Biết gì về thỏa thuận 'vào một - ra một' giữa Anh và Pháp?

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel vừa công bố thỏa thuận 'Vào một - ra một' nhằm ngăn chặn người di cư vượt eo biển Manche đến Anh bằng thuyền nhỏ.

Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10-7, London và Paris đã ký một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn hàng chục nghìn người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh bằng thuyền nhỏ.

Dưới đây là những điều được biết về thỏa thuận di cư “Vào một - ra một” được thảo luận trong cuộc đàm phán giữa ông Macron và ông Starmer ở London, theo kênh Al Jazeera.

 Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo chung ở thủ đô London (Anh) ngày 10-7. Ảnh: Ludovic Marin/ AFP

Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo chung ở thủ đô London (Anh) ngày 10-7. Ảnh: Ludovic Marin/ AFP

Những nỗ lực trước đây

Từ đầu năm nay đến ngày 6-7 đã có 21.117 người vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh bằng thuyền nhỏ, theo số liệu của chính phủ Anh. Đây là mức tăng 56% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong cả năm 2024, gần 37.000 người đã vượt eo biển bằng thuyền nhỏ, trung bình mỗi tuần có khoảng 700 người đến Anh theo hình thức này.

Trong vòng một năm qua, đã có 73 người thiệt mạng khi cố gắng vượt eo biển Manche – con số cao nhất từng được ghi nhận trong một năm, theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Theo phân tích của Đài quan sát Di cư, dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ Anh, số người đến bằng thuyền nhỏ chiếm 1/3 tổng số đơn xin tị nạn tại Anh trong năm 2024.

Vào tháng 3-2023, dưới thời Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Anh đã ký một thỏa thuận ba năm với Pháp, theo đó Anh cam kết chi 480 triệu bảng Anh (650 triệu USD) cho Pháp nhằm tăng cường kiểm soát biên giới và giám sát. Theo thỏa thuận này, Pháp đồng ý triển khai 500 sĩ quan và xây dựng một trung tâm giam giữ mới tại Pháp, dự kiến đi vào hoạt động trước cuối năm 2026. Ngoài ra, Pháp cũng cam kết tăng ngân sách cho việc siết chặt thực thi pháp luật, nhưng không nêu rõ con số cụ thể.

Riêng vào tháng 6 năm nay, lần đầu tiên Pháp đồng ý xây dựng một kế hoạch để chặn các thuyền nhỏ hướng sang Anh, bao gồm việc tăng cường lực lượng hải quân với sáu tàu tuần tra. Các tàu này có nhiệm vụ cứu hộ người di cư, đồng thời ngăn chặn họ tiến về phía Anh.

Paris đồng ý thực hiện hoạt động chặn thuyền đối với các trường hợp cách bờ biển Pháp trong phạm vi 300 m, đã đề nghị Anh hỗ trợ thêm kinh phí cho cảnh sát và trang thiết bị phục vụ việc thực thi nhiệm vụ này, theo truyền thông Anh.

Nội dung thỏa thuận “Vào một - ra một”

Phát biểu khi bắt đầu hội đàm với Tổng thống Macron ngày 10-7, Thủ tướng Starmer cho rằng hai bên cần “phát huy sức mạnh và vai trò lãnh đạo tập thể” để đối mặt thách thức di cư bất hợp pháp.

“Chúng tôi đều đồng thuận rằng tình trạng hiện tại ở eo biển không thể tiếp diễn, vì vậy chúng tôi đang triển khai những chiến lược mới cùng quyết tâm mới để xử lý vấn đề di cư trái phép và phá vỡ mô hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm”.

Nhiều người di cư không có thị thực hoặc giấy phép đã rời Pháp bằng đường biển, cố gắng vượt sang Anh trên những chiếc thuyền bơm hơi nhỏ. Họ thường phải trả khoản tiền lớn cho các băng nhóm tổ chức đưa người tại miền bắc nước Pháp. Hành trình này vô cùng nguy hiểm và đã có người thiệt mạng khi vượt biển.

