'Biết bơi mới thu học phí': Hành trình phổ cập bơi bằng trách nhiệm và niềm tin

Mỗi độ hè về, khi tiếng ve gọi râm ran trên những cành phượng đỏ, cũng là lúc nỗi lo mang tên 'đuối nước' lại khiến các bậc phụ huynh, nhà trường và cả xã hội thêm phần lo lắng.

Các em học sinh thực hiện động tác khởi động trước khi xuống nước. Ảnh: Hoàng Anh

Các em học sinh thực hiện động tác khởi động trước khi xuống nước. Ảnh: Hoàng Anh

Ở những vùng quê ven biển như xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nơi biển cả là một phần đời sống, trẻ em thường sớm tiếp xúc với môi trường nước. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, việc đi học của các em buộc phải vượt qua một số ngầm tràn rất nguy hiểm. Chính những đặc điểm địa lý này khiến việc trang bị kỹ năng bơi lội không còn là lựa chọn, mà trở thành yêu cầu cấp thiết để bảo vệ sự an toàn cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc, hành trình đưa bơi lội trở thành kỹ năng bắt buộc cho học sinh đã và đang chuyển biến rõ nét - từ nhận thức của phụ huynh, quyết tâm của nhà trường, cho đến nỗ lực thầm lặng của từng giáo viên thể chất.

Từ những rào cản ban đầu

Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc có hai cơ sở dạy học, trong đó bể bơi được xây dựng tại cơ sở trung tâm ở thôn Bắc Hòa, còn cơ sở lẻ đặt tại thôn Tân Hải, cách đó khoảng 6km. Việc học sinh ở Tân Hải phải di chuyển quãng đường khá xa để tham gia học bơi từng là một trở ngại lớn, khiến không ít phụ huynh đắn đo khi đăng ký cho con em mình. Bên cạnh yếu tố địa lý, nhận thức của phụ huynh về việc học bơi trước đây còn hạn chế, điều kiện kinh tế không mấy dư dả, trong khi nguồn nước ở địa phương lại bị nhiễm phèn nặng, càng khiến việc tổ chức dạy học bơi gặp nhiều khó khăn.

“Trước đây, bể bơi vừa xa, nước lại bị nhiễm phèn nặng, việc đưa đón con em rất vất vả. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế của người dân thời điểm trước còn khó khăn, nhận thức về tầm quan trọng của việc đăng kí học bơi cho con em chưa cao, nên tỷ lệ đăng ký còn thấp”, ông Trần Văn Đức - Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh trường tiểu học Ngư Thủy Bắc chia sẻ.

Thầy giáo Trần Văn Duẩn - Hiệu trưởng nhà trường cùng Hội trưởng hội cha mẹ học sinh của trường tiểu học Ngư Thủy Bắc chăm chú quan sát quá trình khảo sát bơi của các em học sinh. Ảnh: Hoàng Anh

Thầy giáo Trần Văn Duẩn - Hiệu trưởng nhà trường cùng Hội trưởng hội cha mẹ học sinh của trường tiểu học Ngư Thủy Bắc chăm chú quan sát quá trình khảo sát bơi của các em học sinh. Ảnh: Hoàng Anh

Nhận diện rõ những rào cản ấy, Ban giám hiệu nhà trường đã không đứng ngoài cuộc mà chủ động tìm giải pháp tháo gỡ từng vấn đề. Trước hết, để giải quyết tình trạng nước phèn trong bể bơi, nhà trường đã mạnh dạn khoan giếng các vị trí mới, trong đó tại vị trí được gợi ý từ chính bác bảo vệ nhà trường - nơi có dấu hiệu tồn tại mạch nước ngầm. Sau khi khoan đã cho kết quả nước tốt, nước được đưa qua hệ thống lọc để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, giúp bể bơi đạt chất lượng an toàn cho học sinh sử dụng.

Hồi tưởng về thời điểm đó, thầy giáo Trần Văn Duẩn - Hiệu trưởng nhà trường kể lại: “Trước đây, nước trong bể bơi bị phèn nặng, không đảm bảo vệ sinh. Sau đó, nhà trường quyết định khoan 2 điểm, trong đó có một điểm nhờ gợi ý từ kinh nghiệm dân gian của bác bảo vệ nhà trường, người phát hiện có cả nghìn con chim sẻ hay đậu dưới một bụi cây, nghi có mạch nước ngầm tốt, chúng tôi đã mạnh dạn khoan giếng tại đó. May mắn thay, nước lấy lên trong và ít phèn, qua thêm hệ thống xử lý nước bể bơi mới sạch được như bây giờ.”

