Biên cương mùa gió biếc

Tôi đến vùng biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai) trong một ngày cuối tháng 11. Buổi trưa biên giới với dã quỳ rực sắc, nắng vàng như mật và những cơn gió chạy dài trên những dải đồi xanh biếc.

Trên hành trình 60 km dọc theo tỉnh lộ 664, tôi đi qua những vườn điều xanh mướt, mùa này ngai ngái hương hoa. Đám trẻ con rủ nhau chơi trò vắt vẻo đu đưa trên những cành điều, tiếng cười rộn vang khắp nẻo. Những hàng điều thẳng tắp, cành la đà mặt đất, vươn ngang bốn phía tạo nên những dáng cây vững chãi qua bao mùa mưa nắng. Tôi cũng không rõ cây điều được trồng trên miền biên giới này từ khi nào. Chỉ biết bây giờ, khi người dân ở khắp mọi miền chọn nơi này để khai khẩn, làm kinh tế mới, điều đã là cây công nghiệp bén duyên cùng với cao su, cà phê giúp người dân phát triển kinh tế, nhất là gần đây, hạt điều trở thành loại hạt sấy khô, hạt điều rang muối bán chạy trên thị trường.

Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Thanh Phong

Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Thanh Phong

Mùa này, gió rất đậm, miên man từng cơn se sắt núi đồi. Trời xanh trong, cao vời vợi. Trên hầu hết cung đường lên biên giới, cao su vào mùa thay lá. Vượt qua mấy con dốc dài hun hút, chúng tôi cố tình đánh xe lọt vào một vùng đất bằng phẳng, tít tắp cao su. Mặt trời lên cao, hắt những tia nắng lên vạt rừng khiến ngọn cây sáng bừng lên một màu vàng rừng rực và chạy xa hút hắt tầm mắt. Cả một không gian bao la bạt ngàn cao su. Cảnh quan sinh động như một bức tranh được họa sĩ phối màu hài hòa, tỉ mỉ với sắc đỏ của đất, sắc vàng của nắng, sắc nâu của lá khô. Bên thì đỏ rực, bên kia đã lún phún lá non, chỗ còn trơ thân cành khẳng khiu đua mình trong gió. Với những cư dân nơi đây, khi nhìn sang những vạt cao su rũ mình buông lá thì biết đã gần hết năm, chuẩn bị đến Tết.

Tôi đưa tay soi mình dưới nắng, dưới thấp thoáng dã quỳ. Nắng miền biên giới như ma lực nào đấy, thoắt ẩn, thoắt hiện, thúc giục người nhanh bước chân trong hành trình khám phá. Chẳng phải cái nắng phố thị nhà nhà tầng tầng ngờm ngợp. Nắng ở đây không có hình khối. Tôi đứng nhìn nắng, nghe nắng chảy tràn cả miền thương mến. Khó mà trốn được nắng ở đây, khi vừa ngang qua đám mây lưng chừng, chúng đã nhàn tản nơi dòng Pô Cô muôn đời hiền hòa, trầm mặc. Phía trên kia, không gian như mở ra, rộng hơn; phía dưới này, lấp lánh, lung linh trên dòng sông theo màu trời rực rỡ những tầng xanh. Trong nắng, tôi thấy dã quỳ vẫn vàng mê mải, như trong một khúc hát gọi nhau, như trong giấc mơ núi đồi xa vắng. Và, tôi tìm thấy trong đôi mắt trong veo của em bé Jrai tình cờ gặp bên đường những giọt nắng ươm ước vọng tuổi xanh.

Khi ánh chiều chênh chếch phía Tây, những ngôi nhà ẩn mình bên vườn điều đã rộn rã tiếng cười. Ráng chiều soi bóng trên lòng sông. Mặt trời hắt ánh sáng đỏ ối, màu của buổi hoàng hôn lên mặt nước, lung linh, huyền ảo. Ngoài kia, núi đồi trập trùng nối liền, gọi mời những cái nắm tay thật chặt, những đôi chân mong ước tìm về miền gió biếc. Lang thang ở miền biên giới thơ mộng, trên nẻo đường hoa cỏ, trước mắt là những lối mòn đi về những nẻo nhỏ khác nhau, nhìn đàn chim di trú phía xa, tôi thấy mình như lạc vào miền sống khác, một thế giới bình yên khi hòa mình với thiên nhiên, hít thở khí trời trong lành đến vô ngần. Tôi chụp vội tấm ảnh nơi đây để ghi lại sự xúc động của riêng mình. Để rồi mai này trong miền ký ức, tôi lại thêm một lần nhớ chuyến về miền biên giới qua những rẫy điều xanh mướt cùng những ngọn gió biếc xanh.

NGUYỄN THỊ DIỄM

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202211/bien-cuong-mua-gio-biec-5796912/