Bình dân học vụ số (Bài 3): 'Bình dân học vụ số' tự tin bước vào kỷ nguyên số
Phong trào 'Bình dân học vụ số' đang được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai tích cực, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nhiều chị em phụ nữ vùng nông thôn thành thạo ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh.
Trong những hoạt động của Tháng Thanh niên vừa qua, phong trào “Bình dân học vụ số” được xem là nhiệm vụ trọng tâm, được đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tham gia hưởng ứng tích cực. Theo đó, đã thành lập được 10 đội hình cấp tỉnh, 35 đội hình cấp huyện và 378 đội hình “Bình dân học vụ số” cấp xã. Toàn tỉnh cũng có trên 2.300 đội hình tình nguyện tham gia tổ công nghệ số cộng đồng
(TCNSCĐ) với hơn 19.000 tình nguyện viên tham gia. Đến nay, 100% cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với công an xã hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt phần mềm VNeID cho đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp Nhân dân; 100% cán bộ đoàn đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. Ngoài ra, 73,1% thanh, thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số, 65,6% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 81,9 % thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Anh Lê Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn TP Thanh Hóa cho biết: “Với phương châm “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, thanh niên nhằm nâng cao vai trò nhận thức và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS). Trong đó, đoàn viên, thanh niên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng, là nòng cốt trong TCNSCĐ tại các khu dân cư”.
Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Thanh Hóa trong phong trào “Bình dân học vụ số”, chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết: “Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động trong công tác CĐS, đặc biệt thực hiện theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Tỉnh đoàn cũng đã triển khai các hoạt động tuyên truyền cho thanh niên biết đến chủ trương công tác về CĐS. Thành lập đội hình, triển khai các mô hình hay, hiệu quả. Phong trào “Bình dân học vụ số” đã và đang được các cấp bộ đoàn triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa giúp người dân được tiếp cận dễ dàng, thuận tiện với các nền tảng công nghệ”.
Không chỉ lực lượng thanh niên, phong trào “Bình dân học vụ số” đã và đang được các ban, ngành triển khai thực hiện mạnh mẽ. Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào, từ đó nâng cao nhận thức và kỹ năng số thiết yếu cho hội viên, giúp phụ nữ tiếp cận, tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với công nghệ số. Trong đó, hội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”. Buổi sinh hoạt đã cung cấp cho 150 hội viên kiến thức về xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình CĐS; thi đua tự học về CĐS, rèn luyện phát triển kỹ năng số đáp ứng yêu cầu CĐS của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Bên cạnh đó, thời gian tới hội LHPN các cấp sẽ thành lập các tổ “Bình dân học vụ số” do phụ nữ làm nòng cốt, triển khai hiệu quả mô hình “Gia đình số”, “Mỗi phụ nữ - Một danh tính số”. Các mô hình bên cạnh việc hỗ trợ chị em phụ nữ trong việc cài đặt ứng dụng số còn lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số. Chị Hà Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Tiếp nối tinh thần “Bình dân học vụ” từ thế hệ trước, việc chủ động học hỏi và tham gia tích cực của phụ nữ trong phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ giúp chính họ nâng cao tri thức, kỹ năng, cải thiện đời sống, mà còn góp phần quan trọng xây dựng một xã hội số văn minh, tiến bộ. Theo đó, các cấp hội phụ nữ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của kỹ năng số đối với phụ nữ, xóa bỏ định kiến cho rằng công nghệ số là lĩnh vực “khó” hoặc không dành cho nữ giới. Xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số được thiết kế phù hợp với từng độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp...”.

Thanh niên trong toàn tỉnh tích cực hỗ trợ người dân trong phong trào “Bình dân học vụ số”.
Tại Thanh Hóa, kế hoạch triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” đã được ban hành. Với mục tiêu phấn đấu trong năm 2025, 90% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về CĐS, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số... Theo đó, phong trào phải được triển khai toàn diện, sâu rộng đến tận thôn, bản, tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào quá trình CĐS. Phát huy cao độ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đơn vị công nghệ nhằm kiến tạo hệ sinh thái học tập số đa dạng, phong phú.
Phong trào “Bình dân học vụ số” hiện nay khiến nhiều người liên tưởng đến phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1945. Nhiều thế hệ vẫn còn nhớ như in phong trào diệt “giặc dốt” lan tỏa khắp mọi miền đất nước, người dân ngày đi làm, đêm mang theo đèn dầu, đốt đuốc đến lớp học chữ. Ý nghĩa lịch sử của phong trào “Bình dân học vụ” ngày ấy vẫn vẹn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Với ý nghĩa đó, phong trào “Bình dân học vụ số” với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tự tin bước vào thời đại công nghệ số.