Bộ Công Thương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong bối cảnh Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, những thành tựu ban đầu đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Tại Bộ Công Thương, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đóng vai trò then chốt trong giai đoạn hiện nay. Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ, công tác này đã và đang được triển khai mạnh mẽ.

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là yếu tố then chốt giúp họ sử dụng thành thạo các công cụ số trong xử lý công việc nội bộ cũng như cung cấp dịch vụ số một cách chuyên nghiệp.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, kỹ năng số, cùng với các chương trình nâng cao nhận thức về an toàn và an ninh mạng. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ và hiệu quả thực thi nhiệm vụ mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương để hiểu hơn về vấn đề đào tạo nhân lực ngành Công Thương đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Ông có thể nêu rõ hơn về vai trò của nguồn nhân lực trong chiến lược này?

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đang được triển khai quyết liệt, trong đó đào tạo nhân lực số là một trọng tâm. Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, dự báo cho thấy Việt Nam có nguy cơ thiếu hàng trăm nghìn nhân lực kỹ thuật số. Chất lượng đào tạo hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu thị trường và những yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số.

Nhằm khắc phục vấn đề này, Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan, bộ, ngành đã ráo riết hoàn thiện cơ chế, chính sách. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 1 triệu nhân lực số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2030. Song song đó, Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt chương trình phát triển thương mại quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng đặt ra mục tiêu đào tạo thương mại điện tử tại 50% cơ sở giáo dục và dạy nghề, đồng thời tổ chức 1 triệu lượt đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cán bộ quản lý nhà nước.

Kinh tế số và thương mại điện tử đang bùng nổ, kéo theo nhu cầu nhân lực số với các tiêu chí ngày càng khắt khe như quản lý, vận hành công cụ số và bắt kịp các xu hướng công nghệ tiên tiến. Nhân lực số vì thế trở thành yếu tố then chốt quyết định thành công của chuyển đổi số. Trước tình hình đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy đào tạo, hướng tới phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững – nhiệm vụ mấu chốt của xã hội hiện nay.

Dẫu vậy, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Khoảng cách phát triển kinh tế số giữa các vùng miền, vấn đề ô nhiễm môi trường do vận chuyển trong thương mại điện tử, cùng tình trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng trực tuyến là những vấn đề cần giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, chỉ khoảng 5.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan như thương mại điện tử, thương mại thông minh hay công nghệ thông tin tại 34 trường đại học đào tạo lĩnh vực này. Con số này vẫn quá khiêm tốn so với mục tiêu của Quyết định 411. Trong khi đó, các chương trình đào tạo ngắn hạn đã đạt gần 1 triệu lượt nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành hàng, và doanh nghiệp như Google, Amazon, Shopee, TikTok.

Để nâng cao hiệu quả, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến từ các nước phát triển.

Nhìn chung, phát triển nguồn nhân lực số là ưu tiên cấp thiết. Những chính sách toàn diện không chỉ giúp Việt Nam thích ứng với nền kinh tế số toàn cầu mà còn tạo nên lực lượng lao động có sức cạnh tranh cao, góp phần đưa đất nước vươn xa trong kỷ nguyên số.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lực chuyển đổi số trong các bộ, ngành có vai trò rất quan trọng. Vậy ông có khuyến nghị gì với Nhà nước nói chung và Bộ Công Thương trong vấn đề này?

