Bình Định: Khai quật khảo cổ phế tích Đại Hữu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1023 cho phép Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ phế tích Đại Hữu, thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Phế tích Đại Hữu nằm trên ngọn đồi cao ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.

Phế tích Đại Hữu nằm trên ngọn đồi cao ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.

Theo đó, thời gian khai quật từ ngày 25/4/2023 đến ngày 15/6/2023, diện tích 200m2. Chủ trì khai quật là ông Phạm Văn Triệu công tác tại Viện Khảo cổ học.

Cũng theo công văn, trong thời gian khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Khai quật khảo cổ phế tích Đại Hữu.

Khai quật khảo cổ phế tích Đại Hữu.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Đình Đại Hữu ở thôn Đại Hữu, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.

Đình Đại Hữu ở thôn Đại Hữu, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.

Ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết: Qua quá trình khảo sát phế tích Đại Hữu của cán bộ Bảo tàng, đoán định đây có thể là một phế tích có quy mô lớn, với nhiều công trình kiến thúc tạo thành một quần thể tôn giáo, được người Champa xây dựng trước đây nhưng đã bị sụp đổ. Dựa vào hiện vật xuất lộ trên bề mặt phế tích Đại Hữu như: vật liệu kiến trúc gạch, đá ong, gốm trang trí điểm góc. Dựa vào tiểu tượng học là bức tượng Siva Đại Hữu do người dân địa phương phát hiện tại đây (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh). Ước đoán niên đại của phế tích Đại Hữu khoảng từ thế kỷ 13 – 14.

Đình Đại Hữu với điêu khắc trạm trổ tinh xảo.

Đình Đại Hữu với điêu khắc trạm trổ tinh xảo.

Mỹ Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-dinh-khai-quat-khao-co-phe-tich-dai-huu-352957.html