Biên niên hè 198X

Tháng 6 về, tiếng ve sầu rã giọng âm vang như điệu ru buồn nghe man mác. Tiếng côn trùng rả rích trong đêm khi cơn mưa tràn ngập lối về. Cứ vậy, kí ức không có chân mà vẫn miên di trong tấc dạ. Nỗi nhớ phiêu lãng trên vùng tâm thức cũ càng. Đó là những năm 80 đầy gian khó. Tôi và nó biết nhau từ những ngày còn ê a đánh vần. Nó hay qua nhà tôi, hai đứa cùng nhau trao đổi bài vở, và chơi những trò dí dởm.

Trò chơi ngày ấy là những cái gáo vỏ của trái dừa khô, chiếc lon sữa bò cho vài viên đất khô được đập nhuyễn để nuôi dế. Hái vài ngọn rau mềm đậy trên những viên đất để cho dế ăn. Đứa nào cũng có vài chú dế trong tay mang về giấu dưới gầm giường. Học bài xong, chúng tôi hẹn nhau ra góc sân trước nhà mang dế ra cho chúng kêu inh ỏi trong màn đêm yên ả nghe mà sướng cả tai. Rồi cả bọn chúng tôi xôn xao cười nói rôm rả. Đứa nào may mắn tóm được chú dế thủ lĩnh là đứa đó oai nhất trong đám con nít chúng tôi.

Hay như trò chơi tán u cũng một thời vang dội. Chúng tôi tìm một nhánh tre hoặc cành cây suông năm tấc và thanh ngắn chừng hai tấc để đánh bay lên cao. Nếu thanh nhỏ bay càng xa thì người đó thắng. Một đứa tay cầm thanh dài dùng lực đánh mạnh thanh ngắn bay xa về đứa phía trước. Thanh cây bay theo tiếng gió vi vu, nếu chụp không đúng cách sẽ u đầu, chảy máu, bầm tím quầng cả mắt, mũi. Cũng có khi bị thanh cây bay đập mạnh vào cổ tay bong gân và đầy thương tích. Người lớn la rầy đánh đòn nhưng chúng tôi lén lút chơi cho bằng được để thỏa thích.

Hết mùa tán u, chúng tôi quay sang vót thanh tre mỏng dán diều, rồi chơi cút bắt trốn vào ụ rơm gần nhà. Mình mẩy ngứa rát đến toét cả da nhưng vẫn cứ chơi. Tụi con trai rủ nhau ra đồng chặt lau sậy dựng lều rồi mang cơm ra ăn, ngủ trưa, học bài trong túp lều lý tưởng ấy. Xong các trò, người nhễ nhại mồ hôi, cả đám con nít nhảy ùm xuống sông tắm, rượt đuổi cười đùa vang cả vùng trời.

Kỷ niệm không thể quên của tôi và nó là lội sông kéo những mảng lục bình vào bờ cắt làm trò chơi bán bánh mì cho tụi nhỏ trong xóm. Cánh hoa tím nhẹ tênh của lục bình được chọn cắm vào cái keo nhỏ đặt ngay ngắn một góc bàn. Thân lục bình có phần bầu tròn thì làm ổ bánh mì và nhánh suôn giòn được tách từ thân cây mẹ để phát triển thêm cây con hao hao giống ngó sen thì làm lạp xưởng. Trò chơi này bọn con gái chúng tôi hay bày ra để bán hàng như những người bán bánh mì ngoài chợ, trước vỉa hè gần trường.

Hàng ngày tôi và nó đến trường đi ngang qua chỉ liếc nhìn, ngửi mùi thơm từ thịt, rau ngò phảng phất thèm lắm nhưng không có tiền để mua. Lâu thiệt lâu tôi và nó mới được cha mẹ cho vài xu chỉ đủ mua nửa ổ mà thôi. Bán hàng để mơ tưởng mình là chủ, là sự đủ đầy là được ăn bánh mì mỗi ngày cho đã cơn thèm khát. Vậy mà cũng không được yên ổn với tụi con trai hàng xóm. Đang giao đãi bán buôn, bọn nó kéo tới phá phách gian hàng của hai đứa tôi và rồi đánh nhau rân trời. Hai đứa con gái chân yếu tay mềm cũng dùng hết lực đấu lại, hậu quả là nó nhào tới đỡ đòn cho tôi và cánh tay phải bị thanh tre đập chảy máu xối xả, để lại vết sẹo cho đến bây giờ.

Bây giờ, quá nửa đời người, tóc pha màu sương mai, thoảng khi bớt việc ở Sài Gòn nó về quê, hò hẹn hai đứa gặp nhau, kể lại những chuyện ngớ ngẩn của một thời như quay về quá khứ xa xưa. Rồi tiếc cho đám con cháu đã gá thân nơi thị thành chưa từng biết những món ăn trẻ con mà chỉ thế hệ cha chú trước đó mới từng nếm trải. Làm sao chúng biết nhặt trái me nước chín nhẹ rơi trên sông, hái những quả còng già nướng thơm phức tranh nhau mà ăn, trèo lên cao hái những quả ô môi đen kịt chẻ ra ăn, mặt mũi đứa nào cũng tèm lem, tự mò bắt những con cua, ốc dưới mương mang ra vườn hốt lá cây nấu chín cùng nhau ăn mà cười hể hả… Cơn mưa và mùa hè luôn khắn khít cùng nhau. Cũng như kí ức cứ theo tiếng ve râm ran dắt chúng tôi trở lại những ngày hè 198X.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/bien-nien-he-198x-i734948/