Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số PAR Index

Tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 11/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hành chính thời gian tới

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác cải cách hành chính; một số lĩnh vực cải cách hành chính của Bộ có sự cải thiện đáng kể về điểm số và vị trí xếp hạng so với năm trước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý.

Chỉ thị 07 cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục như: Việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tiến độ được giao; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ còn chậm; tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa bảo đảm yêu cầu; việc tham mưu xây dựng, ban hành một số văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công của Bộ chưa kịp thời; cơ sở dữ liệu của các đơn vị còn phân tán, thiếu kết nối, chia sẻ; tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ chưa cao...

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Bộ Công Thương năm 2022 và các năm tiếp theo, tại Chỉ thị 07, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề ra 12 nhiệm vụ chung với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Theo đó tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Lãnh đạo Bộ về cải cách hành chính; kịp thời có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nêu ra khi xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của Bộ Công Thương.

Tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc các Chương trình, Kế hoạch công tác về cải cách hành chính của Chính phủ và của Bộ, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra; đặc biệt chú trọng hoàn thành đúng hạn, có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, tránh tình trạng nợ đọng, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả PAR Index của Bộ.

Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng và các Thứ trưởng phụ trách về tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các văn bản bị chậm tiến độ và văn bản ban hành có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành”- Chỉ thị 07 nêu rõ.

Chỉ thị 07 cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 26/1/2022 của Bộ trưởng về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và hiệu quả thi hành pháp luật ngành Công Thương.

Cùng đó chủ động tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính đối với các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính ngay sau khi văn bản được ban hành, bảo đảm thời hạn theo quy định; đồng thời, niêm yết công khai, đầy đủ, đúng hạn các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng được giao quản lý của đơn vị tại nơi trực tiếp xử lý hồ sơ thủ tục hành chính.

Các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh cung cấp, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính do đơn vị quản lý; trong đó khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng việc tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các thu tục hành chính, dịch vụ công được quy định tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với Văn phòng Bộ và Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do Bộ Công Thương cung cấp; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 do đơn vị phụ trách, khắc phục tình trạng dịch vụ công mức độ cao được xây dựng, sẵn sàng phục vụ nhưng không phát sinh hồ sơ giải quyết qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Chỉ thị 07 cũng yêu cầu chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý, được dư luận xã hội quan tâm, phản ánh, bảo đảm đúng quy định của nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông ở trong và ngoài Bộ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động chỉ đạo điều hành và tình hình, kết quả công tác cải cách hành tại đơn vị cũng như của Bộ, tạo đồng thuận xã hội.

Tại Chỉ thị 07, liên quan đến các nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Vụ Pháp chế làm đầu mối tổng hợp xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, báo cáo Lãnh đạo Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng thời gian theo quy định.

Chủ trì theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi ngay phương án cắt giảm, đơn giản hóa (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ) các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm chất lượng và tiến độ được giao.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao duy trì, nâng cấp hoạt động của Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ; đồng thời, làm tốt công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan làm tốt công tác rà soát, đánh giá sự phù hợp của thủ tục hành chính với các yêu cầu, tiêu chuẩn để nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ 3 và 4, bảo đảm hiệu quả sau khi nâng cấp; đồng thời, chú trọng rà soát, hoàn thiện tái cấu trúc quy trình thủ tục để tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công thương trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ. thuộc Bộ.

Các đơn vị báo chí, thông tin tuyên truyền tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình hợp tác thông tin tuyên truyền giữa Bộ Công Thương với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và các Tập đoàn, Tổng Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ và tình hình, kết quả công tác cải cách hành chính của Bộ; công khai các hành vi vi phạm và kết quả xử lý vi phạm trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-nang-cao-chi-so-par-index-217047.html