Bình Nguyên Trang, trong ánh sáng cuộc đời hư ảo

Bình Nguyên Trang viết thơ và nổi danh từ thuở Hoa học trò, trong nhóm bút Hương đầu mùa những năm 1990. Dù đã in tập thơ đầu tay từ năm 18 tuổi, thế nhưng khi thi đại học Trang lại chọn học báo chí. Chẳng phải không có một trường đào tạo cho những người sáng tác, nhưng có lẽ Trang muốn một sự dấn thân vào đời sống, bằng một công việc cộng sinh với việc sáng tác khá tốt.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang. Ảnh: FBNV.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang. Ảnh: FBNV.

Những năm tháng ở trọ Hà Nội đi học, Trang đã là đầu tàu cho cả mấy anh em, người anh cả đi lính về mới quay ra học đại học, cô em gái học Trường Đại học Văn hóa, cậu em út cũng nhập trường Báo chí khi Trang vừa ra trường kiếm sống bằng con chữ. Căn nhà thuê và bữa cơm nhà trọ của mấy anh em được đảm bảo bằng những đồng nhuận bút của cô gái làm thơ. Những năm tháng ấy Trang gần như thay mặt cha mẹ chăm lo cho mấy anh chị em ở đất Hà Nội, trước khi từng người trưởng thành, kẻ Bắc người Nam. Ngoảnh lại sau lưng cô đã là hành trình 30 năm dan díu với thơ được đánh dấu bằng 5 tập thơ đã xuất bản. “Đêm hoa vàng” là tập thơ mới nhất Trang vừa gửi tới bạn đọc.

1.Có lẽ là duy nhất trong nhà, Trang ít phải đối mặt với những lao động chân tay, vì học khá nhất nhà, lại được gửi lên thành phố học trường chuyên từ nhỏ nên ít nhiều Trang có một khoảng cách với những lấm lem ruộng đồng. Tuy vậy, không vì thế mà sự thấu hiểu về những cần lao giảm đi, đặc biệt là sự vất vả nơi những người thân yêu nhất luôn ắp tràn thương cảm nơi cô bằng những nhung nhớ đong đầy trong những câu thơ thuở học trò, trong những đa cảm tuổi hoa niên. Những sáng tác của Trang trên Hoa học trò, Tiền phong, Mực tím… một thuở đã là những ngân rung tâm hồn trong trẻo của thế hệ cô. Trang đã là người dự phần vào những sự giữ nhịp tâm hồn một thế hệ, để rồi sau này, mấy chục năm trôi qua, những thanh niên cuối 7X, đầu 8X ở tuổi trung niên vẫn nhớ, vẫn thuộc những câu thơ của Bình Nguyên Trang. Để mỗi khi cô ra một tập thơ mới lại nhận được những tình cảm rất riêng tư, sự ủng hộ nhiệt thành ở thời thơ ít nhiều mất giá. Bởi đơn giản, trong thơ Trang có họ, Trang đã giữ một phần tuổi trẻ của họ trong những vần thơ của mình. Những tin nhắn, những lời tâm sự gửi tới Trang đã tiếp sức cho cô trên con đường thơ không đơn độc. Những tình cảm trân quý ấy đã là những tín hiệu để Trang biết mình ở đâu, thơ mình ở đâu trong mênh mông sự đọc hôm nay, để cô tự tin viết trên Facebook cá nhân: “Mình biết với một số bạn đọc cùng thế hệ, mình có chút góp mặt trong ký ức của họ. Họ đọc “Đêm hoa vàng” để sống lại chút ít cái quá khứ đó, trong bề bộn hôm nay. Chỉ là giây lát thôi. Nhưng nó là giây lát đẹp chứ nhỉ”.

