Bình Dương phát triển đô thị theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống

Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh thành hàng đầu của Việt Nam về phát triển kinh tế, với các hướng điều hành quy hoạch đô thị hiện đại và tiên tiến.

Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đang hướng tới phát triển đô thị dựa trên mô hình TOD (phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng) và mô hình "đảo đô thị", hai khái niệm tiến bộ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và tối ưu hóa sử dụng đất đai.

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một hiện có 116 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy doanh nghiệp là 100%. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một hiện có 116 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy doanh nghiệp là 100%. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An, cho biết thành phố Thuận An được chỉ định là khu đô thị dịch vụ-công nghiệp quy mô lớn tại phía Nam tỉnh Bình Dương. Đây là trung tâm kết nối nối các khu đô thị phía Bắc của tỉnh Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh và là một nút giao thông quan trọng của tỉnh và khu vực đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định số 1873/QĐ - UBND 14/ 7/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phát triển cơ cấu đô thị của Thuận An hướng tới mô hình TOD dọc theo các trục đường và trục đường chính. Mục đích là kết nối và phát triển các khu đô thị, bao gồm cả đường ven sông Sài Gòn và con đường Vành Đai III. Các đường hành lang đa dụng cũng là trung tâm đô thị kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực đô thị lân cận như thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An và thành phố Tân Uyên.

Quốc lộ 13, con đường chính xuyên qua Thuận An, được quy hoạch cho phép xây dựng với chiều cao tối đa là 60 tầng. Kế hoạch đã được phê duyệt bao gồm khoảng 2.000 ha để tái phát triển và cải thiện hạ tầng kỹ thuật, chủ yếu tập trung vào nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Ưu tiên được đưa ra cho việc phát triển các dự án nhằm mở rộng dự trữ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng xã hội như trường mẫu giáo, công viên và không gian xanh.

Ngoài ra, kế hoạch xác định khoảng 1.154 ha đất đa dụng (hoặc đất chuyển đổi) dọc theo các trục đường giao thông đô thị chính như Đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT.743A, đường ĐT.743B và đường ĐT.743C. Các con đường này được quy hoạch với đường sắt đô thị và các đường giao thông liên huyện như đường Thủ Khoa Huân, đường 22 tháng 12 và một số con đường chính khác trong khu vực...

Mô hình "đảo đô thị" là giải pháp áp dụng đối với các vùng đô thị lớn, để hạn chế việc phát triển các đô thị lan tỏa liên tục trên không gian rộng lớn, không giới hạn phạm vi làm ảnh hưởng tới quá tải hạ tầng, kiểm soát phát triển đô thị, ứng phó với các vấn đề môi trường phát sinh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Mô hình này đã được áp dụng để quy hoạch phát triển cho vùng thủ đô Luân Đôn – Anh và Thủ đô Hà Nội.

Bình Dương đang từng bước đô thị hóa mở rộng thành vùng đô thị, kết hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành vùng đô thị lớn, so sánh với các vùng đô thị lớn của quốc tế. Ông Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội - Viện Quy hoạch đô thị và nông thông quốc gia, chủ nhiệm đồ án Quy hoạch tỉnh Bình Dương cho biết, quy hoạch tỉnh Bình Dương đã đề xuất áp dụng mô hình “đảo đô thị” để kiểm soát không gian phát triển đô thị, giới hạn các khu vực phát triển đô thị tập trung như các thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Thành phố mới Bình Dương, Bến Cát, Tân Uyên là các “đảo đô thị”, giới hạn phạm vi các khu vực phát triển đô thị là các không gian xanh, không gian sinh thái, các tiện ích công cộng đô thị, việc áp dụng mô hình này để tạo ra môi trường sống và làm việc bền vững.

