Bít cửa nhờn luật giao thông

Việc tăng mức xử phạt đối với một số lỗi của người tham gia giao thông là hoàn toàn cần thiết

Mới đây, Cục CSGT - Bộ Công an cho biết đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Tăng mức phạt lên hàng chục lần

Trong dự thảo mới nhất đang được hoàn thiện, Cục CSGT đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc, nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Theo đó, đối với người điều khiển ô tô mà có hành vi vi phạm, dự thảo đề nghị tăng các mức phạt như sau: Lùi xe trên đường một chiều, đường có biển cấm đi ngược chiều: mức phạt cũ 800.000 - 1 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 9 - 11 triệu đồng; đi vào khu vực cấm, đường cấm: mức phạt cũ 2 - 3 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 4 - 6 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hành vi dừng, đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông; quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt không đúng quy định: mức phạt cũ 2 - 3 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 8 - 12 triệu đồng.

Ô tô đỗ chắn vạch kẻ dành cho người đi bộ khi dừng đèn đỏ trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Ô tô đỗ chắn vạch kẻ dành cho người đi bộ khi dừng đèn đỏ trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông: mức phạt cũ 600.000 - 800.000 đồng, dự kiến mức phạt mới 18 - 22 triệu đồng. Chở hàng vượt quá chiều cao: mức phạt cũ 2 - 3 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 8 - 12 triệu đồng. Mua bán biển số trái quy định: mức phạt cũ 10 - 12 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 48 - 52 triệu đồng.

Điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, che hay dán biển số, gắn biển số giả: mức phạt cũ 4 - 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 48 - 52 triệu đồng. Quay đầu xe trái quy định: mức phạt cũ 600.000 - 800.000 đồng, dự kiến mức phạt mới 6 - 8 triệu đồng. Không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông: mức phạt cũ 4 - 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 8 - 10 triệu đồng. Rải đinh, vật sắc nhọn: mức phạt cũ 4 - 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 48 - 52 triệu đồng.

Vượt đèn đỏ: mức phạt cũ 4 - 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 9 - 11 triệu đồng. Giao xe cho người không đủ điều kiện: mức phạt cũ 4 - 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 28 - 30 triệu đồng. Tịch thu phương tiện đối với người tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.

Đủ kiểu vi phạm

Tại TP HCM, không khó bắt gặp tình trạng người chạy xe ngược chiều, chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi lái xe, dừng đỗ xe ở khu vực cấm... Điều này xảy ra rất thường xuyên, vào mọi khung giờ, với mọi phương tiện và mọi lứa tuổi.

Cụ thể, để rút ngắn thời gian cũng như khoảng cách, nhiều xe chọn đi ngược chiều, phóng vun vút hàng trăm mét trên đoạn đường Dương Bá Trạc (quận 8). Tương tự, ở TP Thủ Đức, khu vực ngã tư Linh Xuân, ngã ba đường số 14 và Quốc lộ 1 hay từ đường số 2 (đoạn gần Trường Đại học Kinh tế - Luật) rẽ ra Quốc lộ 1, nhiều người ngang nhiên đi ngược chiều.

Đáng nói, đây là các khu vực khuất tầm nhìn, xe container thường xuyên qua lại, khiến giao thông trong khu vực trở nên hỗn loạn. Chiều 23-10, ghi nhận trong 5 phút đã có hàng chục xe máy đi ngược chiều.

Anh Phạm Duy Cường (27 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), chủ tiệm sửa xe ở khu vực này, kể nhiều người thường chọn đi ngược chiều từ đường số 2 ra Quốc lộ 1 để băng qua đường do đi vòng rất xa. Khu vực này cũng thường xảy ra tai nạn giao thông, như vụ tai nạn chiều 18-10 khiến một nữ sinh tử vong.

Cách đó không xa, khu vực ngã tư Linh Xuân thường xuyên xuất hiện hình ảnh học sinh mặc đồng phục một trường THPT chạy xe phân khối lớn, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm khiến nhiều người ngán ngẩm.

