Bình Dương tổng kiểm tra việc quản lý tiền công đức các di tích văn hóa, đền chùa

Tỉnh Bình Dương vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa, chùa, miếu.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, việc thực hiện quản lý, thu chi tài chính trong việc tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ tại các di tích được thực hiện theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Chùa Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: BD

Chùa Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: BD

Nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ngày 22/2/2024, UBND tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trước đó, trong đợt kiểm tra năm 2023, các di tích thu tiền công đức được tổng số là 12,6 tỉ đồng. Số tiền này chưa bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật (trừ vàng, bạc, kim khí quý, đá quý), công trình xây dựng, tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.

Về số tiền chi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, các cơ sở chi vượt số tiền công đức thu được.

Tổng số chi gần 13,15 tỉ đồng, trong đó, chi hoạt động quản lý hơn 1,4 tỉ đồng. Chi hoạt động lễ hội hơn 2,7 tỉ đồng. Chi tu bổ, tôn tạo di tích hơn 3,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn các khoản chi khác như tuyên truyền, quảng bá về lễ hội, di tích; bảo đảm an ninh trật tự, y tế, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ gồm nhà vệ sinh, đường nội bộ, đường điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe… trên 2,8 tỉ đồng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương hiện có 66 di tích đã được xếp hạng, trong đó, 13 di tích quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh.

Trong 66 di tích đã được xếp hạng, 30 di tích do các đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền địa phương trực tiếp quản lý (Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin, Ban quản lý di tích cấp huyện, UBND cấp xã, Công an tỉnh).

25 di tích do ban quý tế, ban trị sự tại các di tích đình, chùa trực tiếp quản lý.

7 di tích do chủ sở hữu/quyền sở hữu các di tích trực tiếp quản lý (nhà cổ, lò lu, vòng thành họ Võ); 4 di tích khác do Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, Công ty cổ phần xe lửa Dĩ An, Ban liên lạc Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng trực tiếp quản lý.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, trong số các di tích trên, thống kê được 22 di tích có thu tiền công đức số tiền 12,6 tỉ đồng.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/binh-duong-tong-kiem-tra-viec-quan-ly-tien-cong-duc-cac-di-tich-van-hoa-den-chua-post318358.html