Một ví dụ rõ ràng về mô hình đảo đô thị tại Bình Dương là Thành phố Mới Bình Dương. Đây là một khu vực được quy hoạch hiện đại với các chức năng đầy đủ bao gồm dân cư, thương mại, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công viên và không gian xanh. Hệ thống giao thông kết nối khu vực này với các phần khác của Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, thuận tiện cho việc di chuyển và phát triển kinh tế.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đang hướng tới phát triển đối với các đô thị phía Nam gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát phát triển theo mô hình “đảo đô thị”. Mỗi “đảo đô thị” là một thành phố (hoặc quận) được quy hoạch với các chức năng cụ thể như khu vực dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí và khu dịch vụ công cộng. Điều này tối ưu hóa sử dụng đất đai và tạo ra một môi trường sống phong phú và tiện lợi. Các đảo đô thị được liên kết với các hệ thống giao thông hiện đại, bao gồm các đường chính, cầu vượt và các tuyến giao thông công cộng như xe buýt và đường sắt. Điều này đảm bảo việc đi lại thuận tiện và hiệu quả giữa các đảo đô thị.

Mỗi đảo đô thị có các không gian xanh rộng lớn, các công viên công cộng và khu vui chơi giải trí. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho cư dân. Mô hình đảo đô thị tại Bình Dương nhấn mạnh vào phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả. Các công trình được thiết kế theo các tiêu chuẩn xanh, sử dụng năng lượng tái tạo Hệ thống giao thông hiện đại và phân bố hợp lý các khu vực chức năng giúp giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện điều kiện giao thông trong thành phố. Các khu công nghiệp và thương mại được quy hoạch một cách hợp lý thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho cư dân….

Tỉnh Bình Dương kỳ vọng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khoảng 10%; GRDP bình quân khoảng 15.800 USD/người. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng định hướng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 1-2% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 88 - 90% trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, việc phát triển tỉnh Bình Dương theo mô hình vùng đô thị lớn, mỗi đô thị được giới hạn khu vực phát triển theo mô hình “đảo đô thị”, không gian, chức năng đô thị được quy hoạch phát triển theo mô hình “TOD” là những giải pháp quy hoạch đô thị hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng sống cao … mà Bình Dương đang hướng đến.

Các mô hình sẽ giúp tăng giá trị bất động sản do nhu cầu sinh sống và kinh doanh tại những khu vực này lớn. Việc tập trung dân cư và doanh nghiệp quanh các trục giao thông công cộng thúc đẩy phát triển các dịch vụ, cửa hàng, trung tâm thương mại, giúp kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia tới Bình Dương. Quá trình xây dựng và vận hành các khu đô thị mới tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2021 – 2030, sắp tới Quy hoạch tỉnh Bình Dương đề ra 6 đột phá nhằm duy trì tăng trưởng và thực hiện kịch bản phát triển, đó là hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối vùng; triển khai đồng bộ đô thị thông minh; xây dựng vùng đổi mới sáng tạo; thiết lập chính sách và phương án tái định cư; xây dựng chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – đô thị - dịch vụ

Cùng với đó là 5 chiến lược tích hợp gồm hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, con người; phát triển xanh; tổ chức không gian phát triển. Trong số đó, cấu trúc phát triển Bình Dương - vùng đổi mới sáng tạo gồm trục phát triển; hành lang sinh thái; vành đai liên kết; trung tâm động lực; phân vùng phát triển.

Song song đó, Quy hoạch Bình Dương cũng đề ra 36 chương trình hành động. Bình Dương xác định được 8 chương trình “đặc biệt ưu tiên” sẽ tập trung nguồn lực, triển khai sớm như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp; phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm và thúc đẩy chuyển đổi phương thức đi lại; phát triển mạng lưới không gian xanh; phát triển mạng lưới vận tải hàng hóa và logistics; phát triển khu phức hợp Bàu Bàng; phát triển Khu đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế; sắp xếp lại không gian đô thị phía Nam.

Bên cạnh những mục tiêu kinh tế, đô thị thì các chuyên gia đề nghị Bình Dương cần chú trọng đến các công trình an sinh xã hội cho người dân, môi trường và không gian định cư cho người lao động, nhất là quy hoạch nhà ở xã hội…

Huyền Trang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/binh-duong-phat-trien-do-thi-theo-huong-nang-cao-chat-luong-cuoc-song/338682.html