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng để lại không ít thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số. Đây là một bài toán khó cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức đào tạo để đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, cao đẳng và các nền tảng trung gian trong việc đào tạo nhân lực. Sự phối hợp này sẽ giúp sinh viên tiếp cận được với môi trường thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hạn chế tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại sau tuyển dụng. Đồng thời, việc mở rộng đối tượng đào tạo cũng cần được quan tâm, không chỉ dừng ở sinh viên mà còn hướng đến học sinh trung học phổ thông, lao động trực tiếp trong các ngành sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại trực tuyến. Những khóa học này cần cung cấp cả kiến thức nền tảng lẫn kỹ năng thực chiến, giúp người học tự tin tham gia vào thị trường lao động số.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo cũng đóng vai trò then chốt. Cần có các chính sách phù hợp để phân bổ kinh phí từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cán bộ quản lý nhà nước tham gia các chương trình học tập và nâng cao kỹ năng. Điều này không chỉ giúp cải thiện năng lực quản lý và kinh doanh trực tuyến mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế số.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là giám sát chất lượng đào tạo. Hiện nay, thị trường đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử đang bùng nổ, nhưng sự phát triển này đi kèm với khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nội dung và phương pháp giảng dạy. Để khắc phục, cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản, có thể học hỏi từ các nước tiên tiến để quản lý và giám sát hiệu quả.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, nguồn nhân lực số chính là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần nhanh chóng hành động, tạo ra những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực đào tạo, hướng tới một nền kinh tế số phát triển bền vững và đầy tiềm năng.

Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương 2024

Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương 2024

Qua theo dõi các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng về thương mại điện tử, ông có thể so sánh chất lượng nguồn nhân lực trước và sau đào tạo, bồi dưỡng như thế nào?

So sánh chất lượng nguồn nhân lực trước và sau khi được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử giúp làm rõ tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho người bán hàng trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam phát triển top đầu thế giới, doanh số bán lẻ trực tuyến tăng trung bình khoảng 25%/ năm, số lượng người tham gia mua sắm và giá trị mua sắm bình quân đầu người cũng tăng cao trong nhiều năm qua.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thương mại điện tử cho người bán hàng trong bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ số và các nền tảng số đã tạo nên một môi trường thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách doanh nghiệp vận hành mà còn đòi hỏi nguồn nhân lực phải liên tục cải thiện kỹ năng và kiến thức.

Để người bán hàng mới vào nghề có thể hoàn thành kế hoạch bán hàng được giao trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi những yếu tố như: Kiến thức chuyên môn, kỹ năng ứng dụng công nghệ, khả năng quản lý và chiến lược, kỹ năng phân tích dữ liệu và đo lường hiệu quả.

Về kiến thức chuyên môn, sau khi được đào tạo, người bán hàng có được kiến thức toàn diện về thương mại điện tử, từ việc xây dựng trang web thương mại điện tử, khởi tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, xúc tiến bán hàng trên mạng xã hội, dựng video quảng cáo, livestream, quản lý kho hàng và vận hành logistics đến quản lý mối quan hệ khách hàng và các chiến lược marketing số... Họ không chỉ nắm bắt được các khía cạnh kỹ thuật mà còn có khả năng phát triển các chiến lược kinh doanh dựa trên phân tích dữ liệu và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Về kỹ năng ứng dụng công nghệ, sau quá trình đào tạo, người bán hàng có thể thành thạo các công cụ, nền tảng thương mại điện tử, hiểu cách sử dụng và khai thác dữ liệu từ các nền tảng như Google Analytics và Facebook, sử dụng công nghệ AI và chatbot để cải thiện dịch vụ khách hàng.

Khả năng quản lý và chiến lược, sau khi đào tạo, người bán hàng hiểu rõ hơn về quản lý chiến lược trong thương mại điện tử, từ việc xây dựng thương hiệu, tạo ra nội dung marketing thu hút, đến tối ưu hóa kênh bán hàng và dịch vụ khách hàng. Họ có khả năng triển khai các chiến lược quảng bá, bán hàng và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn thông qua các nền tảng số.

Kỹ năng phân tích dữ liệu và đo lường hiệu quả, sau đào tạo, người bán hàng có thể sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu như Google Analytics, công cụ phân tích dữ liệu thị trường kinh doanh như Metric…

Tóm lại, người bán hàng trực tuyến sau khi được đào tạo có khả năng học tập và thích ứng nhanh với sự biến đổi của thị trường; tiếp cận, làm chủ công nghệ quản lý và tiếp thị tiên tiến; tư duy sáng tạo và đổi mới…

Xin cảm ơn ông!

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-chu-trong-dao-tao-boi-duong-nguon-nhan-luc-phuc-vu-chuyen-doi-so-360806.html