Chuyên gia nói gì về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa công bố?

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, một số chuyên gia giáo dục đã có những nhận định xung quanh phổ điểm này.

Công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024

Sáng nay (17/7), ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm các môn thi trong kỳ thi này.

Đánh giá chung kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT cho biết nhìn chung, phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định và tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước.

Điểm các môn đều có sự phân hóa phù hợp bảo đảm cho công tác tuyển sinh ổn định như năm trước; các tổ hợp truyền thống trong công tác xét tuyển sinh cũng tương đối ổn định so với các năm trước.

Kết quả điểm thi tiếp tục khẳng định Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã đạt được đầy đủ các mục tiêu và yêu cầu đề ra, đó là: Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; Xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Chuyên gia nói gì về phổ điểm?

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Qua việc nghiên cứu phổ điểm tôi thấy rằng, về cơ bản phổ điểm năm nay khá tốt. Điều đó thể hiện kết quả của Kỳ thi khá ổn định so với những kỳ thi trước và kết quả đó phản ánh được chất lượng dạy học ở giáo dục phổ thông".

Cụ thể, phổ điểm một số môn thi có sự phân bố rất tốt như môn Lịch sử. Ngoài ra, phổ điểm môn tiếng Anh cũng bắt đầu có chuyển biến tích cực hơn so với phổ điểm của các năm trước đây.

PGS. TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS. TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, kết quả ổn định của Kỳ thi năm nay thể hiện được cả quá trình tổ chức Kỳ thi và đánh giá sát được chất lượng dạy, học của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, đây là một cơ sở rất tốt để có thể chuẩn bị, tiến hành đánh giá, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với cách thức đang triển khai như thay đổi định dạng đề thi, bổ sung định dạng đề thi mới sẽ phản ánh tốt hơn chất lượng dạy và học tại các trường phổ thông.

"Một trong những mục tiêu đặt ra với Kỳ thi tốt nghiệp THPT là phải có sự phân hóa nhất định để các trường đại học có thể căn cứ vào kết quả đó tuyển sinh. Theo tôi, mục tiêu này bước đầu đã đạt được. Với nhiều khoảng điểm và sự phân hóa về kết quả giữa các môn học thì hoàn toàn đủ điều kiện cho các trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển theo các tổ hợp tuyển sinh"- PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.

Riêng đối với công tác ra đề thi năm nay, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đánh giá đã làm tương đối đều tay và dần dần có thể tiếp cận được những công nghệ ra đề mới. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng đề thi ở các kỳ thi sau sẽ có mức độ đồng đều hơn, không có độ vênh nhiều giữa điểm thi của các môn, như vậy, sẽ tạo ra được mặt bằng chung để dễ đánh giá chất lượng dạy và học.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Một trong những mục tiêu rất quan trọng nữa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhằm điều chỉnh quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông. Do đó, nếu kết quả Kỳ thi được đánh giá một cách tin cậy, khách quan, giống như đã làm chính là căn cứ tốt để các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên điều chỉnh quá trình dạy học của mình và đạt được kết quả mong muốn.

Về vấn đề này, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết: "Từ kết quả phổ điểm, tôi thấy mừng bởi từ vùng sâu, vùng xa cho đến vùng phát triển, độ chụm của học vấn phổ thông thể hiện ở tất cả điểm số các môn, độ chênh lệch nhau không nhiều và không đáng kể. Với một đồ thị phân bổ như vậy chứng tỏ rằng quá trình tổ chức giảng dạy, quá trình ra đề, phân tích dữ liệu đã đạt được yêu cầu".

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai và sang năm các em sẽ được đánh giá theo tiêu chí của Chương trình này, do đó trong quá trình tổ chức dạy học cần hết sức coi trọng học vấn nền tảng, cân bằng giữa các lĩnh vực và coi trọng tính chất tổ hợp, coi trọng tính chất liên ngành, coi trọng tính chất tích hợp.

"Như vậy quá trình đánh giá học sinh ở Kỳ thi sang năm, việc ra đề cũng sẽ coi trọng nội dung này, đánh giá năng lực học vấn tổng hợp của người học và khi đó giúp ích cho các em có được tư duy, có được phương pháp để sau này vào đời giải quyết được những vấn đề của thực tiễn một cách chắc chắn.

Điều đó cũng sẽ khích lệ, tác động trở lại quá trình dạy học của các thầy cô giáo; các thầy cô sẽ coi trọng tổng hợp, coi trọng tổ hợp và coi trọng giảng dạy tích hợp không những trong nhà trường mà ngoài phạm vi nhà trường.

Phải làm sao để học vấn phổ thông trở thành một nền tảng giúp cho học sinh vào đời, dù tham gia lao động sản xuất hay học sau phổ thông đều có một độ chắc chắn, thích nghi tốt với sự thay đổi trong môi trường hiện nay"- GS.TS Phạm Hồng Quang nói.

Còn GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định đánh giá kết quả của Kỳ thi hết sức khách quan. Trên một mặt bằng chung kiến thức của toàn quốc, phổ điểm năm nay hoàn toàn có thể tin cậy để các trường đại học có mặt bằng chung xét tuyển vào đại học. Thông qua kết quả các môn thi, chúng ta thấy được ma trận đề thi cũng như độ khó dễ cơ bản đã giữ ở mức ổn định và tất cả các môn đều có chuyển biến rất tích cực.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Điều đó thể hiện ở việc điểm trung bình dưới 5 của tất cả các môn đều có sự cải thiện đáng kể. Kể cả các môn như Toán, Lịch sử, Vật lý là những môn thường có số điểm dưới trung bình tương đối lớn.

"Vì vậy, tôi cho rằng đây sự đáng mừng. Kết quả này cũng thể hiện sự ổn định, nỗ lực trong học tập, giảng dạy của các em học sinh và thầy cô giáo, kết quả tiến bộ rõ rệt hơn so với những năm trước. Đây là điểm đáng mừng về chất lượng giáo dục phổ thông của cả nước nói chung" - GS. TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Theo GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, với việc phổ điểm các môn như Toán, Vật lý, đặc biệt là môn Hóa học và Địa lý số điểm 10 nhiều hơn so với những năm trước. Do đó, dự báo tổ hợp A00, A01, B00, C00, D01 phổ điểm sẽ tăng.

Qua đánh giá phổ điểm thi vẫn thấy điểm khối Khoa học Xã hội, ví dụ môn Ngữ văn, Địa lý tỷ lệ điểm giỏi cao, điểm dưới trung bình thấp; trong khi đó môn Khoa học Tự nhiên như Toán, Vật lý tỷ lệ điểm giỏi mặc dù đã cải thiện nhưng tỷ lệ điểm dưới trung bình vẫn cao hơn so với môn khác. Do đó, công tác định hướng thi, xét tuyển vào đại học ở tổ hợp Khoa học Tự nhiên cần được lưu ý, chú trọng hơn nữa.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-pho-diem-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-vua-cong-bo-169240717091307852.htm