Biến 'kho báu xanh' Vườn quốc gia Vũ Quang thành điểm đến sinh thái tầm cỡ
Với hệ sinh thái rừng nguyên sinh quý hiếm, cảnh quan hoang sơ cùng những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, Vườn quốc gia Vũ Quang đang được kỳ vọng trở thành 'thủ phủ' du lịch sinh thái của Bắc Trung Bộ.
Đa dạng sinh học đặc hữu – nền tảng phát triển du lịch sinh thái
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định Số 1752/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Vũ Quang, giai đoạn 2025 – 2030”.
Đề án nhằm khai thác tiềm năng cảnh quan, đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của vùng rừng biên viễn để phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, đồng thời tạo cơ sở pháp lý thu hút đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và ý thức bảo vệ rừng cho người dân địa phương.

Vườn quốc gia Vũ Quang được đánh giá là một trong những khu rừng có tính đa dạng sinh học cao nhất Đông Dương.
Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại đây, không chỉ đánh dấu bước chuyển mình chiến lược của vùng rừng biên viễn, mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên và nâng cao sinh kế cộng đồng.
Nằm ở khu vực biên giới Việt – Lào, Vườn quốc gia Vũ Quang được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là một trong những khu rừng có tính đa dạng sinh học cao nhất Đông Dương.
Vườn hiện quản lý hơn 57.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 52.700 ha rừng đặc dụng, bao gồm các hệ sinh thái rừng kín thường xanh, rừng lùn trên núi đá và rừng ngập nước, tạo nên nguồn tài nguyên phong phú, quý hiếm.

Vẻ đẹp hoang sơ, hiếm có tại Vườn quốc gia Vũ Quang
Hệ thực vật tại đây có tới 1.616 loài thực vật có ích, thuộc 202 họ thực vật bậc cao có mạch, nhiều cây gỗ quý như: pơmu, lim xanh, hoàng đàn giả, du sam núi đất, sấu cổ thụ…
Hệ động vật cũng đặc biệt đa dạng với 6 lớp, gồm 94 loài thú, 315 loài chim, 88 loài cá, 58 loài bò sát, 33 loài lưỡng cư và hơn 300 loài bướm.
Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm như: sao la, mang lớn, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, thỏ vằn Trường Sơn, gấu chó…

Đảo Cô Đơn nằm giữa hồ Ngàn Trươi thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang, hiện có nhiều loài khỉ có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới sinh sống
Không chỉ có giá trị sinh học, Vũ Quang còn là vùng đất của các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ như: thác Thang Đày, suối Rào Rồng, đảo Đá Bàn, đỉnh Rào Cỏ, hồ thủy lợi Ngàn Trươi và hồ Đá Hàn với hàng chục hòn đảo lớn, nhỏ.
Đây là những lợi thế đặc biệt để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch văn hóa tâm linh.
Mục tiêu lớn, định hướng rõ, kỳ vọng tạo đột phá từ “rừng xanh”
Theo đề án vừa được phê duyệt, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại Vườn quốc gia Vũ Quang theo hướng bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và khai thác.
Đến năm 2030, mục tiêu đề ra là thu hút ít nhất 15.000 lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 8%. Dự kiến, tỉ lệ khách lưu trú qua đêm đạt 30%, doanh thu du lịch đạt tối thiểu 20 tỷ đồng, trong đó riêng tiền cho thuê môi trường rừng đạt ít nhất 500 triệu đồng/năm.

Thác Thang Đày - một trong 8 điểm du lịch trọng tâm trong Vườn quốc gia Vũ Quang
Đề án cũng đặt kỳ vọng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động, bao gồm 100 lao động trực tiếp và 400 lao động gián tiếp, đi kèm với việc đào tạo chuyên môn du lịch sinh thái gắn với sinh kế cộng đồng.
Các tuyến du lịch trọng điểm sẽ được triển khai gồm: khám phá vườn thực vật; chinh phục đỉnh Rào Cỏ; hành trình đến quần thể pơmu ngàn năm tuổi và thác Thang Đày; thăm thành cụ Phan Đình Phùng và rừng sấu cổ thụ; khám phá đảo Đá Bàn giữa hồ Đá Hàn. Đi kèm là các loại hình và sản phẩm du lịch như: nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu khoa học, mạo hiểm – leo núi, hội thảo – hội nghị, cắm trại, du thuyền…

Khu di tích Phan Đình Phùng và nghĩa quân đóng trên đường mòn Hồ Chí Minh (xã Vũ Quang) sẽ là một điểm đến du lịch tâm linh trong Đề án
Với tổng vốn đầu tư hơn 672 tỉ đồng (trong đó hơn 97% là vốn xã hội hóa), đề án mở rộng cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mục tiêu là thu hút ít nhất 5 nhà đầu tư liên kết hoặc thuê môi trường rừng, triển khai các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cao cấp gắn với gìn giữ cảnh quan và đa dạng sinh học.
Việc triển khai đề án không chỉ tạo động lực cho ngành du lịch Hà Tĩnh mà còn góp phần khẳng định vị thế của Vườn quốc gia Vũ Quang – một “kho báu xanh” đang chờ được đánh thức, trở thành điểm đến sinh thái hàng đầu trong khu vực.
Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Sang Trang, Trưởng phòng Giáo dục môi trường và Dịch vụ du lịch - Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết, quyết định phê duyệt đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Vũ Quang” vừa qua của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã “cởi trói” cho Vườn quốc gia Vũ Quang sau hàng chục năm ấp ủ phát triển du lịch giữa đại ngàn Trường Sơn.

Rừng sấu cổ thụ ngàn năm tuổi trong Vườn quốc gia Vũ Quang
Theo ông Trang, từ năm 2019, Vườn đã có ý tưởng làm đề án du lịch sinh thái, song nhiều điểm “vướng” từ Nghị định 156 (năm 2018) về Luật Lâm nghiệp, phương án quản lý rừng bền vững… đã dẫn đến ấp ủ này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Sau khi Nghị định 91 (năm 2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156, đã tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ…
Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiến hành khảo sát thực địa, xây dựng đề cương đề án, với 03 lần gửi văn bản xin ý kiến góp ý của các sở, ngành, chính quyền địa phương.
"Điều đặc biệt là quyết định phê duyệt Đề án được kí vào ngày đầu tiên vận hành chính quyền 2 cấp trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, đã đánh dấu mốc hiện thực hóa kỳ vọng, tạo ra bước phát triển đột phá về du lịch của địa phương trong kỷ nguyên mới”, ông Trang nói.