Bình Dương thực hiện nhiều cách làm giúp người nghèo vươn lên

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Bình Dương. Khi được hỗ trợ, người nghèo sẽ có cơ hội đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo.

“Chìa khóa” giúp người nghèo thoát nghèo

Chồng chết, một mình chị Trang Kim Tiền, ở khu phố An Thành, phường An Tây, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương phải một mình nuôi ba con nhỏ. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng trở nên vất vả hơn khi căn nhà của chị đã xuống cấp nghiêm trọng. Ước mơ có một mái ấm kiên cố để che mưa nắng cho các con trở thành một nỗi trăn trở lớn.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của chị Tiền, đầu năm 2024, Ủy ban MTTQ phường An Tây đã vận động các nhà hảo tâm và trích Quỹ vì người nghèo để xây dựng một căn nhà mới cho gia đình chị. Căn nhà có diện tích 52m², được xây dựng với kinh phí 120 triệu đồng. Khi nhận được căn nhà mới, chị Tiền đã không kìm được xúc động và tràn đầy niềm hạnh phúc.

Chị Trang Kim Tiền (bên phải) hạnh phúc trong căn nhà mới

Chị Trang Kim Tiền (bên phải) hạnh phúc trong căn nhà mới

Chị Tiền nghẹn ngào nói: “Được địa phương hỗ trợ cho cái nhà em rất mừng. Em hứa sẽ cố gắng làm để có điều kiện lo cho 3 đứa con ăn học. Sau này có điều kiện sửa lại căn nhà này cho khang trang hơn”.

Câu chuyện của chị Tiền chỉ là một trong những điển hình tiêu biểu cho 441 hộ gia đình khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở từ nguồn Quỹ vì người nghèo và vận động từ năm 2021 đến nay. Tổng kinh phí cho các hoạt động này đã lên tới hơn 36 tỷ đồng.

Khởi công xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo ở Bình Dương

Khởi công xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo ở Bình Dương

Bên cạnh việc hỗ trợ về nhà ở, các địa phương và đơn vị liên quan còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác nhằm giúp người nghèo cải thiện cuộc sống. Cụ thể, hàng chục tỷ đồng đã được dành để hỗ trợ học phí, trao học bổng cho con em các hộ nghèo. Người nghèo cũng được tiếp cận các dịch vụ y tế miễn phí, được đào tạo nghề và hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Chỉ riêng trong giai đoạn 2021-2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân 276 tỷ đồng, để hỗ trợ 3.570 hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Cũng từ các chính sách này từ năm 2021 đến nay, Bình Dương đã giảm được 5.447 hộ nghèo, không có hộ tái nghèo. Bình Dương còn 4.363 hộ nghèo/402.672 hộ nhân dân, chiếm tỷ lệ 1,08%.

Để giúp các hộ sớm thoát nghèo, nhiều ý kiến cho rằng: "Mong nhà nước hỗ trợ vốn, trả chậm, lãi suất thấp để làm ăn phát triển hơn. Mong có những quan tâm, hỗ trợ dạy nghề, tạo điều kiện việc làm, có những mặc hàng gia công để hỗ trợ cho chị em vừa làm, vừa lo lắng cho gia đình và đưa rước con đi học. Mong muốn sau này các mạnh thường quân tạo nhiều điều kiện, chương trình ý nghĩa cho các em khó khăn được đến trường".

Tiếp tục trợ lực cho người nghèo

Theo quy hoạch tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển toàn diện và sẽ trở thành trung tâm kinh tế năng động của vùng, với công nghiệp và dịch vụ hiện đại, đô thị xanh. Để làm được điều này, Bình Dương hướng đến việc “lấy con người là trung tâm”, do đó công tác an sinh xã hội, giảm nghèo sẽ tiếp tục được thực hiện với các mô hình, cách làm hay.

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thăm hỏi, nắm bắt khó khăn của hộ nghèo để có cách hỗ trợ

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thăm hỏi, nắm bắt khó khăn của hộ nghèo để có cách hỗ trợ

Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, một trong những cách làm hiệu quả của tỉnh là vận động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo. Từ nguồn quỹ này, năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và sửa chữa nhà cho 419 hộ khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi xây dựng 2.000 căn nhà, nhằm thực hiện chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho Bình Dương về xóa nhà tạm, nhà dột nát.

“Cũng rất mong muốn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, xây dựng quỹ vì người nghèo để dành nguồn kinh phí này chăm lo cho người nghèo. Thứ nhất chăm lo xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chăm lo cho đối tượng đang gặp khó khăn, khám chữa bệnh cho người mắc bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ học bổng để tiếp sức cho các em đến trường”, bà Lan nói.

“Trao cần câu” cho hộ nghèo, bằng cách hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh lãi suất ưu đã cũng sẽ được ngân hàng chính sách triển khai thực hiện. Đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn. Song song đó, các địa phương, đơn vị cũng tích cực vận động các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo để họ có điều kiện phát triển kinh tế.

Nhiều phần học bổng trao tặng con em hộ nghèo, trẻ khuyết tật

Nhiều phần học bổng trao tặng con em hộ nghèo, trẻ khuyết tật

Đối với Sở lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đổi mới hình thức dạy nghề cho người nghèo và lao động nông thôn bằng mô hình “dạy nghề - tạo việc làm dựa vào cộng đồng”. Với mô hình này, người nghèo được tự do lựa chọn nghề và nơi học nghề phù hợp với nhu cầu, khả năng, điều kiện hoàn cảnh của mình.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các trường nghề lựa chọn các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và điều kiện của địa phương. Sở đã tập trung đào tạo các nghề sơ cấp để nông dân có thể áp dụng ngay vào sản xuất. Từ năm 2021 đến nay các cơ sở dạy nghề đã đào tạo nghề cho 170.000 học viên, trong đó tỷ lệ có việc làm sau đào tạo hơn 90%.

"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát tình hình, thông tin thị trường lao động, có những nghề mới nổi sẽ đưa vào các chương trình đào tạo cho phù hợp với doanh nghiệp. Đảm bảo doanh nghiệp có lao động ổn định, người dân có việc làm để góp phần phát triển kinh tế xã hội và thoát nghèo bền vững”, ông Tài nói.

Ông Trịnh Đức Tài, chia sẻ những giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững

Ông Trịnh Đức Tài, chia sẻ những giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững

Để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế năng động của vùng, với công nghiệp và dịch vụ hiện đại, đô thị xanh, việc giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh việc đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ vào vật chất cũng cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người nghèo để họ có thể tự lực cánh sinh. Bên cạnh đó, việc đánh giá, giám sát quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo cần được tăng cường để đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả và đạt được kết quả tốt nhất.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/binh-duong-thuc-hien-nhieu-cach-lam-giup-nguoi-ngheo-vuon-len-post1139349.vov