Biệt động Sài Gòn, bước ra từ huyền thoại

Năm 2020, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu và kích hoạt chùm tour 'Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn'. Sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa độc đáo, mang dấu ấn riêng biệt của thành phố, nhanh chóng thu hút du khách trong nước, quốc tế, và chính người dân thành phố. Lâu nay, họ vẫn luôn mong muốn tìm hiểu về quá khứ hào hùng của ông cha mình để thêm tự hào và thấm thía những hy sinh mất mát cho ngày toàn thắng.

Bên trong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: Fb Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định)

Bên trong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: Fb Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định)

Bài 2: Giữ lửa cho mai sau

Phục dựng được một hệ thống những địa điểm theo tuyến tour du lịch và tập hợp những hiện vật, tài liệu quý báu là một hành trình hết sức gian nan. Bởi lẽ, biệt động nội thành là một lực lượng vũ trang chỉ có trong thời kỳ kháng chiến, đánh địch trong nội đô, và sau mỗi trận đánh đều phải xóa mọi tung tích, dấu vết, giữ bí mật.

Bí mật cũng chính là điều mà ngay khi từ nhỏ, ông Trần Kiến Xương (tức Trần Vũ Bình) đã cảm nhận được từ cha mình - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế), một chiến sĩ biệt động Sài Gòn chịu trách nhiệm chuẩn bị hàng loạt cơ sở, hầm vũ khí trong nội đô cho đồng đội.

Tiếp bước thế hệ đi trước

Tâm nguyện khôi phục lại các địa điểm và hiện vật gắn liền với cuộc chiến đấu của biệt động Sài Gòn đã được ông Lai tâm sự với các con mình ngay từ sau ngày giải phóng.

Ông Xương chia sẻ, khi còn sống, cha ông thường nói với các con: “Nhà này có ở thì ở, nhưng không được sửa chữa”. Đó chính là căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có căn hầm vũ khí và cũng là nơi ém quân của Đội 5 - mũi tấn công vào Dinh Độc Lập, Tết Mậu Thân 1968.

Hơn 40 năm qua, ông Xương vẫn không thể quên hình ảnh cha mình cẩn trọng, tỉ mỉ lau từng hiện vật sờn cũ đến sạch bong trong căn nhà nhỏ. Có lẽ cũng vì nhận thấy con trai rất quan tâm đến chuyện cũ, người xưa nên những chuyến đi tìm kiếm lại tư liệu, hiện vật, ông Lai luôn đưa con đi cùng.

Từng chi tiết, câu chuyện đều thôi thúc ông Xương “phải làm gì đó” để những chiến sĩ biệt động năm xưa không rơi vào quên lãng. Như con kiến tha lâu đầy tổ, tiếp nối cha, ông Xương đã tập hợp được hàng nghìn hiện vật nguyên bản, bao gồm vũ khí, tài liệu, kỷ vật, phương tiện mà lực lượng biệt động Sài Gòn từng sử dụng.

Từ căn hầm vũ khí ở nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu - di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, ông tiếp tục khôi phục nơi từng nuôi giấu cán bộ kiêm hộp thư bí mật ở quán cà-phê Đỗ Phủ, 113A Đặng Dung, Quận 1; và mới nhất là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định tại 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1.

Trân quý thay những tấm lòng, những con người mà từ thế hệ này qua thế hệ khác, dù chiến tranh hay hòa bình, vẫn tận sức cống hiến cho thành phố, vẫn miệt mài thắp lên ngọn lửa truyền thống cho mai sau. 50 năm sau ngày thống nhất, trang sử vẻ vang của “đất thép-thành đồng”, huyền thoại về biệt động Sài Gòn - những người con kiên trung của Tổ quốc vẫn đang được gìn giữ và viết tiếp như vậy đó.

Hôm tới thăm bảo tàng, tôi gặp một sự bất ngờ dễ thương. Hòa chung trong nhiều đoàn du khách đến rồi về, có hai chàng trai trẻ vẫn nán lại, xem kỹ và thì thầm thán phục từng hiện vật.

Hỏi chuyện mới biết, Phạm Đức và Lê Đức Huy Hoàng đều là sinh viên Trường cao đẳng Anh quốc BTEC FPT; Đức học tại cơ sở Hà Nội, còn Hoàng học tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh. Đức hẹn Hoàng dịp này vào chơi thành phố và nhờ bạn dẫn đi thăm những di tích lịch sử, nhất là những di tích liên quan giai đoạn kháng chiến.

Tình báo, biệt động vẫn luôn là lĩnh vực hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò đối với giới trẻ. Đức và Hoàng không phải ngoại lệ. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến những cách cất giấu, ngụy trang vũ khí hết sức độc đáo của lực lượng biệt động, hai em đều tấm tắc:

“Quá khâm phục ông cha! Tụi con biết là thời điểm đó, phía ngụy quyền Sài Gòn cũng tiến hành rất nhiều biện pháp để kiểm soát gắt gao, đối phó với ta. Vậy mà lực lượng biệt động của ta vẫn sáng tạo, giấu trong những thứ vật dụng thường ngày thế này để vận chuyển hàng tấn vũ khí vào giữa nội đô đánh địch, thật là không thể tưởng tượng được”.

Khi tôi tiết lộ cho Đức và Hoàng biết rằng hai người phụ nữ lớn tuổi đi cùng tôi đến bảo tàng hôm nay chính là những cựu nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa, vẻ ngỡ ngàng và trìu mến hiện ra trên gương mặt các chàng trai.

