Bùng nổ du lịch nông trại

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp tại TPHCM đã có sự phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách. Hoạt động này đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Nhiều mô hình hấp dẫn

Trải dài giữa những mảng xanh mướt ở vùng ngoại ô TPHCM, Nông Trang Xanh (xã An Nhơn Tây) như một viên ngọc quý của nông nghiệp hiện đại. Đến đây, du khách được đắm mình trong không gian thanh bình của khu vườn rau củ quả. Từ diện tích ban đầu khoảng 3ha, áp dụng các mô hình nông trại thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản, đến nay Nông Trang Xanh đã mở rộng các phân khu chuyên biệt như nhà trồng nấm, khu chuồng trại chăn nuôi, nhà màng trồng dưa lưới và rau sạch. Mỗi tháng, nông trại thu hút khoảng 1.000 khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có gần phân nửa là khách từ các tỉnh, thành và khách du lịch nước ngoài.

 Một gia đình trải nghiệm mô hình chăn nuôi dê tại nông trại Tam Nông (phường An Phú Đông, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Một gia đình trải nghiệm mô hình chăn nuôi dê tại nông trại Tam Nông (phường An Phú Đông, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Cách không xa trung tâm TPHCM, từ nhiều năm nay, nông trại Tam Nông (phường Thạnh Lộc, nay là phường An Phú Đông) đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân thành phố và các địa phương khu vực Nam bộ. Chị Huỳnh Mỹ, chủ nông trại, cho biết, khi đến với Tam Nông, du khách được trải nghiệm không gian miền quê thực sự ngay giữa lòng đô thị. Nông trại rợp bóng cây xanh, không có tiếng ồn với không gian làng quê xưa nhà tranh, vách đất. Bên cạnh đó, du khách được tiếp cận, trải nghiệm những nông cụ mà cha ông từng dùng sản xuất lúa gạo.

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, cố vấn nông trại Tam Nông, tất cả mô hình sản xuất nông nghiệp trong nông trại đều áp dụng phương pháp hữu cơ, tuần hoàn. Các chuồng nuôi gà, vịt sử dụng đệm lót sinh học giúp xử lý rất tốt mùi hôi từ chất thải chăn nuôi. Chị Juley Jasmin, du khách người Nam Phi, bén duyên với nông trại Tam Nông trong một lần du lịch TPHCM, đã lưu trú thường xuyên tại nơi này, chia sẻ: “Tôi có nhu cầu một chỗ lưu trú dài hạn ở TPHCM, cách trung tâm thành phố không xa, để làm việc và sinh sống. Trong một lần đi phượt, tôi đến nông trại và cảm thấy rất thú vị. Tôi đã cư trú dài hạn tại nông trại Tam Nông, bởi nơi đây hài hòa với thiên nhiên, cỏ cây, khí hậu trong lành”.

Cách nay 12 năm, vợ chồng kỹ sư thiết kế Trần Văn quyết định bỏ phố về xã Xuân Sơn, TPHCM (trước đây là xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm nông trại. Khi đó, Xuân Sơn là một xã khó khăn, đất đai cằn cỗi, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào hạt bắp, củ mì và cây tràm chậm lớn. Sau đợt dịch Covid-19, xuất phát từ nhu cầu thực tế của gia đình và bạn bè, anh Văn mạnh dạn chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp kết hợp du lịch. Trên mảnh đất hơn 1ha, anh Văn đào hồ, trồng cây ăn trái, các loại rau, cây thuốc nam... hình thành khu du lịch sinh thái Suối Rao Forest. Chủ nhân cũng mua 8 căn nhà gỗ từ đồng bào Tây Nguyên để khách quốc tế tham quan, nghỉ dưỡng và tạo nên một nét văn hóa riêng biệt cho nông trại. Mỗi tuần, nơi đây đón và phục vụ từ 300-400 khách du lịch.

Đẩy mạnh quảng bá

Theo Sở NN-MT TPHCM, hiện địa phương có gần 100 nông trại tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách. Việc phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hiện đại, phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao, mà còn là một sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội hiện đại trong việc tham quan, học tập, trải nghiệm, hưởng thụ các sản phẩm nông nghiệp xanh.

 Chị Juley Jasmin (khách du lịch đến từ Nam Phi) trò chuyện với chủ nông trại Tam Nông (phường An Phú Đông, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Chị Juley Jasmin (khách du lịch đến từ Nam Phi) trò chuyện với chủ nông trại Tam Nông (phường An Phú Đông, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia lĩnh vực du lịch, cho rằng, du lịch nông nghiệp tại TPHCM có nhiều lợi thế nhưng cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp và bền vững. Việc xây dựng chuỗi liên kết dịch vụ du lịch nông nghiệp giữa các hợp tác xã và nông dân là cần thiết để tạo nên hệ sinh thái du lịch rộng lớn và hấp dẫn hơn. Phát triển bền vững cần giải quyết các thách thức như hạn chế về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và kỹ năng làm du lịch của nông dân. Việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp và những ưu đãi về thuế cho các hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch nông thôn là cần thiết để thúc đẩy loại hình du lịch này.

Trong khi đó, theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, chất liệu du lịch nông nghiệp - nông thôn tại TPHCM đã có, vấn đề cần làm là kết nối chúng, trở thành chuỗi trải nghiệm để gia tăng cảm xúc, thu hút du khách, nhất là những nhóm khách có nhu cầu trải nghiệm văn hóa độc đáo.

Để phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững, theo bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, thành phố cần quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công; xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương.

ĐỨC TRUNG - PHÚ NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bung-no-du-lich-nong-trai-post802377.html