Biển Địa Trung Hải từng trải qua thời kỳ là một bãi muối rộng lớn và hoàn toàn khô cạn. Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Communications Earth and Environment, vùng biển này có thể đầy nước trở lại nhờ trận đại hồng thủy Zanclean diễn ra cách đây khoảng 5,33 triệu năm. Ảnh: SimpleImages//Getty Images.
Trận đại hồng thủy Zanclean được cho là kéo dài 2 - 16 năm với lượng nước đổ vào biển Địa Trung Hải với tốc độ lên tới 60 - 100 triệu m3 mỗi giây. Ảnh: ISTOCK / GETTY IMAGES PLUS.
Đồng tác giả nghiên cứu Aaron Micallef, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey, cho biết trận đại hồng thủy Zanclean là một sự kiện lớn với tốc độ xả và vận tốc dòng chảy vượt xa bất kỳ trận lũ nào khác trong lịch sử nhân loại. Ảnh: Paubahi, CC BY-SA 3.0, via Wikimedia Commons.
Vào khoảng 200 triệu năm trước, trong thời Mesozoic (Đại Trung Sinh), Địa Trung Hải là một phần của đại dương Tethys rộng lớn ngăn cách hai siêu lục địa cổ Gondwana và Laurasia. Qua thời gian, đại dương thu nhỏ lại khi các mảng kiến tạo châu Phi và Âu - Á tiến đến gần nhau, trở thành Địa Trung Hải. Ảnh: news9live.
Cuộc khủng hoảng độ mặn Messinian (5,97 - 5,33 triệu năm trước), xảy ra khi biển bị cô lập khỏi Đại Tây Dương, khiến nước bốc hơi gần như hoàn toàn do thời tiết khô hạn. Sự kiện này để lại những bãi muối rộng lớn trong lòng chảo. Ảnh: Kevin Sciberras & Neil Petroni.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia tìm được thêm bằng chứng về một trận đại hồng thủy lấp đầy Địa Trung Hải trong các đặc điểm địa chất ở đông nam Sicily. Họ đã phân tích hơn 300 gờ núi trên cầu đất ngầm Sicily Sill từng ngăn cách các vùng lòng chảo phía Đông và phía Tây Địa Trung Hải. Kết quả nghiên cứu chỉ ra cấu trúc của những gờ này cho thấy một trận đại hồng thủy từng quét qua bề mặt của chúng. Ảnh: NASA.
Nhóm nghiên cứu cũng dùng sóng địa chấn để phát hiện một kênh hình chữ W khắc vào đáy biển phía đông Sicily Sill, có thể từng hoạt động như chiếc phễu khổng lồ, đổ nước ra hẻm núi Noto ở phía đông Địa Trung Hải. Ảnh: unchartedterritories.
Theo các nhà khoa học, dòng nước lũ này có thể di chuyển với tốc độ lên đến 116 km/h, khắc những kênh sâu vào đá trong quá trình chảy và vận chuyển vật liệu đi xa qua lòng chảo. Ảnh: unchartedterritories.
"Phát hiện mới không chỉ làm sáng tỏ một thời điểm quan trọng trong lịch sử địa chất của Trái Đất mà còn cho thấy sự bền bỉ của các dạng địa hình qua 5 triệu năm. Nó mở ra cánh cửa cho những nghiên cứu sâu hơn dọc theo rìa Địa Trung Hải", chuyên gia Micallef cho biết. Ảnh: unchartedterritories.
Mời độc giả xem video: Hàng chục người di cư mất tích sau vụ chìm tàu ở Địa Trung Hải.
Tâm Anh (theo Popularmechanics)