Bộ Công an đề xuất nhiều quy định siết kỷ cương, ngăn tiêu cực trên thị trường vàng
Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24, Bộ Công an đề xuất loạt biện pháp siết quản lý thị trường vàng như: thanh tra định kỳ 3 - 5 năm một lần, kiểm soát số sê-ri vàng miếng, làm rõ quy định thanh toán qua ngân hàng với giao dịch trên 20 triệu đồng. Cơ quan này cũng cảnh báo nguy cơ phát sinh cơ chế 'giấy phép mẹ - giấy phép con' và hệ lụy mua bán giấy phép, hạn ngạch.
Tại phần tổng hợp ý kiến các bộ, ngành trong hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 quy định về hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) hiện đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, Bộ Công an cho rằng, xét tổng thể, tại dự thảo Nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép, nguy cơ xuất hiện cơ chế “giấy phép mẹ” tạo ra nhiều “giấy phép con” và cơ chế cấp hạn ngạch sản xuất vàng miếng, hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần.
Lo ngại tiêu cực trong cấp phép
Dự thảo Nghị định quy định xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được sản xuất vàng miếng và tạo cơ chế cho phép nhập khẩu vàng để có nguồn vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, dự thảo đề cập đến nhiều loại giấy phép như: giấy phép sản xuất vàng miếng; giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng miếng đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng; giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng.
Theo dự thảo Nghị định, nhóm doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đủ điều kiện vốn điều lệ để được cấp phép sản xuất vàng miếng/nhập khẩu vàng nguyên liệu gồm: 03 công ty SJC, PNJ, DOJI, cùng 04 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV và 04 ngân hàng thương mại cổ phần VPBank, Techcombank, MB và ACB.

Bộ Công an đề xuất nhiều quy định siết kỷ cương, ngăn tiêu cực trên thị trường vàng. Ảnh: T.L.
"Với cơ chế “giấy phép con” và cấp hạn ngạch trên dễ dẫn đến việc tiêu cực trong cấp phép, nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng/nhập khẩu, phân phối vàng nguyên liệu vào nhóm đơn vị được cấp phép, khó khăn trong quản lý việc sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức và việc mua bán giấy phép/hạn ngạch, nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ" - Bộ Công an đánh giá.
Ngoài các hình thức giấy phép nêu trên, dự thảo Nghị định vẫn quy định các giấy phép con như: giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm... có thể “tăng áp lực” về thủ tục hành chính, tạo “rào cản” cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Kiểm tra chéo hải quan, thu hồi hạn mức không dùng hết
"Thông qua cơ chế báo cáo định kỳ, dựa trên báo cáo của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và kiểm tra chéo trên hệ thống hải quan. Đối với trường hợp các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại không nhập khẩu hết hạn mức đã được cấp, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh, thu hồi để phân bổ lại hạn mức còn lại cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại khác có nhu cầu" - Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Phản hồi về nội dung này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc xây dựng cơ chế cấp hạn mức hàng năm và cấp giấy phép từng lần là cần thiết để Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đúng mục đích, nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, đồng thời đây cũng là căn cứ để tính toán phân bổ, phân bổ lại, điều chỉnh hạn mức cho các năm/kỳ tiếp theo.
Dự thảo Nghị định cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cách thức phân bổ hạn mức hàng năm cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại. Trên cơ sở hạn mức hàng năm, các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng lần.
Nhà điều hành cũng dự kiến cung cấp thủ tục hành chính cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng lần theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giúp tổ chức, cá nhân cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, không làm tăng áp lực về thủ tục hành chính, không tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Đề xuất giám sát chặt số sê-ri, siết thanh kiểm tra
Đáng chú ý, về quy định liên quan đến kinh doanh, sản xuất vàng miếng, theo Bộ Công an, dự thảo Nghị định chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng như: số sê-ri sản xuất mới, số sê-ri vàng miếng móp méo được gia công lại, số sê-ri trong các giao dịch mua/bán, số sê-ri vàng miếng chuyển thành nguyên liệu...
"Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về số sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch trên có thể giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, có thể giúp xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng trong giao dịch vàng miếng" - Bộ Công an nhìn nhận.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri vàng miếng. Ảnh: T.L.
Tiếp thu nội dung này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch để đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế rủi ro và tăng tính minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng miếng.
Về công tác tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện chế tài để kiểm soát, ổn định hoạt động kinh doanh vàng, theo Bộ Công an, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm đối với đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và việc xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng của các đơn vị này.
Trong đó, nghiên cứu xem xét quy định bắt buộc các đơn vị này phải thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề định kỳ (hàng năm) đối với hoạt động sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng.
Đề xuất thanh tra thị trường vàng định kỳ
Cùng với đó, Bộ Công an đề xuất xem xét, bổ sung quy định tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đủ điều kiện được cấp phép sản xuất vàng miếng thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính hàng năm hoặc bán niên, trong đó có nội dung về hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và việc phối hợp liên ngành.
Về quy định giá trị 20 triệu đồng trong giao dịch vàng, Bộ Công an cho rằng, cần quy định rõ giá trị 20 triệu đồng là của từng lần giao dịch hay tổng giá trị giao dịch trong từng ngày để tránh tình trạng “lách luật” thông qua việc chia nhỏ các giao dịch. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến của Bộ Công an và đã tu chỉnh trực tiếp tại dự thảo Nghị định, quy định cụ thể giá trị giao dịch là tổng giá trị giao dịch trong một ngày để ngăn ngừa hành vi chia nhỏ giao dịch./.