Biến đổi khí hậu - thủ phạm gây nắng nóng toàn cầu

Theo phân tích gần đây của nhóm các nhà khoa học quốc tế chuyên nghiên cứu mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan World Weather Attribution (WWA), các đợt nắng nóng khắc nghiệt diễn ra vừa qua, nhất vào tháng 7 đã tàn phá nhiều khu vực ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Những đợt nắng nóng này được mệnh danh là 'địa ngục nhiệt' gần như không thể xảy ra nếu không có tác động của biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.

Viễn cảnh đáng sợ

Các nhà khoa học của WWA dành một tuần để phân tích dữ liệu từ các đợt nắng nóng nguy hiểm tấn công Bắc bán cầu thời gian qua. Từ đầu tháng 7 đến nay, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân ở nhiều nước trên thế giới. Nền nhiệt ở Trung Quốc, Mỹ và Nam Âu phá vỡ mức kỷ lục, dẫn đến thiệt hại về mùa màng và vật nuôi, thiếu thốn nước sinh hoạt và gia tăng trường hợp nhập viện do các bệnh liên quan đến nắng nóng.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Nghiên cứu kiểm tra cụ thể dữ liệu thời tiết và các mô hình máy tính để so sánh khí hậu toàn cầu hiện tại, ấm hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những phát hiện này cho thấy, vai trò của biến đổi khí hậu được cho là cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường tần suất và mức độ nghiêm trọng của những đợt nắng nóng này.

Giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Môi trường và biến đổi khí hậu Grantham tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, Friederike Otto cho rằng, nếu các hoạt động của con người, chẳng hạn như đốt dầu, than và khí đốt, không làm hành tinh nóng lên, sóng nhiệt cực đoan sẽ đặc biệt hiếm. Tuy nhiên, do việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, những đợt nắng nóng khắc nghiệt như vậy đã trở nên thường xuyên hơn.

Báo cáo cho thấy những đợt nắng nóng khủng khiếp như trong năm nay được dự đoán sẽ xảy ra 15 năm một lần ở Mỹ và Mexico, Ở Nam Âu, mỗi năm sẽ có 1/10 cơ hội xảy ra sự kiện tương tự. Ở Trung Quốc, tỷ lệ “tái phát” sóng nhiệt như vừa rồi là 1/5 mỗi năm. Hơn nữa, biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng các đợt nắng nóng, mà còn làm tăng nhiệt độ của chúng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đã làm cho đợt nắng nóng ở châu Âu nóng hơn 2,5 độ C, ở Bắc Mỹ nóng hơn 2 độ C và ở Trung Quốc nóng hơn 1 độ C. Nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra, nhiệt độ cực cao có thể sẽ chỉ giới hạn ở mức 250 năm một lần, trong khi các đợt nắng nóng có cường độ như những gì vừa trải qua vào tháng 7 hầu như không thể xảy ra.

Báo cáo cảnh báo, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các đợt nắng nóng cực đoan có thể xảy ra cứ sau 2 đến 5 năm.

Nhiều chính quyền địa phương và quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, đã xây dựng nhiều kế hoạch ứng phó với nắng nóng như thiết lập các trung tâm làm mát công cộng, cảnh báo trước và phối hợp giữa các dịch vụ xã hội và bệnh viện. Nhưng ngay cả khi các chương trình này tồn tại, chúng vẫn không hoàn hảo và hiện tại, cái giá phải trả cho con người do nhiệt độ khắc nghiệt vẫn còn cao. Năm ngoái, châu Âu trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến hơn 61.000 ca tử vong vì các nguyên nhân liên quan. Tương tự, hơn 100 người đã chết ở Mexico do nắng nóng kể từ tháng 3, trong khi các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Italy, phải chứng kiến số ca nhập viện tăng mạnh khi mọi người vật lộn để đối phó với nhiệt độ tăng cao.

