Bộ Công an đề xuất siết quản lý, tăng thanh tra thị trường vàng
Trước thực trạng thị trường vàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu minh bạch, Bộ Công an vừa có văn bản góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó nhấn mạnh việc cần tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, kiểm toán độc lập và giám sát chặt cơ chế cấp phép - nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động sản xuất, nhập khẩu vàng, ngăn ngừa độc quyền và giảm rủi ro hệ thống.
Đề xuất cơ chế thanh tra định kỳ: Tối thiểu 3-5 năm một lần
Một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ Công an là yêu cầu bổ sung quy định bắt buộc Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng định kỳ tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần. Cùng với đó, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải phối hợp thực hiện thanh tra theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Ảnh minh họa
Bộ Công an cho rằng việc tăng cường giám sát định kỳ sẽ giúp phát hiện và xử lý sớm các sai phạm, góp phần minh bạch hóa thị trường, nhất là trong bối cảnh vàng là mặt hàng có giá trị cao, dễ bị lợi dụng để rửa tiền, trục lợi chính sách hoặc đầu cơ.
Trong văn bản góp ý, Bộ Công an cũng đề xuất yêu cầu các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu phải thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề hàng năm. Việc này nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong báo cáo tài chính, đồng thời giúp cơ quan quản lý kịp thời phát hiện những bất thường trong luồng tiền, dòng hàng của doanh nghiệp.
“Cơ chế giám sát hậu kiểm cần được cụ thể hóa và thiết kế đủ mạnh để kiểm soát việc sản xuất, xuất - nhập khẩu vàng không đúng quy định, nhất là tình trạng sản xuất vượt hạn ngạch hoặc chuyển nhượng giấy phép trá hình”, Bộ Công an cảnh báo.
Một vấn đề khác được Bộ Công an chỉ rõ là nguy cơ hình thành cơ chế “giấy phép mẹ - giấy phép con” từ dự thảo Nghị định, có thể dẫn đến tình trạng xin - cho và gia tăng rào cản gia nhập thị trường.
Hiện dự thảo đề cập nhiều loại giấy phép khác nhau, như: Giấy phép sản xuất vàng miếng; Hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất
Bộ Công an cảnh báo, nếu không có cơ chế giám sát và phân cấp rõ ràng, việc cấp hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu theo năm hoặc từng lần có thể dẫn đến tiêu cực trong cấp phép, tạo ra thế độc quyền nhóm trong sản xuất và phân phối vàng miếng, gây bất ổn thị trường, cản trở cạnh tranh lành mạnh.
Rủi ro từ việc thiếu cơ chế “cân trạng thái vàng” cho doanh nghiệp
Một điểm nghẽn kỹ thuật khác mà Bộ Công an đặc biệt lưu ý là việc dự thảo Nghị định chưa quy định rõ các cơ chế giúp doanh nghiệp “cân trạng thái vàng” hoặc phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng quốc tế.
Theo Bộ Công an, đây là lỗ hổng lớn trong quản lý vì giá vàng thế giới biến động rất mạnh, trong khi biên lợi nhuận ngành vàng thường thấp. Nếu không có biện pháp chốt giá, bảo hiểm rủi ro hoặc giao dịch phái sinh phòng ngừa, doanh nghiệp sản xuất vàng sẽ phải gánh chịu toàn bộ rủi ro từ thời điểm mua vàng quốc tế đến khi nhập khẩu và bán ra thị trường nội địa.
“Việc thiếu công cụ bảo hiểm rủi ro giá khiến các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng ngại tham gia vào hoạt động nhập khẩu vàng phục vụ bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Nhà nước, đặc biệt trong những thời điểm giá vàng quốc tế cao hơn giá trong nước”, Bộ Công an nêu rõ.
Không chỉ vậy, nguy cơ nảy sinh các biện pháp “lách luật” hoặc sử dụng công cụ trái pháp luật để tự cân trạng thái vàng nhằm giảm thiểu rủi ro cũng là mối lo không nhỏ. Điều này nếu không được kiểm soát sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia.
Từ các phân tích trên, Bộ Công an đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung đồng bộ các quy định về: Cơ chế thanh tra, kiểm tra định kỳ do Ngân hàng Nhà nước chủ trì; Kiểm toán độc lập bắt buộc hằng năm đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vàng; Cơ chế giám sát và xử lý nghiêm việc chuyển nhượng, mua bán giấy phép trá hình; Bãi bỏ hoặc giảm bớt các “giấy phép con” không cần thiết nhằm giảm gánh nặng hành chính; Thiết kế công cụ “phòng thủ giá” cho doanh nghiệp vàng, như cơ chế chốt giá, phòng ngừa rủi ro, hợp đồng kỳ hạn (forward contract) hoặc công cụ phái sinh.
Thị trường vàng, với đặc thù là mặt hàng nhạy cảm về tâm lý, tài chính và chính sách tiền tệ, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu quy định pháp lý không đủ minh bạch, tạo ra quá nhiều rào cản hành chính và không hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, thì chính sách quản lý vàng sẽ không đạt được mục tiêu bình ổn mà còn khiến thị trường biến dạng, méo mó và thiếu cạnh tranh.
Việc Bộ Công an tham gia góp ý sâu sắc và cụ thể vào dự thảo Nghị định 24 sửa đổi lần này cho thấy sự quan tâm lớn của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với thị trường vàng - một “kênh tài sản nhạy cảm” của nền kinh tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan trong việc hoàn thiện khung pháp lý, giám sát minh bạch và xử lý rủi ro sẽ là yếu tố then chốt để thị trường vàng vận hành ổn định, hiệu quả và phù hợp với định hướng điều hành vĩ mô của Chính phủ.