Bình Định cần tận dụng 5 phương thức vận tải để phát triển
Chiều 9/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Chưa tận dụng hết lợi thế về giao thông
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá Bình Định là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng ở trung tâm của trục Bắc - Nam, là cửa ngõ ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Bình Định có truyền thống lịch sử lâu đời cùng hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi, cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Trong đó, có sân bay Phù Cát và cảng Quy Nhơn đang ngày càng đóng vai trò chiến lược không chỉ với Bình Định mà còn với cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên".
Ông Diên cũng cho rằng, quỹ đất dành để phát triển công nghiệp của Bình Định cũng khá lớn, lên đến hơn 15.000ha trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và gần 3.000ha trong các cụm công nghiệp.
Ngoài ra, đây là địa phương có bờ biển dài 132km, nhiều tài nguyên khoáng sản. Do đó, tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế phát triển về kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông, thủy sản; phát triển năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ logistics, du lịch biển...
Giai đoạn vừa qua, Bình Định đã đạt được những kết quả kinh tế đáng khích lệ, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, dù công nghiệp của tỉnh tăng cao về tốc độ nhưng quy mô còn nhỏ, chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
"Một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế thị trường mà có cả 5 phương thức vận tải có hết. Không chỉ thuận lợi cho Bình Định mà còn thuận lợi cho cả vùng, thậm chí còn cho cả Lào, Campuchia, Thái Lan nhưng rõ ràng chưa phát huy hết được những tiềm năng đó.
Do đó, quy mô sản xuất công nghiệp chưa cao, chưa thu hút được các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính động lực, phát triển theo chuỗi để dẫn dắt các ngành kinh tế khác. Chủ yếu vẫn là sản xuất công nghiệp địa phương trong các ngành chế biến lâm sản (gỗ), dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng", ông Diên nói.
Theo ông Diên, với 5 phương thức vận tải thuận lợi, nếu biết khai thác thì sẽ phát triển ngành logistics, thương mại điện tử, phát triển kinh tế đêm, xuất khẩu tại chỗ.
Người đứng đầu ngành Công thương cũng chỉ ra rằng, Bình Định còn thiếu nhân lực chất lượng cao tại chỗ; lao động công nghiệp tại địa phương đa số vẫn là lao động phổ thông, trình độ và tay nghề thấp. Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bình Định cần chú trọng phát triển dịch vụ logistics
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tỉnh Bình Định tăng 7,6% so với cùng kỳ, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, và xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng năm 2024 tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh, bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Định với công suất giai đoạn thí điểm 750MW do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư vào Dự thảo Đề án về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi do Bộ Công thương xây dựng, để tỉnh Bình Định có cơ sở và thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Liên quan đến kiến nghị của tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công thương hoàn toàn ủng hộ tỉnh Bình Định đối với kiến nghị về dự án ngoài khơi của Tập đoàn PNE.
Hiện Bộ đang xây dựng đề án thí điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi. Nhưng vì điện gió ngoài khơi gắn với an ninh quốc phòng quốc gia nên ban đầu dự kiến chỉ những tập đoàn kinh tế trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý tỉnh Bình Định phải đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững nhằm xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
"Cùng với đó, tỉnh Bình Định cần chú trọng phát triển dịch vụ logistics, phát huy lợi thế kinh tế biển, khai thác vị trí thuận lợi cũng như thế mạnh hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, phục vụ kết nối liên vùng và quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.