Theo thỏa thuận mới, Pháp sẽ tiếp nhận trở lại những người xin tị nạn đã vượt sang Anh nhưng không chứng minh được có người thân tại Anh. Đổi lại, với mỗi người di cư Pháp nhận lại, Anh sẽ cấp quy chế tị nạn cho một người di cư đang ở Pháp có thể chứng minh có người thân tại Anh.

Theo tờ Le Monde, trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, Anh dự kiến mỗi tuần sẽ gửi khoảng 50 người di cư trở lại Pháp như một phần của chương trình thử nghiệm. Le Monde cũng cho biết Anh chỉ có thể trả lại tối đa 2.600 người trong vòng một năm.

Báo chí Anh dẫn lời một nguồn tin chính phủ rằng quy mô kế hoạch có thể được mở rộng nếu chương trình thử nghiệm ban đầu thành công.

Vì sao thỏa thuận này được ký kết vào thời điểm hiện tại?

Thỏa thuận được đưa ra do số lượng người di cư không phép từ Pháp sang Anh gia tăng, theo ông Peter Walsh - nhà nghiên cứu cấp cao tại Đài quan sát Di cư thuộc ĐH Oxford (Anh).

Chỉ một năm sau khi đảng Lao động của ông Starmer giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, mức độ tín nhiệm của thủ tướng bị ảnh hưởng, phần lớn do chính phủ chưa hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp. Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho đảng Cải cách Anh - đảng cực hữu theo đường lối chống nhập cư - lại gia tăng mạnh mẽ.

Đặc biệt, tuyên ngôn tranh cử của đảng Cải cách Anh cam kết sẽ mạnh tay với người di cư đến Anh bằng thuyền nhỏ. Văn kiện nêu rõ: “Người nhập cư bất hợp pháp đến Anh sẽ bị giam giữ và trục xuất. Nếu cần thiết, người di cư trên thuyền nhỏ sẽ bị chặn lại và đưa trở về Pháp”.

Trước đó, đảng Bảo thủ – đảng nắm quyền trước khi ông Starmer giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái – từng cam kết áp dụng hạn ngạch bắt buộc đối với nhập cư hợp pháp và trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda (một quốc gia ở Đông Phi) để xử lý hồ sơ và có thể tái định cư sau đó. Đảng Lao động đã hủy bỏ kế hoạch này ngay khi lên nắm quyền.

Tính đến ngày 7-7, theo khảo sát của trang YouGov, nhập cư và tị nạn đang là vấn đề được người dân Anh quan tâm hàng đầu, với 51% người được hỏi xếp đây là mối lo ngại lớn nhất.

Theo truyền thông Anh, cuộc gặp giữa ông Starmer và ông Macron còn mang ý nghĩa biểu tượng, bởi đây là cơ hội để thủ tướng Anh thể hiện rằng ông vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác châu Âu chủ chốt.

 Người nhập cư bất hợp pháp vượt eo biển Manche vào Anh. Ảnh: CHÍNH PHỦ ANH

Người nhập cư bất hợp pháp vượt eo biển Manche vào Anh. Ảnh: CHÍNH PHỦ ANH

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng vấp phải chỉ trích. Vì trung bình mỗi tuần có khoảng 700 người di cư đến Anh bằng thuyền nhỏ, nếu chính phủ Anh chỉ đưa trung bình 50 người quay lại Pháp mỗi tuần, thì tỉ lệ hồi hương chỉ đạt khoảng 1 trên 14 người.

Nghị sĩ Chris Philp thuộc đảng Bảo thủ đối lập nói với tờ The Times rằng thỏa thuận này đồng nghĩa với việc "94% người di cư bất hợp pháp vượt eo biển sẽ được ở lại. Đó là một sự yếu kém và sẽ không ngăn cản được ai cả”.

Kế hoạch này cũng có thể đối mặt thách thức pháp lý dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, vốn bảo đảm quyền của người xin tị nạn được yêu cầu bảo vệ.

Các quan chức Pháp cũng bày tỏ thái độ dè dặt với thỏa thuận này, lo ngại rằng nó sẽ biến Pháp thành “trạm trung chuyển” tiếp nhận những người di cư bị Anh từ chối.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-gi-ve-thoa-thuan-vao-mot-ra-mot-giua-anh-va-phap-post859887.html