Biểu trưng ý chí, phong cách và vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc
Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, hình tượng rồng luôn luôn lung linh trong tâm thức của người Việt.
Nơi nơi trên các vùng quê có hình sông, thế núi mang dáng vẻ rồng. Ví như trên quê hương Lào Cai, núi Hàm Rồng ở thị xã Sa Pa chứa đựng trong đó một huyền thoại về dãy Hoàng Liên, gợi bao suy tưởng từ hình ảnh núi non tượng hình rồng ẩn hiện kỳ vĩ, gợi bao ấn tượng trong lòng du khách.
Thị trấn Mường Khương có con suối uốn mình đi vào động đá Hàm Rồng bí ẩn và huyền diệu. Đi ngược lên phía Bắc có vùng đất Hoa Long là Rồng Hoa, nói chệch thành Pha Long. Truyện kể rằng, mùa xuân năm ấy, dân chúng mở hội tưng bừng. Rồng Hoa trên nhà Trời nhìn xuống, thấy cảnh hội xuân đông vui náo nhiệt bèn uốn mình rẽ mây xuống dự hội xuân. Rồng Hoa cùng vui chơi múa lượn trong tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng hát rộn ràng. Cuộc vui đang độ nồng say thì trời sáng, Rồng Hoa không thể về nhà Trời được nữa, hóa thành đá hình rồng trên vùng đất này từ xa xưa đến ngày nay. Địa danh Pha Long - Rồng Hoa có từ ngày ấy.
Xứ sở rượu ngon nức tiếng của Bát Xát mang tên San Lùng là Sơn Long - Rồng Núi. Dưới những hình sông, thế núi của mọi miền, dân gian quan niệm là có long mạch với sức mạnh linh thiêng tiềm ẩn, phải trân trọng giữ gìn.
Những địa danh mang tên rồng kỳ vĩ là bởi vẻ đẹp tự nhiên của núi sông và bởi vẻ đẹp của ý chí, của tâm hồn nâng trí tưởng tượng bay bổng.
Chính những suy tưởng về hình ảnh rồng trên sông, suối, núi non là kết tinh từ ý chí tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu đất nước, quê hương và lưu truyền cho muôn đời con cháu phải biết trân trọng giữ gìn giang sơn của dòng giống Rồng Tiên để lại.
Rồng là tượng trưng của quyền uy vương triều đất nước. Rồng biểu trưng của sự linh thiêng trong cõi tâm linh. Rồng đi vào cuộc sống gần gũi của người dân.
Rồng gắn với những cuộc kết hôn toại ý, là “đẹp duyên cưỡi rồng”, là “cầm bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”. Nhắc đến “cá vượt vũ môn” gợi nhớ câu chuyện cổ kể về hội thi sôi nổi, quyết liệt, cá chép đã chiến thắng và hóa rồng. Câu chuyện tưởng tượng hồn nhiên mà hàm chứa ý nghĩa lớn lao. Tất cả trăm loài đều náo nức tham dự cuộc thi, đều mang khát vọng vượt lên. Cá chép từ chính trong trăm loài ấy vượt lên hóa rồng!
Rồng ở vị trí oai linh hay gần gũi luôn luôn là hình tượng đẹp, một vẻ đẹp biểu trưng của sức mạnh mà không hung hãn sát khí, mãnh liệt mà không cuồng nộ dữ dằn, nghiêm trang mà uyển chuyển linh hoạt. Hình ảnh rồng trên các di sản văn hóa luôn ngời sáng hào khí và phong cách dân tộc, luôn biến hoạt nhu cương. Vẫn cái khí phách và phong thái ấy, nhưng rồng đời sau có những sự mới lạ hơn, càng về sau càng phát triển, càng sinh động khỏe khoắn, ngày càng thể hiện vẻ tự chủ, tự tin và uyển chuyển linh diệu. Ấy chính là phong thái dân tộc ta. Bàn tay nghệ nhân tài hoa đã chạm đục, khắc tạc nên hình ảnh rồng trên những công trình thành quách cung điện hoành tráng, trên đình miếu đền, chùa. Ở vị trí trang trọng nhất, đôi rồng uốn lượn chầu vào biểu tượng mặt trời, mặt trăng, ấy là sự hướng tới ánh sáng, hướng tới sức sống vĩnh cửu. Hình tượng rồng luôn uốn lượn uyển chuyển trong mây. Rồng biểu trưng cho sự thanh cao, thuần khiết, sự vươn tới cái đẹp trong sáng cao cả, biểu hiện sức sống, niềm tin mãnh liệt tiềm tàng.
Đón xuân Giáp Thìn, chúng ta cùng suy ngẫm về biểu tượng con rồng trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Chúng ta tự hào về ý chí quật cường của dân tộc ngay từ thủa bình minh của lịch sử dựng nước đã ước mơ cao đẹp, khát khao vươn lên khẳng định mình. Những người con của nòi giống Tiên Rồng cháy bỏng khát khao dựng xây đất nước hùng cường phát triển hàm chứa trong hai tiếng Thăng Long. Chúng ta tự hào về phong cách con người Việt Nam và phong cách văn hóa Việt Nam trong hình tượng con rồng và nghệ thuật thể hiện hàm chứa cốt cách tinh hoa của dân tộc.
Niềm tự hào ấy gắn liền với trách nhiệm hun đúc ý chí tự tin, tự cường, bảo vệ và dựng xây quê hương đất nước.