Ông Trump dùng 'chiêu' cũ với Mexico và Canada - một lời đe dọa không đi đến đâu? Mỹ cũng 'dính đòn'
Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa thực hiện kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa từ Mexico và Canada nhưng chính nước Mỹ cũng 'chịu trận'.
Các nhà kinh tế và giám đốc điều hành trong ngành nông nghiệp Mỹ dự báo, giá quả bơ, dâu tây và các sản phẩm tươi sống khác tại nước này có thể tăng vào năm tới và người tiêu dùng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Điều đó sẽ xảy ra khi ông Trump thực hiện kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa từ Mexico và Canada.
Tác động lan tỏa khắp các lĩnh vực
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Canada và Mexico là hai nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp hàng đầu cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản lên tới gần 86 tỷ USD vào năm ngoái.
Do vậy, các nhà kinh tế cho rằng, việc đánh thuế đối với hàng thực phẩm từ hai nước này có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa về mặt tài chính và hoạt động đối với nguồn cung của Mỹ.
Điều này cũng cho thấy sự phụ thuộc của Washington vào sản phẩm nông nghiệp từ hai nước láng giềng này.
Ngày 25/11, ông Trump tuyên bố sẽ ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống Mỹ (20/1/2025).
Cụ thể, ông sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ Canada và Mexico để hạn chế dòng chảy ma túy bất và người di cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội sản phẩm tươi sống Mỹ Lance Jungmeyer cho hay, người tiêu dùng nước này sẽ cảm thấy tác động từ việc đánh thuế này khi xảy ra tình trạng hết hàng tại các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ thấy ít mặt hàng hơn ở quầy rau củ. Các nhà hàng sẽ phải sắp xếp lại thực đơn theo cách có thể sử dụng ít trái cây và rau hơn hoặc giảm khẩu phần".
Trong khi đó, USDA tiết lộ, khoảng 2/3 tổng lượng rau và 50% trái cây và hạt nhập khẩu của Mỹ đến từ Mexico, với 90% quả bơ, 35% nước cam và 20% dâu tây.
Dữ liệu thương mại của Mỹ cho thấy, xuất khẩu bơ sang nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vọt 48% kể từ năm 2019, vì người tiêu dùng ngày càng cho bơ vào salad và bánh sandwich.
"Thị trường Mỹ chiếm khoảng 80% tổng lượng bơ xuất khẩu của Mexico, với kim ngạch trị giá 3 tỷ USD vào năm ngoái", USDA thông báo.
Alfredo Ramirez, Thống đốc bang Michoacan - nơi sản xuất quả bơ chính của Mexico - nói: “Thuế quan sẽ tạo ra một vòng xoáy lạm phát. Nhu cầu sẽ không giảm, mà chi phí và giá cả sẽ tăng lên. Từ đó, đẩy lạm phát tăng và gây ra hậu quả trực tiếp cho người tiêu dùng".
Còn ông Sam Kieffer, Phó Chủ tịch chính sách công của Liên đoàn Hiệp hội Nông trại Mỹ đánh giá, việc áp thuế này cũng có thể đẩy giá phân bón nhập khẩu từ Canada tăng cao vào thời điểm nông dân phải trả tiền phân bón nhiều hơn gần 50% so với năm 2020.
Ông nói: “Hiện giờ không phải là lúc để tạo ra làn sóng chấn động trong nền kinh tế nông nghiệp".
Ngoài ra, kế hoạch của Trump cũng có thể làm chậm quá trình xuất khẩu hơn 1 triệu con bò của Mexico sang Mỹ qua biên giới mỗi năm, để phục vụ nguồn cung thịt bò của Washington.
Trong những năm gần đây, những người sản xuất Mỹ đã cắt giảm số lượng gia súc của mình, khiến giá thịt bò lên cao.
Bill Bullard, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Ranchers Cattlemen Action Legal Fund United Stockgrowers of America (R-CALF USA) cho biết, những người này có thể được hưởng lợi nếu việc áp thuế dẫn đến việc ít nhập khẩu gia súc và thịt bò hơn.
Ông nói: "Chúng tôi mong đợi việc áp thuế bởi việc này sẽ giúp cân bằng sân chơi cho những người sản xuất trong nước".
Việc áp thuế cũng có thể làm gián đoạn các lô hàng thịt bò, bò sữa và lợn giữa Mỹ, Canada và có thể ảnh hưởng đến những người sản xuất ở cả hai quốc gia.
“Ông Donald Trump sẵn sàng đăng tweet đe dọa áp thuế, thường là vào buổi tối, sau khi xem tin trên kênh Fox News. Nhưng rốt cục, những dòng tweet đó thường không đi đến đâu cả!" - chuyên gia Lincicome.
Mỹ cũng "dính đạn"
Theo các dự báo mới nhất của USDA, năm 2025, Mỹ có thể sẽ chịu thâm hụt thương mại nông nghiệp hơn 42 tỷ USD, một phần là do người tiêu dùng nước này quan tâm đến sản phẩm trái mùa và rượu nhập khẩu từ Mexico.
Peter Tabor, một luật sư và cố vấn chính sách cấp cao tại Holland & Knight và là cựu quan chức thương mại của USDA đánh giá, việc ông Trump đe dọa áp thuế có thể là một cách để đạt được đòn bẩy với Mexico và Canada trong quá trình đàm phán lại thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) theo kế hoạch sẽ được xem xét lại vào năm 2026.
Tuy nhiên, ông Tabor khẳng định, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế tăng dần theo thời gian có thể bị coi là đối tác thương mại không đáng tin cậy và những nhà nhập khẩu hàng hóa Mỹ sẽ tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ nước khác để thay thế.
Không chỉ người tiêu dùng Mỹ cảm thấy tác động từ việc áp thuế, mà các doanh nghiệp nước này hoạt động xuyên biên giới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Scott Lincicome, chuyên gia về thương mại tại Viện CATO cho hay: "Tôi không nghĩ mọi người hiểu rõ về mức độ tích hợp của chuỗi cung ứng Bắc Mỹ".
Ví dụ, trong ngành sản xuất ô tô Mỹ, một số bộ phận như ghế ô tô có thể được chế tạo ở nước ngoài trước khi cuối cùng được lắp ráp vào một chiếc ô tô sản xuất tại Mỹ.
Ông nói thêm: "Kiểu thương mại liền mạch đó sẽ hoàn toàn bị đe dọa bởi mức thuế 25%, do đó gây tổn hại đến nhiều nhà sản xuất và công nhân của Mỹ".
"Chiêu" cũ quen thuộc và không đi đến đâu?
Theo luật của nước Mỹ, tổng thống có thẩm quyền rộng rãi để áp thuế. Thuế quan chính là "chiêu" mà vị Tổng thống thứ 47 từng sử dụng trong quá khứ.
Ông Trump đã áp thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, thường là sau khi trải qua quá trình xem xét kéo dài của Bộ Thương mại hoặc Đại diện Thương mại Mỹ.
Tuy nhiên, ông chủ mới của Nhà Trắng đã đưa ra nhiều lời đe dọa về áp thuế hơn so với những gì ông thực làm.
Chuyên gia Lincicome nêu quan điểm: “Ông Donald Trump sẵn sàng đăng tweet đe dọa áp thuế, thường là vào buổi tối, sau khi xem tin trên kênh Fox News. Nhưng rốt cục, những dòng tweet đó thường không đi đến đâu cả!"