hưởng. Chỉ cần nhận thức được thực tướng của vạn pháp thì mọi sự biến động của hình tướng sẽ phù hợp với thể tính bên trong và không bị lạc hậu so với bản tính.

Tóm lại, những nguyên tắc phương pháp luận của tính và tướng có tầm quan trọng rất lớn, định hướng cho mọi hoạt động nhận thức và thực tiễn của cá nhân và xã hội. Nắm được những nguyên tắc phương pháp luận này, chúng ta sẽ vững vàng hơn trong việc nhận thức và xử lý tất cả mọi vấn đề đặt ra trong đời sống tu tập và những gì thực tiễn xã hội đang đề ra một cách hiệu quả nhất.

3. Kết luận

Như vậy, thông qua một số phân tích và chứng minh ở trên đã cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa “tính” và “tướng” là mối quan hệ biện chứng, thống nhất, tác động qua lại với nhau trong chỉnh thể của pháp. Thông qua tướng mà thấy được tính – tòng tướng nhập tính, và ngược lại. Muốn nhận thức được thực tướng của các pháp thì bắt buộc phải nhận thức được “tính”“tướng” trong mối quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau. Đó chính là cấu trúc, quy luật vận hành của vạn pháp. Các pháp thành hay hoại đều do hai yếu tố chính này quy định.

Thông qua mối quan hệ biện chứng giữa “tính” và “tướng”, chúng ta rút ra được những nguyên tắc phương pháp luận để lấy đó làm phương pháp chỉ đạo cho hoạt động nhận thức và thực tiễn. Đây cũng chính là mục tiêu chính giúp cho việc nhận thức “thực tướng”.

Khi nhận thức được thực tướng thì tất cả hành động, việc làm đều đúng theo quy chuẩn, không bị lệch hướng. Chúng tôi đã rút ra được bốn nguyên tắc phương pháp luận của “tính” và “tướng” trong kinh Duy Ma Cật, đó là những nguyên tắc cốt lõi, trọng tâm và thiết thực để định hướng cho mọi hoạt động trong nhận thức và cải tạo thực tiễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bariş Yildirim (2011), Marx On Form And Content: It‟S All About Structure, It‟S All About Artwork!, A thesis submitted to the graduate school of social sciences of the middle east technical university.

Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội (2018), Giáo trình triết học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội.

Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

Nguyễn Thúy Vân, Nguyễn Anh Tuấn (2015), Giáo trình lôgíc học biện chứng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

***

CHÚ THÍCH

[1] Đại học Quốc gia Hà Nội (2018), Giáo trình triết học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr.20.

[2] Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr.201.

[3] Bariş Yildirim (2011), Marx On Form And Content: It‟S All About Structure, It‟S All About Artwork!, A thesis submitted to the graduate school of social sciences of the middle east technical university, p.75.

[4] Nguyễn Thúy Vân, Nguyễn Anh Tuấn (2015), Giáo trình lôgíc học biện chứng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.90-91.

[5] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.24.

[6] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.25.

[7] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.98-100.

[8] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.49.

[9] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.122.

[10] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.150.

[11] Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr.97.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/moi-quan-he-bien-chung-va-y-nghia-phuong-phap-luan-cua-tinh-va-tuong-trong-kinh-duy-ma-cat.html