Bình Thuận làm gì để khắc phục cảnh du khách 'nay đi, mai về'

Năm 2023, sau khi 2 tuyến đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết đi vào hoạt động, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã đón lượng khách kỷ lục với hơn 8,5 triệu lượt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, do thiếu các sản phẩm du lịch nên du khách đến địa phương đông nhưng thời gian lưu trú lại ngắn, mức chi tiêu chưa cao. Việc giữ chân khách du lịch đang là câu hỏi còn nhiều trăn trở của ngành du lịch Bình Thuận.

Bình Thuận có thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ để hút khách

Bình Thuận có thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ để hút khách

Thiếu dịch vụ tiêu tiền

Hiện tại, tỉnh Bình Thuận đang bước vào mùa cao điểm du lịch hè, các điểm đến nổi tiếng như Hàm Tiến – Mũi Né, Hòn Rơm, La Gi, Tiến Thành,… thu hút rất đông lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khảo sát tại một số cơ sở lưu trú ở địa phương cho thấy, các du khách đa phần chỉ đặt phòng nghỉ lại từ 1 đến 2 ngày, có nhiều trường hợp chỉ lưu trú lại trong ngày, hoặc qua ngày hôm sau là rời đi. Gia đình chị Lâm Thị Thu Uyên (ngụ TPHCM) dự kiến đến Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết) để du lịch trong 3 ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày trải nghiệm, gia đình chị đã quyết định trả phòng resort để di chuyển lên TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để tiếp tục kỳ nghỉ. “Đến Mũi Né ngoài việc buổi sáng tắm biển, chiều ăn hải sản thì đến chiều tối và ban đêm không biết đi đâu, chơi gì. Nơi đây còn thiếu nhiều sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là các khu vui chơi cho trẻ em”, chị Uyên chia sẻ.

Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận chia sẻ, vào những năm 2001-2002, Mũi Né đã được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Trước đây, khách du lịch đến Mũi Né để nghỉ dưỡng thường ở lại thời gian rất dài, có khi họ ở 5-6 tuần rồi mới rời đi, còn bây giờ thì không còn nữa. Nguyên nhân là do chúng ta không đủ sản phẩm du lịch, nhất là kinh tế đêm để giữ chân du khách. Trong khi đó các địa phương lân cận có các sản phẩm du lịch tốt hơn, tạo nên sự cạnh tranh để hút khách. “Cái buồn nhất của ngành du lịch địa phương là để du khách đến rồi lại mang tiền về. Lợi thế về hạ tầng đã có, nhất là đường cao tốc đã rút ngắn thời gian, khoảng cách, nhưng du khách lại đến rồi đi về ngay ngày hôm sau, như vậy là quá phí”, ông Bình chia sẻ.

Bà Lê Thị Lan, chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành ở TP Phan Thiết nhận định, trước đây, khi chưa có đường cao tốc, khách đến Bình Thuận còn ngủ lại ít nhất 1 đêm. Nay do lợi thế của cao tốc, nhiều khách “sáng đi, tối về” nên việc chi tiêu không nhiều, khiến doanh thu giảm.

 Bình Thuận cần thêm nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn để thu hút du khách

Bình Thuận cần thêm nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn để thu hút du khách

Cần xây dựng hệ sinh thái du lịch

Ông Nguyễn Linh Vũ, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, để cho du lịch địa phương phát triển đồng bộ thì phải triển khai việc định vị thương hiệu. Trong đó phải xác định được thị trường, đối tượng khách và phải xác định được sản phẩm du lịch của tỉnh là sản phẩm gì, đặc trưng gì, để đầu tư cho phù hợp. Sau đó, ngành du lịch, doanh nghiệp phải kết nối lại với nhau, hỗ trợ, hợp tác để đưa những sản phẩm du lịch đến người tiêu dùng, thu hút du khách lưu trú dài hơn, tiêu tiền nhiều hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Hoa, Giám đốc Ban Kinh doanh Nova Service Group cho biết: “Để phát triển du lịch, ngoài việc phát triển lượng khách thì quan trọng nhất là phát triển yếu tố chi tiêu trên một đầu khách du lịch. Quỹ thời gian khách du lịch đến Bình Thuận còn ngắn, các sản phẩm du lịch còn thiếu nên khách chưa có nhiều lựa chọn để chi tiêu. Do đó, địa phương cần xây dựng được hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, không chỉ là nghỉ dưỡng mà còn là vui chơi, giải trí, tham quan và các hoạt động khác... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch”.

Ngoài những mô hình du lịch mới, tỉnh Bình Thuận cũng đang khẩn trương phát triển kinh tế ban đêm, điều mà địa phương đang rất thiếu và yếu. Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết, hiện nay, tại nhiều khu vực của thành phố như Hàm Tiến – Mũi Né, Tiến Thành,… có hạ tầng khá đầy đủ như giao thông, tiện ích lưu trú, giải trí, ẩm thực,… đủ điều kiện để hình thành và phát triển kinh tế ban đêm. Tiện ích về kinh tế ban đêm hình thành sẽ góp phần phát triển du lịch của thành phố nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận cho biết, để du lịch phát triển, ngoài sự định hướng, ban hành các chính sách thu hút đầu tư của địa phương, thì chính doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ cần kết hợp, đưa ra các dịch vụ trọn gói, khai thác chéo các nguồn khách hàng để tăng giá trị chi tiêu bình quân đầu khách, tăng doanh thu ngành du lịch.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/binh-thuan-lam-gi-de-khac-phuc-canh-du-khach-nay-di-mai-ve-post746311.html