2.Quê hương và tuổi thơ để lại dấu ấn lớn trong thơ Bình Nguyên Trang, đặc biệt trong đó là hình ảnh người mẹ. Đọc thơ Trang, có lẽ ai cũng đã một lần lắng lại trước những vần thơ về mẹ. Từ những năm tháng thiếu thời cho đến mãi sau này, hình ảnh mẹ xuyên suốt trong thơ cô vừa dung dị, đa mang, với một tình cảm vô bờ bến. Từ những sự biết ơn của đứa con gái xa nhà chẳng mấy dịp về thăm thời học trò, ở tập thơ mới nhất “Đêm hoa vàng”, những vần thơ về mẹ của Trang ôm chứa những trải nghiệm, những thấm thía sự đời, không còn là đứa con chập chững vào đời mà đứa con ấy đã làm mẹ, đã trải những đắng ngọt ở đời, càng sống càng ngộ ra những điều mẹ dạy.

Mẹ dạy thế gian nhiều khóc lắm cười

Mẹ dạy có khi một mình - phải sống

Mẹ dạy có khi một mình - phải cười

Cầm lấy nỗi đau như ngọc mà chơi

Đừng lụy kẻ trên đừng chê kẻ dưới

Đừng sợ vết thương - sao tránh ở đời

(Đoản khúc dâng mẹ)

Bằng một niềm tin lớn lao, Trang luôn ý thức sự hiện hữu của mẹ như một giá trị tinh thần bất biến. Mẹ luôn là điểm tựa, là tình yêu, là nơi chốn để quay về:

Mẹ đã già rồi như gió lắt lay

Mẹ đã ôm con một đời không mỏi

Mẹ vẫn ôm con lúc con lầm lỗi

Ai buông tay con cũng không sợ hãi

Khi sau lưng con còn mẹ vỗ về

(Đoản khúc dâng mẹ)

Mẹ đã là điểm tựa để “trong mênh mông vũ trụ đời mình” Trang thấy những gì mình sở hữu cao rộng đến nhường nào. Thế giới của mẹ đủ để dung dưỡng cô, bao bọc, chở che cho cô dù cuộc sống bình yên hay bão dông. Với Trang, mẹ là cả thế giới, đi khắp thế gian nơi nào cũng có hình bóng của mẹ: “Từ khu vườn của mẹ bước đi/ Để biết đời nhỏ hẹp”.

Một lần về Nam Định tôi đã ghé nhà thăm bố mẹ Trang. Ngôi nhà xưa nơi chị em Trang đã lớn lên, đã trải đủ những buồn vui, đã có những thời gian khó khăn tưởng không thể vượt qua. Mẹ Trang chỉ cho tôi bộ bàn ghế kê ở ngoài sân, dù đã sửa nhà mấy lần, dù đã dùng bàn ghế khác nhưng ông bà vẫn giữ lại như một kỷ vật. Đó chính là bộ bàn ghế Trang mua về bằng tiền nhuận bút của mình. Trang đã âm thầm đặt người thợ mộc đóng riêng và dặn ông không cho bố mẹ biết. Đến khi người thợ mộc làm xong chở bàn ghế đến cả nhà mới ngỡ ngàng. Hơn 20 năm sau, bộ bàn ghế vẫn còn đó, được những người thân của cô giữ gìn trân trọng như một phần ký ức của gia đình.

3.Trang không giỏi trong những kết nối xã hội cho mục đích cá nhân, những bộn bề cuộc sống, lo toan cơm áo hay giải quyết những công việc cụ thể mà có thể chính người thân hay ai đó có quan hệ gần gũi kỳ vọng cô có thể giúp. Và nếu như cô không giúp được ai đó những điều mà người khác thường nghĩ người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như cô thừa sức làm được thì cũng chẳng ai nỡ trách Trang, bởi họ nhận thấy bản tính nghệ sĩ ở cô. Trang, một người làm thơ có đầy đủ tư cách nghệ sĩ, và tư cách ấy đôi khi không cho phép cô đi xa khỏi những lằn ranh như là mặc định, ra khỏi vùng an toàn khiến cô mất đi sự tự tin. Dù nếu không giúp được ai đó trong lòng Trang cũng ít nhiều day dứt, nhưng sự kiêu hãnh, lòng tự trọng đã giữ cô lại bên những lằn ranh mà cô không thể hoặc không muốn bước qua.