Hậu quả tàn khốc đối với kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, biến đổi khí hậu là mối đe dọa siêu lớn, một phần của nhóm các tác nhân đang kéo chậm nền kinh tế thế giới. Theo nhận định của tổ chức tư vấn Chatham House (Anh), biến đổi khí hậu gây ra nắng nóng, sóng nhiệt chính là cú sốc tiếp theo đối với nền kinh tế toàn cầu là: lạm phát lương thực có thể tăng do mất mùa, các bệnh phát triển mạnh như Ebola và bệnh thủy đậu, cũng có thể lây lan khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.

Các lĩnh vực phụ thuộc vào carbon có thể sụp đổ khi các Chính phủ thắt chặt quy định về lượng phát thải carbon. Những tác động đó có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế thông qua các vấn đề về chuỗi cung ứng. Báo cáo của Chatham House cho biết, đầu tư bất động sản ở những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, như Miami ở Mỹ, Thượng Hải ở Trung Quốc và Amsterdam ở Hà Lan, cũng có thể bị ảnh hưởng và một số hoạt động thị trường có thể bị đóng cửa ở những khu vực này. Điều đó đã xảy ra trong thị trường bảo hiểm, khi công ty State Farm và Allstate gần đây quyết định ngừng bán hợp đồng bảo hiểm tài sản và thương vong cho khách hàng mới ở California (Mỹ), một phần do thiên tai.

Thực vậy, tác động kinh tế của kỷ nguyên nhiệt kỷ lục mới đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, từ các ngành dịch vụ như du lịch đến các ngành công nghiệp. Thực tế, các ngành công nghiệp từ xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, vận tải và bảo hiểm đều đang chuẩn bị những phương án kinh doanh giúp đối phó với tình trạng nhiệt độ cao trở nên thường xuyên hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách hiện đang tính toán chi phí của các công ty phải đóng cửa và giảm năng suất.

Một nghiên cứu do các học giả tại Dartmouth công bố năm ngoái cho thấy, các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu do con người gây ra gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 16 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian 21 năm kể từ những năm 1990. Một trong những lý do chính khiến nhiệt độ cực cao gây ra mối đe dọa kinh tế là vì nó khiến việc làm trở nên khó khăn hơn. Nhiệt độ cao đi đôi với năng suất thấp. Trong điều kiện nắng nóng, con người thường làm việc chậm hơn, gặp nhiều rủi ro hơn trong khi chức năng nhận thức giảm sút. Những người nghèo nhất và ít có khả năng đối phó nhất thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cái nóng khắc nghiệt, và tình trạng giảm năng suất thường tập trung ở những công việc mà tiền lương có xu hướng thấp hơn mức trung bình.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán rằng đến năm 2030, mỗi năm, tương đương với hơn 2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới sẽ bị mất đi, do thời tiết quá nóng hoặc do người lao động có để làm việc với tốc độ chậm hơn. Cũng theo nghiên cứu này, những người làm việc ngoài trời, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc xây dựng có nguy cơ tử vong, thương tích, bệnh tật và giảm năng suất do tiếp xúc với nhiệt. Từ năm 1992 đến 2016, 285 công nhân xây dựng ở Mỹ đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca tử vong do nghề nghiệp của cả nước.

Ông Sachin Boite, Giám đốc phụ trách khả năng phục hồi khí hậu tại mạng lưới C40 - có chức năng thúc đẩy các thành phố hành động vì môi trường - nhận định,, khoảng 200 triệu người ở các thành phố ngày nay có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực cao, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp 8 lần vào năm 2050. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện rất ít quốc gia đặt ra quy định về nhiệt độ tối đa buộc phải ngừng làm việc. Ví dụ, ở Vương quốc Anh, nơi nhiệt độ quá cao chưa từng là vấn đề trong lịch sử, chỉ có một ngưỡng được khuyến nghị để ngừng làm việc ở nhiệt độ lạnh chứ không phải nóng.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/bien-doi-khi-hau---thu-pham-gay-nang-nong-toan-cau-i338297/