Biên soạn lại môn Lịch sử: Thời gian quá cập rập

Giới chuyên môn, nhà quản lý nhìn nhận, thời gian dành cho việc biên soạn lại nội dung sách giáo khoa Lịch sử quá cập rập, trường học có thể rơi vào thế bị động.

Học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 tại hội đồng thi Trường THPT Tây Ninh, năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa

Học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 tại hội đồng thi Trường THPT Tây Ninh, năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa

Ngày 11.7, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch 770 về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó nêu rõ phần nội dung bắt buộc. Đây là quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT về môn học này, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63 yêu cầu môn Lịch sử có hai phần bắt buộc và tự chọn. Giới chuyên môn, nhà quản lý nhìn nhận, thời gian dành cho việc biên soạn lại nội dung sách giáo khoa Lịch sử quá cập rập, trường học có thể rơi vào thế bị động.

BẮT BUỘC HỌC MÔN LỊCH SỬ Ở CẤP THPT

Theo đó, Bộ GD&ĐT xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, 11, 12) để dạy cho tất cả học sinh; biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.

Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục trung học thành lập Ban Phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc trước ngày 25.8.2022. Kế hoạch của Bộ GD&ĐT cũng nêu thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời gian hoàn thành trước ngày 15.8.2022.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT triển khai tập huấn đại trà về tổ chức dạy học chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc cho cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với điều kiện địa phương. Việc xây dựng dự toán, thanh toán, quyết toán các hợp đồng liên quan hoàn thành trước ngày 12.7.

Như vậy, Lịch sử từ môn học lựa chọn theo thiết kế ở cấp THPT chương trình giáo dục phổ thông mới, giờ đây trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn.

Ngoài 52 tiết bắt buộc trong một năm học ở cấp THPT mà tất cả các học sinh đều phải học, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn (học sinh nào có mong muốn học thêm) ở cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Ở phần nội dung tự chọn này, các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.

THỜI GIAN QUÁ CẬP RẬP

Kế hoạch nêu trên của Bộ GD&ĐT là động thái mới nhất liên quan đến môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nhiều người trong ngành có ý kiến về vấn đề này. Hiệu trưởng một trường phổ thông ở TP. Tây Ninh cho biết, trước khi có kế hoạch của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã lên lịch họp phụ huynh có con vào lớp 10 năm học 2022-2023, nhằm thông tin, giải thích cho phụ huynh về Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vị hiệu trưởng thông tin thêm, không chỉ môn Lịch sử, Chương trình giáo dục năm 2018, dù chưa triển khai trên thực tế nhưng đã nhìn thấy trước nhiều bất cập, bởi sự chuẩn bị thiếu đồng bộ. “Chúng tôi đã lên phương án xếp từng nhóm môn tự chọn (ngoài những môn học bắt buộc) nhưng không bố trí hai môn học Âm nhạc và Mỹ thuật, vì không có giáo viên.

Nếu học sinh có nhu cầu học môn này, đủ số lượng để thành lập một lớp thì chúng tôi sẽ tính đến chuyện thuê giáo viên”- vị hiệu trưởng nói thêm. Đối với việc mua sách giáo khoa, đến thời điểm này, nhà trường cũng chưa biết sử dụng bộ sách giáo khoa nào dù đã chọn xong sách (bước đầu).

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT ở Gò Dầu nhìn nhận, tình hình này, cấp cơ sở sẽ rất bị động trong việc chuẩn bị cho năm học mới. “Thời gian để chỉnh sửa, biên soạn lại môn Lịch sử theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT chỉ hơn một tháng, cụ thể vào ngày 25.8. Nhiều năm trở lại đây, năm học mới thường học trước ngày khai giảng hai tuần. Như vậy, nếu việc chỉnh sửa, biên soạn hoàn thành đúng kế hoạch, học sinh cũng đã học được ít nhất một đến hai tuần.

Đó là tôi nói đúng kế hoạch, trường hợp biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa Lịch sử từ môn học chuyên sâu sang dành cho tất cả học sinh, không hề đơn giản”- vị hiệu trường nhìn nhận. Hiện tại, nhà trường chưa thể công bố cho học sinh biết sẽ chọn bộ sách giáo khoa nào của chương trình lớp 10, vì sau khi các trường tuyển sinh bằng hình thức thi kết hợp xét tuyển công bố kết quả, lúc đó mới tới lượt những trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Như vậy, có thể nhìn thấy, việc triển khai chương trình và sách giáo khoa lớp 10 có phần cập rập, vì những tình huống phát sinh.

Tại thị xã Hòa Thành, hiệu trưởng một trường THPT thông tin, nhà trường đã lên kế hoạch chi tiết để xếp tổ hợp môn học cho học sinh chọn, ngoài những môn bắt buộc. Cùng với việc xếp tổ hợp môn học, nhà trường đã lên phương án, sắp xếp đội ngũ giáo viên. Tương tự như nhiều trường khác, trường THPT này cũng không xếp một số môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật vào nhóm tổ hợp môn nào, vì không có giáo viên. “Đây là năm học đầu tiên Chương trình phổ thông mới triển khai ở lớp 10, tôi cho rằng chỉ nên chọn một bộ sách giáo khoa nào đó để bớt phức tạp. Nếu không chọn nguyên cả bộ sách giáo khoa, thì nên thống nhất những môn học bắt buộc (5 môn) học bộ nào để tiện cho thầy và trò”- người này nói.

THAY ĐỔI CẤU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH

Kế hoạch biên soạn, thẩm định lại toàn bộ nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt lớn của dư luận nói chung, trong ngành Giáo dục nói riêng. Trên báo chí, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng, băn khoăn, vì chỉ trong thời gian khoảng một tháng, việc tổ chức lại nội dung trong sách giáo khoa là điều không thể, cố làm cũng khó cho ra được sản phẩm có chất lượng. Thậm chí có ý kiến cho rằng, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến nhiều sai sót trong chuyên môn, vì viết một cuốn sách giáo khoa không hề đơn giản.

Trong khi đó, sách Lịch sử của Chương trình giáo dục phổ thông mới đã in xong, việc chọn những bài học nào, nội dung nào trong cuốn sách này để hình thành bộ tài liệu mới cho tất cả học sinh là điều không dễ.

Một số giáo viên, nhà quản lý “dự đoán” việc biên soạn lại được thực hiện theo cách chọn lọc nội dung thật sự cần thiết để dạy cho học sinh đại trà; những bài học, nội dung còn lại, ở mức độ khó hơn, có tính chuyên sâu hơn, sẽ dành cho học sinh tự chọn cùng nhóm môn xã hội. Tuy nhiên, theo phân tích, sau khi trở thành môn học bắt buộc, tổng thời lượng của phần học dành cho tất cả học sinh đã 52 tiết, tương đương với Chương trình giáo dục năm 2000, bình quân mỗi tuần một tiết rưỡi. Thời lượng học như thế, học sinh sẽ không cần và không muốn học thêm phần tự chọn (nội dung nâng cao) nữa.

Bằng tất cả sự thận trọng cần thiết, có thể mạnh dạn rằng, cấu trúc của chương trình tổng thể, chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã không còn nguyên vẹn, thậm chí bị phá vỡ so với thiết kế ban đầu, vốn đã được Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định 404 của Chính phủ thông qua.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bien-soan-lai-mon-lich-su-thoi-gian-qua-cap-rap-a147220.html