'Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể'

Đây là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định như mệnh lệnh hành động, toàn hệ thống chính trị phải tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Mô hình chính quyền 2 cấp khởi động suôn sẻ, đạt hiệu quả bước đầu

Báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ tại Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, các địa phương đã khẩn trương thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai từ ngày 1/7 diễn ra bài bản, nghiêm túc, đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Thừa Ngọc)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Thừa Ngọc)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ghi nhận các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy hành chính sau sắp xếp; việc phân công cán bộ linh hoạt, thận trọng, bảo đảm không gián đoạn phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các địa phương chủ động giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ nghỉ/ thôi việc, đồng thời tiếp nhận và thực hiện phân cấp, phân quyền từ Trung ương. TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ nổi bật với mô hình xử lý thủ tục hành chính sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực.

"Có thể khẳng định, kết quả bước đầu khá thành công, suôn sẻ, không phát sinh trục trặc lớn trong vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Những kết quả trên phản ánh tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt của lãnh đạo địa phương, tạo nền tảng để mô hình chính quyền 2 cấp phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Các dự án trọng điểm tăng tốc, tiến độ vượt kỳ vọng

Kết thúc phần thảo luận của các Bộ trưởng và lãnh đạo địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện Thông báo kết luận hội nghị và trình Thủ tướng trong thời gian sớm nhất để thống nhất triển khai.

Trong đó, Thông báo kết luận hội nghị tập trung vào thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng yếu, gồm: Tổ chức, vận hành chính quyền địa phương hai cấp; triển khai các công trình hạ tầng chiến lược vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và mạng lưới giao thông quốc tế đường không, hàng hải, đường bộ, đường sông; thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Song song đó, Thông báo còn xác định nhiệm vụ đối với các dự án trọng điểm phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tại Phú Quốc, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ và các công trình phòng chống biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đánh giá từ tháng 5/2025 đến nay, Thủ tướng nhận định mô hình chính quyền 2 cấp đã được các cơ quan triển khai chắc chắn, bài bản, dần hoàn thiện và vận hành ổn định; tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát, đồng bộ hóa và chuyên nghiệp hóa, nhằm bảo đảm thông suốt, thông thoáng, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đối với các công trình giao thông trọng điểm kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ và quốc tế, báo cáo cho thấy phần lớn đúng tiến độ, nhiều dự án vượt kế hoạch. Tiêu biểu như sân bay Long Thành, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi. Tuyến cao tốc Bắc - Nam đang hoàn thành vượt mức đề ra; một số đoạn cao tốc trục Đông - Tây có khả năng cán đích trong năm nay.

Thủ tướng lưu ý vẫn tồn tại hạn chế về nguồn vật liệu, yêu cầu tất cả dự án phải tăng tốc, rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và vệ sinh môi trường.

Về Đề án 1 triệu ha lúa, các tỉnh đã triển khai với sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân; kết quả bước đầu khả quan. Thủ tướng nhấn mạnh: đây là chương trình lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới, có ý nghĩa lớn đối với an ninh lương thực, ổn định đầu ra, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác; đồng thời, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, tạo việc làm, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, liên kết vùng và quốc tế, nâng cao thương hiệu quốc gia và thương hiệu gạo Việt.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

'Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể'

Thủ tướng giao nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm từ tháng 7, quý III và phần còn lại của năm 2025 là củng cố đoàn kết, tăng tốc, thần tốc hơn nữa để hoàn thành toàn diện mục tiêu năm 2025 và cả nhiệm kỳ.

"Phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Phải vượt qua chính mình, đạt toàn bộ các mục tiêu đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý 4 chỉ tiêu ở chặng đường còn lại của năm 2025. Trước hết là mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%, gắn với nhiệm vụ giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chỉ tiêu thứ hai liên quan tới lĩnh vực an ninh - quốc phòng, Chính phủ yêu cầu duy trì trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Thứ ba, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp phải nhanh chóng vận hành thông suốt, hoàn thiện ở mức cao nhất, qua đó nâng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cuối cùng, cả hệ thống chính trị phải hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8/2025; riêng các hộ gia đình có công với cách mạng phải được giải quyết dứt điểm trước 27/7, trên tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều".

Thủ tướng giao Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục bám sát, triển khai nghiêm túc Kết luận 177‑KL/TW (11/7/2025) của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng những định hướng của Chính phủ về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt.

Trọng tâm là sắp xếp đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự và văn kiện cho đại hội Đảng các cấp; giải quyết kịp thời thủ tục hành chính; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân, không để người bệnh thiếu nơi điều trị; xây dựng trường bán trú tại biên giới, vùng sâu, vùng xa; sớm hoàn thiện hạ tầng số, đặc biệt là điện, viễn thông ở những địa bàn khó khăn.

Về các công trình hạ tầng trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu thi công "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió", làm ngày đêm, không bàn lùi. Lãnh đạo các cấp phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc; chính quyền địa phương chủ động tháo gỡ vướng mắc pháp lý; Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cung cấp hậu cần cho lực lượng thi công.

Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch liên quan trong quý III/2025, đồng thời xây dựng, đa dạng hóa thương hiệu gạo Việt Nam, bên cạnh những nhãn hiệu đã thành danh như ST25

Bộ Xây dựng được giao hướng dẫn định mức, đơn giá, kỹ thuật; Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, xử lý kịp thời khó khăn về vật liệu. Mục tiêu là khánh thành loạt công trình lớn, như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi vào dịp 19/8/2025.

Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch liên quan trong quý III/2025, đồng thời xây dựng, đa dạng hóa thương hiệu gạo Việt Nam, bên cạnh những nhãn hiệu đã thành danh như ST25. Ngân hàng Nhà nước triển khai tín dụng ưu đãi; Bộ Tài chính giải quyết nguồn vốn quốc tế; Bộ Công Thương khẩn trương đàm phán, ký kết hiệp định thương mại gạo; doanh nghiệp đảm bảo đầu vào - đầu ra; Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thiết kế bao bì, truy xuất nguồn gốc; mô hình liên kết "bốn nhà" được đẩy mạnh (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường, nhà nông).

Liên quan các dự án phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tại Phú Quốc, Thủ tướng yêu cầu xây dựng nhanh, đẹp và xứng tầm, cùng hệ thống xử lý rác, nước sạch, giao thông liên vùng. Riêng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ - dự án ODA 1.727 tỷ đồng khởi công từ năm 2017 nhưng chậm tiến độ, sẽ được thanh tra, bố trí lại vốn, giao TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư và phải hoàn thành trong năm 2026.

Thanh Phong

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bien-khong-thanh-co-bien-kho-thanh-de-bien-khong-the-thanh-co-the-410348.html