Câu chuyện nghe tưởng như đầy may rủi, nhưng thực chất là minh chứng sinh động cho tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tập thể nhà trường. Trong điều kiện không đủ kinh phí để đầu tư bài bản như các trường trung tâm, mọi giải pháp đều phải xuất phát từ thực tiễn, từ lòng quyết tâm và sự linh hoạt trong cách xử lý tình huống. Từ “bụi cây sẻ đậu” đến giếng nước sạch là một hành trình nhỏ, nhưng đủ nói lên cách mà nhà trường đã chủ động vượt qua khó khăn bằng trí tuệ tập thể và sự nhạy cảm với môi trường sống quanh mình.

Tuyên truyền trên tinh thần tự nguyện - nền tảng cho sự đồng thuận

Sau khi giải quyết được bài toán nguồn nước sạch, một trong những rào cản lớn nhất trong việc vận hành bể bơi, nhà trường xác định bước đi tiếp theo mang tính quyết định: nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận từ phụ huynh. Bởi lẽ, phổ cập bơi không thể thành công nếu thiếu sự tham gia tích cực của phụ huynh, những người trực tiếp đồng hành cùng con em trong quá trình học.

Ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, Ban giám hiệu Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc đã triển khai kế hoạch dạy bơi an toàn một cách bài bản, chú trọng công tác tuyên truyền trong toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thông tin về chương trình được phổ biến thường xuyên qua các buổi sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp, hệ thống loa truyền thanh ở thôn - xóm, cũng như các kênh truyền thông nội bộ khác.

Công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước trước dịp hè về của nhà trường. Ảnh: BGH nhà trường cung cấp

Công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước trước dịp hè về của nhà trường. Ảnh: BGH nhà trường cung cấp

Thông qua phiên họp phụ huynh toàn trường, Ban giám hiệu trực tiếp phổ biến Kế hoạch số 23/QĐ-UBND ngày 4/1/2017 của UBND huyện Lệ Thủy và hướng dẫn chuyên môn của Phòng Giáo dục & Đào tạo về công tác phổ cập bơi. Tại đây, phụ huynh được giải thích rõ lợi ích thiết thực của việc trang bị kỹ năng bơi an toàn cho học sinh và được tự do lựa chọn một trong ba phương án phù hợp với hoàn cảnh gia đình: đăng ký học tại bể bơi nhà trường; cam kết đưa con đến bể bơi khác trên địa bàn huyện; hoặc tự hướng dẫn con tập bơi tại nhà, với điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nghiêm túc áp dụng hướng dẫn mới của Phòng GD&ĐT tại Công văn số 798/GDĐT-T ngày 26/7/2023, điều chỉnh nội dung dạy bơi cấp tiểu học theo hướng thực chất, khoa học và phù hợp với thể trạng học sinh. Mỗi khóa học gồm 15 buổi (tương đương 30 tiết), mỗi buổi kéo dài 35 - 40 phút. Kết thúc khóa học, học sinh đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình “bơi sống sót” - minh chứng cho việc không chỉ biết bơi, mà còn có khả năng tự cứu mình trong những tình huống nguy hiểm dưới nước.

Bản cam kết vì sự an toàn của học sinh

Một thay đổi có tính bước ngoặt đã được Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc mạnh dạn khởi xướng từ tháng 9/2024: chỉ thu học phí nếu học sinh biết bơi. Bản cam kết ấy không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm với chất lượng đào tạo, mà còn đặt sự an toàn của học sinh lên hàng đầu, điều tưởng như hiển nhiên nhưng không phải nơi nào cũng dám thẳng thắn hiện thực hóa vì giáo viên sẽ mất nhiều thời gian hơn trong thời gian giảng dạy.

Các em học sinh thực hiện kĩ thuật nhảy bục xuất phát. Ảnh: Hoàng Anh

Các em học sinh thực hiện kĩ thuật nhảy bục xuất phát. Ảnh: Hoàng Anh

“Kết quả năm nay vượt xa mọi năm”, thầy giáo Lưu Đức Tú, người thầy đã gắn bó với mái trường hơn 20 năm chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào: “Mọi năm mỗi lớp chỉ có 5-7 em đăng ký học bơi, nhưng riêng năm nay lớp tôi có đến 20/25 em đăng ký - đạt khoảng 80%. Có được kết quả đó là nhờ công tác tuyên truyền tốt và đặc biệt là nhờ cam kết của nhà trường khiến phụ huynh thực sự yên tâm.”

Sự thay đổi ấy không chỉ đến từ con số. Trong từng buổi học, các em học sinh, nhiều em từng chỉ dám bám lấy thành bể vì sợ nước dần trở nên tự tin hơn, hào hứng hơn khi thực hành kỹ thuật nhảy bục, sải tay, đạp chân. Thầy giáo Hoàng Mạnh Hùng, một trong những giáo viên thể chất tâm huyết, cho biết: “Tùy vào năng khiếu, có em biết bơi nhanh, có em cần nhiều thời gian hơn. Nhưng những em chưa đạt chuẩn sau khóa học sẽ tiếp tục được kèm thêm cho đến khi bơi được mới thôi. Đó là điều nhà trường đã hứa và chắc chắn sẽ thực hiện theo cam kết.”

