Biến động trái chiều trong xuất khẩu gạo, cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Xuất khẩu gạo từ đầu năm tới nay đã có nhiều biến động trái chiều. Bối cảnh thắt chặt nguồn cung khiến nhu cầu của nhiều nước tăng cao đang tạo thuận lợi cho hạt gạo của nước ta. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng hiện diện không ít khó khăn đan xen.

Đường xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo là “rộng mở” khi nhiều quốc gia là những khách hàng lớn đang có xu hướng tăng nhập khẩu gạo trong năm 2024.

Nhiều nước tăng nhập khẩu

Cụ thể, vừa qua Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra dự báo Philippines - quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới có thể sẽ tăng lượng nhập khẩu gạo lên 4,1 triệu tấn, thay vì con số dự báo trước đó là 3,9 triệu tấn.

Nguyên nhân được đưa ra là vì sản lượng lúa gạo nội địa của nước này đã suy giảm do khô hạn. Theo báo chí Philippines, để đảm bảo nhu cầu trong nước (lên đến khoảng 37 tấn mỗi ngày) và tồn kho dự trữ, trung bình mỗi tháng Philippines cần nhập khẩu khoảng 330.000 tấn gạo.

Tương tự, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam cũng vừa thông báo tăng nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu.

Nhiều đơn hàng nhập khẩu gạo từ các khách hàng lớn đang đổ về Việt Nam.

Nhiều đơn hàng nhập khẩu gạo từ các khách hàng lớn đang đổ về Việt Nam.

Chính phủ Indonesia vừa mới quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn… Tổng lượng lượng gạo hạn ngạch quyết định nhập khẩu của Indonesia trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn.

Chưa hết, Senegal - thị trường nhập khẩu gạo tấm lớn ở châu Phi mới đây cũng bày tỏ ý định tăng cường nhập khẩu gạo tấm từ châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024.

Nhu cầu của các nước đang cao hơn bao giờ hết, tuy vậy Ấn Độ vẫn đang giữ lệnh hạn chế xuất khẩu, đồng thời những biến động địa chính trị vẫn ảnh hưởng lớn tới việc vận chuyển hàng hóa ở nhiều khu vực.

Có thể nói, đơn hàng từ các khách lớn đang có xu hướng đổ dồn về Việt Nam. Nhiều nước đã tiếp cận Việt Nam và bày tỏ mong muốn nước ta cung cấp gạo ổn định cho các quốc gia này tạo thời cơ rất lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo trong năm nay.

Xu hướng nhập khẩu đã dần được định hình rõ. Nhiều hợp đồng, gói thầu đã ký là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn. Còn nhớ, cuối năm ngoái, chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận với Việt Nam. Thỏa thuận có thời hạn 5 và mỗi năm Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo từ 1,5 - 2 triệu tấn. Hay với thị trường Indonesia, cuối tháng 1, có 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng tổng cộng 8 trong số 17 gói thầu nhập khẩu gạo 500.000 tấn của Indonesia.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm nay gạo Việt Nam có nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu và có được mức giá bán tốt hơn. Ước tính, 2024 sẽ là năm liên tiếp xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, mang về khoảng 5 tỷ USD.

Biến động khó lường

Dù vậy, giữa những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu của nước ta vẫn gặp một số khó khăn đan xen. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc - một trong những khách hàng lớn nhất của Việt Nam gặp khó và có dấu hiệu suy giảm.

Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2022, Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự biến động tương đối lớn, nếu như năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu lên đến 1 tỷ USD sản phẩm gạo của Việt Nam, đến năm 2019, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt hơn 240 triệu USD và phục hồi trở lại trong giai đoạn 2020 và 2021 và có xu hướng giảm trong hai năm trở lại đây.

Theo ông Lai, một số khó khăn khi xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc là thị trường này đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu hàng năm. Năm 2023, hạn ngạch nhập khẩu gạo ở mức 5,32 triệu tấn. Con số này không thay đổi trong những năm trở lại đây. Dù nhiều nước khác đã tăng nhập khẩu, Trung Quốc vẫn giữ mức hạn ngạch nhập khẩu cố định.

Không chỉ vậy, nước này cũng đang hạn chế số lượng doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường. Hiện nay, chỉ có khoảng 21 doanh nghiệp Việt được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc (trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp đã được cấp phép).

Ngoài khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường, hoạt động xuất khẩu của gạo Việt cũng đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ một số quốc gia khác. Đặc biệt là Thái Lan, khi nước này cũng đồng thời xuất khẩu vào nhiều thị trường khách hàng lớn của Việt Nam, đồng thời được đánh giá là đang có phần ưu thế hơn gạo Việt Nam ở một số mặt, đặc biệt là chất lượng, thương hiệu và bao bì.

Giá xuất khẩu không ổn định cũng là một yếu tố gây trở ngại. Giá gạo Việt sau một thời gian dài giữ ngôi cao nhất thế giới thì mới đây đã phải “nhường ngôi” vào tay Thái Lan và Pakistan. Việc giá gạo biến động liên tục, thiếu ổn định cũng đang gây ra nhiều bất lợi cho hoạt động thu mua và ký hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) cho biết, các doanh nghiệp hiện tại đang khá ‘dè dặt’ và thực tế này cũng xuất phát từ “bài học” của năm 2023. Khi giá cả biến động lớn đã khiến chuỗi cung ứng gạo bị đứt gãy, nhiều nhà cung cấp không giao hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu theo các hợp đồng ký trước đó trong khi doanh nghiệp vẫn phải giao hàng cho đối tác nước ngoài. Để có gạo giao cho khách, doanh nghiệp buộc phải mua gạo ngoài hợp đồng với giá cao, điều này đã dẫn đến thua lỗ.

Để xuất khẩu gạo năm 2024 hiệu quả, Bộ Công thương cho hay, Bộ sẽ theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bích Tâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/bien-dong-trai-chieu-trong-xuat-khau-gao-co-hoi-va-thach-thuc-cho-viet-nam-1098766.html