Bình Dương, Bình Phước: Lý do người dân tự nguyện hiến 'đất vàng' hàng chục tỷ đồng
Những khu đất mặt tiền đường có giá trị tiền tỷ nhưng do 'biết nhìn xa trông rộng', nhiều hộ dân ở Bình Dương và Bình Phước đã tự nguyện hiến để làm đường.
Nhắc đến chuyện hiến đất làm đường, phải kể đến tinh thần của người dân tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước, nơi đang dồn lực triển khai các dự án giao thông kết nối vùng.
Chia sẻ với Tiền Phong ngày 7/4, đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết, dự án đường Hải Thượng Lãn Ông, kết nối từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước qua đoạn giáp ranh Khu công nghiệp Đồng Xoài III (xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài) và kết nối với đường ĐH507 có chiều dài 5,6km. Trong đó, đoạn qua xã Tiến Hưng dài 3,2km, qua phường Tiến Thành 2,4km với hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Qua tuyên truyền, vận động, hầu hết người dân bị ảnh hưởng đã đồng thuận hiến đất để giao thông kết nối, phát triển kinh tế.
Là một trong số các hộ dân chịu ảnh hưởng và tự nguyện hiến đất, ông Nguyễn Văn Đức (ngụ phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết, gia đình ông hiến 2.100m2 đất thuộc quy hoạch dự án đường Hải Thượng Lãn Ông.
“Cuối tháng 3/2023 gia đình kêu thợ đến cắt cây điều để bàn giao mặt bằng. Hy sinh lợi ích trước mắt một chút, sau này lợi nhất vẫn là mình vì vừa có đường lớn để đi, lại sở hữu đất mặt tiền. Theo tôi, lợi ích hài hòa đôi bên cùng có lợi”, ông Đức chia sẻ.
Cũng thuộc trường hợp chịu ảnh hưởng bởi dự án đường Hải Thượng Lãn Ông, gia đình ông Phùng Văn Thế (phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài) tự nguyện hiến hơn 3.200m2 đất trồng cây cao su đang cho thu hoạch. Còn ông Phùng Văn Hệ (ngụ phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài) tự nguyện hiến 2.989m2. Với diện tích đất đã hiến, trước kia mỗi năm gia đình ông Hệ thu khoảng 20 triệu đồng từ cạo mủ cao su
Tại TP Đồng Xoài (Bình Phước) còn có dự án mở đường Phan Bội Châu. Đây là tuyến đường rất quan trọng nối kết Quốc lộ 14 với đường ĐT 741.
Đường Phan Bội Châu dài 1,2km. Các hộ dân chịu ảnh hưởng đã đồng thuận, tự nguyện hiến đất.
Điển hình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Đây ở khu phố Thanh Bình (phường Tân Bình, TP Đồng Xoài) hiến hơn 7.000m2 đất, trị giá khoảng 20 tỷ đồng để mở đường.
Ngoài hiến đất, gia đình ông Đây còn tự nguyện tháo dỡ, di dời 2 căn nhà cấp 4 diện tích 150m2 để bàn giao mặt bằng cho chính quyền thi công dự án.
Từ trường hợp của ông Nguyễn Văn Đây, 60 hộ dân khác đã không ngần ngại hiến tổng cộng hơn 3ha đất (trị giá khoảng 90 tỷ đồng) để các ngành chức năng làm đường.
Ông Vũ Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Xoài cho biết, việc người dân hiến đất làm đường giao thông trên địa bàn đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tại tỉnh Bình Dương, nơi “đất chật người đông, tấc đất tấc vàng”, người dân vẫn tự nguyện hiến đất để làm đường.
Có khoảng 130 hộ dân tự nguyện hiến 4.000m2 đất để nâng cấp, mở rộng 2,4 km đường Trần Quang Diệu kết nối TP Dĩ An và TP Thuận An (Bình Dương).
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện UBND TP Dĩ An và TP Thuận An cho biết, nhờ sự đồng thuận trong nhân dân, quá trình triển khai các dự án đường giao thông trên địa bàn hầu hết đều thuận lợi. Ngoài các dự án đường liên kết huyện, thị xã, thành phố, Bình Dương đang triển khai thực hiện các dự án kết nối vùng lớn như Vành đai 3, 4 TPHCM; Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… và cũng nhận được sự đồng thuận hiến đất rất cao trong nhân dân.