Biểu hiện cảnh báo khởi phát bệnh gút
Bệnh gút (gout) thường xảy ra ở tuổi trung niên nhưng hiện nay xu hướng mắc bệnh đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa, nguyên nhân có thể do lối sống.
Bệnh gút thường diễn ra âm thầm, nguyên nhân gây ra bệnh là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Ở Việt Nam, do lạm dụng bia rượu quá mức và chế độ ăn uống thừa chất đạm quá nhiều dẫn đến sự rối loạn chuyển hóa acid uric, gây ra bệnh gút.
Acid uric là nhân purin có trong DNA và RNA bị phân hủy sinh lý. Sau khi hình thành, acid đi vào máu rồi đến thận sẽ được lọc bỏ, đào thải ra khỏi cơ thể. Khi lượng acid uric trong máu tăng cao, thận không kịp lọc để đào thải dẫn đến acid tích tụ thành tinh thể urat trong các mô, nhất là trong các khớp xương. Tích lũy càng nhiều càng khiến các khớp xương viêm nhiễm, đau nhức khó chịu, từ đó gây lên bệnh gút.
Ngoài ra bệnh gút có thể do di truyền hoặc do tác động của môi trường đến cơ thể làm cho hàm lượng acid uric tăng và không được đào thải kịp thời ra khỏi cơ thể.

Khi mắc bệnh gút tại các khớp sẽ có biểu hiện viêm, sưng đỏ, cảm giác nóng ở khớp
Dấu hiệu sớm của bệnh gút
Với những dấu hiệu bệnh gút dưới đây có thể giúp chúng ta dễ dàng phát hiện sớm và điều trị hiệu quả:
Cơn đau dữ dội tại các khớp, nhất là vào buổi đêm
Đau khớp là dấu hiệu đặc trưng của giai đoạn này, thường xảy ra vào ban đêm và tăng dần về cường độ. Các vị trí thường gặp nhất bao gồm ngón chân cái, đầu gối, mắt cá chân, cổ tay hoặc ngón tay. Ở một số bệnh nhân, đau nhức khớp có thể chỉ xuất hiện trong khoảng 4 - 12 giờ kể từ khi cơn đau khởi phát đầu tiên, sau đó giảm dần. Song nhiều bệnh nhân bị đau kéo dài đến vài tuần, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nếu không điều trị sớm, tình trạng viêm khớp gút sẽ lan rộng, gây ảnh hưởng tới nhiều khớp trong cơ thể.
Sưng tấy tại khớp
Khi mắc bệnh gút tại các khớp sẽ có biểu hiện viêm, sưng đỏ, cảm giác nóng ở khớp và chạm vào sẽ thấy đau. Đây cũng là triệu chứng phổ biến, nhất là ở khu vực ngón chân cái. Tình trạng này khiến cản trở vận động, ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày. Đau khớp do cơn gút thường diễn ra khoảng 5 - 7 ngày sau đó giảm dần. Khi hết cơn đau khớp sẽ hoạt động bình thường trở lại. Bệnh nhân bị hạn chế vận động do các cơn đau khớp.
Ngoài các biểu hiện trên, bệnh nhân gút trong giai đoạn này thường cảm thấy uể oải, khó chịu hoặc gặp các vấn đề như tiểu khó và cứng khớp nhẹ. Những dấu hiệu này là kết quả của sự tích tụ axit uric trong cơ thể và cần được lưu ý để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Lời khuyên thầy thuốc
Khi quan sát thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, nên đến bệnh viện để được thăm khám sớm và thực hiện các xét nghiệm liên quan để có được kết quả chính xác. Một số xét nghiệm chẩn đoán cần thiết gồm có: xét nghiệm máu, chụp X - quang, làm siêu âm, kiểm tra dịch lỏng trong khớp.
Cách phòng ngừa bệnh gút hiệu quả nhất là chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt, nếu gia đình có người từng bị gút, bạn nên thực hiện các xét nghiệm thăm khám định kỳ bên cạnh đó cần chú ý:
Kiểm soát cân nặng: Cân nặng có ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh, cân nặng hợp lý giúp giảm tình trạng tăng acid uric và giảm sức ép lên các khớp.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều purine là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đó cần bổ sung đủ nước và chất xơ cũng như nguồn protein từ đậu, trứng, sữa và hạn chế bia, rượu mạnh, các loại nước có gas.
Lối sống lành mạnh: Tập thể dục và tham gia các hoạt động ngoài trời là một việc lý tưởng để nâng cao sức khỏe bản thân, tránh làm việc với cường độ cao gây áp lực cho sức khỏe. Mặt khác, chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh và điều trị bệnh gút sớm.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-canh-bao-khoi-phat-benh-gut-169250511164009016.htm