Trong cách tiếp cận mới mẻ ấy, nhà trường đã không đổ gánh nặng về phía phụ huynh, mà ngược lại, khơi dậy sự yên tâm và đồng hành. Các thầy giáo thể chất, những người trực tiếp cầm tay uốn nắn từng động tác trở thành “trụ cột” hiện thực hóa cam kết ấy bằng chính sự kiên nhẫn và tâm huyết của mình. Họ dành nhiều thời gian dưới nước hơn, linh hoạt thay đổi cách giảng dạy theo tâm lý từng học sinh, giúp các em vượt qua nỗi sợ nước, rào cản lớn nhất trong hành trình học bơi.

Trái ngọt từ sự đồng lòng vùng biển cát trắng

Nhờ nỗ lực đồng bộ, năm học 2024 - 2025, toàn trường có 362/400 học sinh đăng ký học bơi, đạt tỷ lệ 91,0% - một con số ấn tượng với một trường vùng biển còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Đáng chú ý, số học sinh không đăng ký học bơi chỉ chiếm chưa đến 9%, trong đó đa số là các em từng là vận động viên đã được bồi dưỡng kỹ năng bơi nâng cao từ trước. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt như học sinh bị ốm dài ngày và trường hợp khuyết tật thể chất cũng được nhà trường ghi nhận và có hướng xử lý riêng. Điều này cho thấy tỷ lệ học sinh chưa biết bơi mà không đăng kí học là rất thấp, một thành công rõ nét của mô hình phổ cập bơi dựa trên tinh thần tự nguyện, nhưng được tổ chức nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Từng cánh tay quạt nước lướt nhanh trên mặt nước của các em học sinh là thành quả của một hành trình đầy nỗ lực của các thầy, cô giáo nơi vùng biển. Ảnh: Hoàng Anh

Từng cánh tay quạt nước lướt nhanh trên mặt nước của các em học sinh là thành quả của một hành trình đầy nỗ lực của các thầy, cô giáo nơi vùng biển. Ảnh: Hoàng Anh

Anh Trần Văn Thuật, một phụ huynh học sinh, chia sẻ: “Trước tình trạng xảy ra nhiều vụ đuối nước, tôi thực sự lo lắng. Ngoài việc cho cháu học bơi ở trường, tôi còn đưa cháu ra biển tập thêm. Nhờ đó, cháu giờ đã bơi tốt hơn trước rất nhiều.”

Từ chỗ còn e ngại, nhiều phụ huynh giờ đây đã trở thành những “huấn luyện viên tại gia”, đồng hành cùng con em mình trong quá trình rèn luyện kỹ năng sống. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường chính là yếu tố then chốt giúp mô hình phổ cập bơi tại trường tiểu học Ngư Thủy Bắc đạt được hiệu quả rõ rệt.

Ngày 10/5 vừa qua, Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc đã tổ chức buổi khảo sát chất lượng giữa khóa học bơi cho học sinh hai lớp 3A và 3B. Trong tổng số 64 học sinh, có 42 em đạt yêu cầu cơ bản của kỹ thuật “bơi sống sót”, đạt tỷ lệ 65,6%. Trong số còn lại, 22 em chưa đạt và vắng mặt sẽ tiếp tục được hỗ trợ và kiểm tra lại trong các buổi sau. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt khi khóa học vẫn còn kéo dài đến tháng 7, học sinh còn đủ thời gian để tiếp tục luyện tập và nâng cao kỹ năng. Kết quả bước đầu này cho thấy chương trình phổ cập bơi của nhà trường đang đi đúng hướng.

Câu chuyện phổ cập bơi ở Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc là minh chứng cho thấy khi nhà trường quyết tâm, giáo viên tận tâm, phụ huynh đồng hành thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Từ nguồn nước bị phèn đến bể bơi xa trường, từ tâm lý sợ nước của học sinh đến nhận thức chưa cao của phụ huynh tất cả đã dần được hóa giải bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương con trẻ của tập thể lãnh đạo, giáo viên nhà trường. Đằng sau tỷ lệ 91% học sinh toàn trường đăng ký học bơi năm nay là cả một sự đồng lòng, hi sinh thầm lặng và tinh thần trách nhiệm đáng quý của những người làm thầy, cô giáo nơi vùng biển.

Trong tiếng reo hò cổ vũ và những nụ cười rạng rỡ trên môi của các em học sinh, từng cánh tay quạt nước lướt nhanh trên mặt nước là thành quả của một hành trình đầy nỗ lực, hành trình của niềm tin, của sự chuyển biến bền vững trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vùng cát trắng nơi đây.

Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/biet-boi-moi-thu-hoc-phi-hanh-trinh-pho-cap-boi-bang-trach-nhiem-va-niem-tin-a28690.html