Tôi có cảm giác như được nhìn lại chính bản thân mình cách đây mấy mươi năm, khi được xem phim “Biệt động Sài Gòn” và mơ ước một ngày được gặp họ ngoài đời thật.

Như những người bà nội, bà ngoại thân thương, gần gũi của các em ở nhà, bà Chín Nghĩa và bà Bích Nga ân cần trò chuyện, chỉ cho các em những vũ khí mà năm xưa các bà đã sử dụng để đánh địch.

“Cháu nghĩ là xã hội càng hiện đại thì chúng ta càng phải nhìn lại gốc gác của mình, lịch sử của mình đã hình thành như thế nào để chúng ta có được như bây giờ. Giới trẻ chúng cháu rất thích tìm hiểu lịch sử một cách trực quan như thế này và hôm nay lại được gặp các bà nữa, cháu càng thấy rõ sự vĩ đại của cuộc kháng chiến của chúng ta”, Đức cho biết.

Huyền thoại vẫn đang được viết tiếp

Cùng lúc đó, có một người đàn ông dáng vẻ “cũ kỹ” đang đứng một góc mỉm cười khi được chứng kiến cuộc gặp gỡ. Ông là người đã đồng hành cùng ông Xương tại bảo tàng từ những ngày đầu tập hợp hiện vật, là “hướng dẫn viên” đầu tiên của bảo tàng.

Thầm lặng, không bao giờ nói về bản thân mình, chỉ kể tất cả các câu chuyện về biệt động Sài Gòn, về những hiện vật tại bảo tàng một cách rành mạch, chi tiết và hóm hỉnh, ông là Nguyễn Việt Thọ, con trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thanh Vân (tức Ba Đen) - người chỉ huy và trực tiếp chiến đấu tại mũi tấn công của biệt động Sài Gòn vào Đại sứ quán Mỹ, Tết Mậu Thân 1968.

Tôi được biết lai lịch của ông cũng nhờ Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang-Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia định giới thiệu, chứ kể cả gặng hỏi, chưa chắc ông đã nói ra.

Khi tôi thắc mắc lý do tại sao lại vậy, ông cười bình thản: “Tôi không bao giờ nghĩ mình là con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thì phải thế này, thế nọ. Tôi cũng chỉ là một người bình thường và muốn làm việc, công tác như tất cả mọi người. Chiến tranh mà, nhiều người cống hiến, hy sinh, mất mát lắm, đâu phải chỉ riêng gia đình tôi, ba tôi”.

Có lẽ cũng bởi vậy, suốt quá trình công tác của ông Thọ, từ khi đi bộ đội chiến đấu tại chiến trường K, sau đó phục viên, về làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh rồi nghỉ hưu, làm Bí thư Chi bộ khu phố, rất ít người biết ông là con trai ông Vân.

Kể cả nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố, thủ trưởng đơn vị, từng là bạn chiến đấu của cha ông năm xưa, cho đến sau này mới giật mình: “Ủa, mày là con anh Ba Đen hả? Tao gặp mày hoài, sao mày không nói!”.

Thầm lặng, khiêm tốn, giữ bí mật, chỉ cống hiến và không đòi hỏi, đó có lẽ là điều mà người cha đã truyền lại cho ông từ trong huyết quản - những cá tính rất “biệt động Sài Gòn”.

Cũng bởi vậy, khi được ông Xương đề nghị giúp sắp xếp, hệ thống lại các hiện vật vì ông đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Bảo tàng Lịch sử thành phố, ông Thọ vui vẻ nhận lời ngay.

Vậy là, hai người con trai của hai vị anh hùng - những chiến sĩ biệt động Sài Gòn huyền thoại năm xưa, lại chung tay gây dựng nên “địa chỉ đỏ” hôm nay. Những ngày đầu bảo tàng đi vào hoạt động, ông Thọ kiêm luôn làm hướng dẫn viên dù như ông vui vẻ thừa nhận:

"Tôi đâu có được học qua trường lớp gì về hướng dẫn đâu. Nhưng vì công tác lâu ở Bảo tàng Lịch sử thành phố nên tôi cũng biết. Hơn nữa, những hiện vật này do chính tay tôi phân loại, sắp xếp. Câu chuyện về chúng, về đồng đội của ba tôi, tôi nắm khá rõ để thông tin cho khách tham quan, thậm chí chỉ được nhân chứng sống nếu họ muốn gặp. Giờ tôi đã “bàn giao” cho các bạn trẻ đang tiếp quản công việc này rồi. Thế hệ trẻ tài năng lắm. Chúng tôi rất vui vì đã truyền được tinh thần của biệt động Sài Gòn cho các em, các cháu”.

Trân quý thay những tấm lòng, những con người mà từ thế hệ này qua thế hệ khác, dù chiến tranh hay hòa bình, vẫn tận sức cống hiến cho thành phố, vẫn miệt mài thắp lên ngọn lửa truyền thống cho mai sau. 50 năm sau ngày thống nhất, trang sử vẻ vang của “đất thép-thành đồng”, huyền thoại về biệt động Sài Gòn - những người con kiên trung của Tổ quốc vẫn đang được gìn giữ và viết tiếp như vậy đó.

* (Tiếp theo và hết)

ĐINH VŨ PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/biet-dong-sai-gon-buoc-ra-tu-huyen-thoai-post870607.html