Biểu tình ở Georgia: Tổng thống kêu gọi sự ủng hộ từ phương Tây
Bế tắc trong cuộc đối đầu với chính phủ, Tổng thống Georgia đã kêu gọi các nước phương Tây thúc đẩy cái mà bà gọi là 'phong trào quốc gia' ủng hộ việc Georgia gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili đã có bài phát biểu hôm 2/12, ngay trước khi những người biểu tình và cảnh sát tiếp tục đụng độ trong đêm thứ năm liên tiếp.
Bạo loạn nổ ra ở Georgia sau khi chính phủ của Thủ tướng Irakli Kobakhidze tuyên bố tuần trước rằng nước này sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU.
Bà Zourabichvili, người phản đối cảnh sát chống bạo động, cho biết bà muốn các nước châu Âu gửi một "thông điệp rõ ràng" rằng họ sẽ không công nhận kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 10 và thúc đẩy tổ chức bỏ phiếu lại.
Trong cuộc bầu cử đó, đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia - có tư tưởng xa rời EU - giành được 54% số phiếu bầu.
Tổng thống Zourabichvili và các đảng đối lập cáo buộc cuộc bỏ phiếu là gian lận. Cả đảng Giấc mơ Georgia và Ủy ban Bầu cử đều phủ nhận thông tin này.
Khi màn đêm buông xuống hôm 2/12, hàng nghìn người biểu tình một lần nữa tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội. Cảnh sát chống bạo động, như những đêm trước, đã bắn vòi rồng để đối phó với những người biểu tình đang không ngừng ném pháo hoa.
Tổng thống Zourabichvili cho biết, sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Tây là "con đường chính trị duy nhất thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, không có công thức chính trị nào khác".
Bà ca ngợi các quan chức "rất dũng cảm" đã từ chức để phản đối chính phủ, bao gồm bốn đại sứ và giảng viên chính của học viện đào tạo thuộc Bộ Nội vụ.
Phản ứng của Nga
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 2/12 phủ nhận cáo buộc cho rằng Nga đang can thiệp vào tình hình ở Georgia. Ông so sánh tình hình Georgia hiện tại với sự kiện Maidan năm 2014 ở Ukraine, trong đó chính phủ thân Nga bị lật đổ.
Tuy nhiên, Tổng thống Zourabichvili phủ nhận tình hình hiện tại cấu thành một cuộc cách mạng, giống như những cuộc cách mạng trước đây đã đưa các chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền ở Ukraine.
Thủ tướng Irakli Kobakhidze cáo buộc phe đối lập "bạo lực phối hợp" nhằm lật đổ trật tự hiến pháp. Trong một cuộc họp báo hôm 2/12, ông đã loại trừ khả năng đàm phán với phe đối lập để chấm dứt cuộc khủng hoảng, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.
Chính phủ của Thủ tướng Kobakhidze đầu năm nay đã ban hành luật chống lại "các tác nhân nước ngoài”, cho biết họ đang hành động để bảo vệ Georgia khỏi sự can thiệp từ bên ngoài và ngăn chặn việc nước này bị lôi kéo, giống như Ukraine, vào một cuộc chiến với Nga.