Hàng loạt ô tô dừng, đỗ sai quy định, bất chấp biển báo cấm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Hàng loạt ô tô dừng, đỗ sai quy định, bất chấp biển báo cấm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Ở trung tâm TP HCM, nhiều tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Hùng Vương (quận 10)… có hàng hoạt ô tô bất chấp biển báo cấm vẫn dừng, đỗ sai quy định. Tại đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Ngô Gia Tự (quận 10)… nhiều xe máy khi chờ đèn đỏ vẫn chắn ngang, thậm chí vượt qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Điều này vừa gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông vừa thể hiện ý thức tham gia giao thông rất kém.

Hàng loạt xe máy chắn vạch kẻ dành cho người đi bộ khi chờ đèn đỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Hàng loạt xe máy chắn vạch kẻ dành cho người đi bộ khi chờ đèn đỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM. Ảnh: ÁI MY

Nghiêm trọng hơn, trên đường Lê Quý Đôn (quận 3), sáng 23-10, một ô tô vô tư vượt lên vạch kẻ dành cho người đi bộ mặc kệ các phương tiện phía sau đang chấp hành đúng luật và khiến người đi bộ mất cả lối đi sang đường.

Nên tăng nặng

Theo đại diện Cục CSGT, tình hình trật tự - an toàn giao thông thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra như: hạ tầng giao thông phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; lượng phương tiện tăng cao mỗi năm.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến.

Từ thực tiễn này, Cục CSGT đánh giá việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lỗi của người tham gia giao thông là hoàn toàn cần thiết, bảo đảm tính nhân văn và nâng cao ý thức của người lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng, văn minh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận tình hình tai nạn giao thông ở nước ta vẫn ở mức cao. Theo đó, việc nâng mức phạt lên gấp nhiều lần ở một số hành vi sẽ nâng cao nhận thức của người điều khiển phương tiện giao thông, bởi hậu quả mà các vụ tai nạn gây ra không chỉ đơn giản là gây ùn tắc giao thông hay làm hư hỏng phương tiện mà rất nhiều trường hợp có người tử vong, thương tật vĩnh viễn, tạo gánh nặng tinh thần và vật chất đối với người thân của nạn nhân.

Ngoài ra, mức phạt mới sẽ góp phần giảm thiểu các trường hợp vô ý khi tham gia giao thông, bắt buộc tất cả mọi người phải tập trung cao độ khi điều khiển phương tiện, từ đó dần xóa bỏ hoàn toàn các trường hợp vi phạm ở mức nhẹ, để rồi các vi phạm nguy hiểm sẽ không còn diễn ra trên thực tế.

"Ví dụ dễ thấy nhất là chính sách về nồng độ cồn bằng 0, việc xử phạt nghiêm các trường hợp điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng gây tai nạn khi say rượu. Đồng thời chính sách trên còn giúp tạo lý do để người dân có thể từ chối các buổi nhậu không cần thiết mà về nhà với gia đình, tạo dựng đời sống gia đình văn minh, hạnh phúc" - luật sư Hậu nói.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP HCM, cũng cho rằng việc tăng xử phạt sẽ tác động hai chiều đến với người dân, giúp người tham gia giao thông thận trọng hơn và nâng cao ý thức hơn.

"Tuy nhiên, khi nhìn nhận về một văn bản luật, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến việc chế tài xử phạt mà cái cần quan tâm là tính khả thi cũng như hiệu quả mà văn bản luật ấy mang lại. Để một văn bản luật thực sự có hiệu quả trong thực tiễn đời sống, ngoài việc các quy định phải đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn thì nhà nước cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân" - luật sư Trần Minh Hùng nói.

ÁI MY - NGỌC QUÝ - BẢO NGHI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bit-cua-nhon-luat-giao-thong-196241023214215963.htm