Con chữ đẩy đưa, nghề báo nghiệp văn đã kết nối, như nhiều người “đi bằng cả hai chân” văn - báo khác, mảng gắn bó sâu sắc nhất của Trang vẫn là văn hóa - văn nghệ. Nơi gắn bó lâu nhất của Trang có lẽ là những ấn phẩm của Báo Công an nhân dân, và hiện tại là Báo Nhân dân. Trang viết nhiều mảng, cả do yêu cầu nhiệm vụ của tòa soạn và do yêu thích nhưng bạn đọc thường quen tên cô phía dưới những bài chân dung nghệ sĩ. Không ai hiểu một nghệ sĩ bằng một nghệ sĩ, những gương mặt nghệ sĩ các lĩnh vực dưới ngòi bút của Trang luôn có sự thấu hiểu, đồng điệu lớn. Bởi thế, nhiều người là nhân vật nhưng đồng thời cũng là bạn của Trang, hoặc từ nhân vật mà thành bạn. Trang có nhiều người bạn trong giới sân khấu, âm nhạc và cả văn chương - báo chí. Sự giàu có ấy cô được nhận lại khi trao đi những tấm chân tình, khi lúc nào cũng như dốc ruột ra mà sống.

4.Chữ duyên chữ nợ ở đời đôi khi là thứ không dễ đoán định, không dễ vay trả. Cũng như cuộc sống có nhiều ngã rẽ, có những ngã rẽ là định mệnh, cũng có ngã rẽ do lựa chọn góp phần tạo nên định mệnh ấy. Và đôi khi có những sự lựa chọn được dẫn lối bằng cảm tính nghệ sĩ, nó khiến Trang đi đến những vùng miền chông chênh, cá tính nghệ sĩ bướng bỉnh khiến Trang không chịu đầu hàng, dù có bị treo trên đầu ngọn sóng của sự bã bời mệt mỏi. Cuộc đời rất biết cách vẽ ra những ván cờ để thử thách lòng người, đẩy đưa đến những lằn ranh mong manh, trước những đối diện, những mất mát, những tổn thương, những thấu hiểu và cả những thương cảm, người làm thơ ấy chỉ thấy thương mình và thương người, thương cuộc đời nhiều lớp diễn.

Sáng nay nghĩ gì khi xem phây búc

Gặp một rỗng không điểm giữa mắt người

Thấm tháp gì một cuộc vui chơi

Ta diễn người xem người xem ta diễn

(Chợt nghĩ)

Trên sân khấu cuộc đời mỗi con người là một vai diễn, vai bi, vai hài, vai chính diện, vai phản diện… Và thấm thía hơn cả là những người ý thức được vai diễn đang mang, nhìn người diễn và nhìn mình diễn mà mỉm cười chua chát. Đã có những khi Trang hòa vào đám đông diễn viên đời ấy để mà bả lả nói cười, để mà buông tuồng phù phiếm, nhưng rồi sau đó là sự tự vấn: “tôi chán chính mình ồn ào phỉnh nịnh/ bay trong đám đông nhộn nhạo mặt người”.

Đằng sau tiếng cười lảnh lót đến xô bồ bạn bè thường thấy ở Trang là một tâm hồn mong manh nhạy cảm. “Trong ánh sáng cuộc đời hư ảo” ấy, dù có thế nào thì với Trang vẫn lấp lánh vẻ đẹp thiện lương, dù lửa có cháy hóa vàng tất cả thì vẫn “tàn tro bay màu cánh hoa hồng”. “Trong mênh mông vũ trụ chính mình”, Trang đã sống, đã vật vã đớn đau và yêu thương. Và cũng thật may, “trong áo khăn bi hài kịch cuộc đời” ấy vẫn còn một Bình Nguyên Trang nghệ sĩ với sự nhân văn thiên bẩm, thứ đã cứu rỗi cô, để chúng ta vẫn còn mãi một người đàn bà thơ ghi lại những ký ức đẹp và buồn không chỉ của riêng mình.

BẢO AN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/binh-nguyen-trang-trong-anh-sang-cuoc-doi-hu-ao-10288222.html