Vì sao công nghệ Trung Quốc 'hóa rồng'?

Khả năng nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của Trung Quốc hiện đang ngang bằng, thậm chí có thể đã tiên tiến hơn so với phương Tây, theo ông Erik Baark, Giáo sư khoa Khoa học Xã hội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông…

Các quốc gia khác phải nhìn nhận và học hỏi từ những thành tựu và tiến bộ đáng kể của Trung Quốc trong những các lĩnh vực, nhất là công nghệ.

Các quốc gia khác phải nhìn nhận và học hỏi từ những thành tựu và tiến bộ đáng kể của Trung Quốc trong những các lĩnh vực, nhất là công nghệ.

"Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc đã nỗ lực học hỏi từ các quốc gia phát triển theo nhiều cách khác nhau. Và có lẽ, cũng đã đến lúc các quốc gia khác phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cần học hỏi từ những thành tựu và tiến bộ của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ"

Giáo sư Erik Baark

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thực tế, ngày càng nhiều thị trường đang nhìn nhận Trung Quốc với thái độ dè dặt do lo ngại an ninh quốc gia. Điều này kéo theo hàng loạt biện pháp kiểm soát hoặc hạn chế đối với Trung Quốc nhằm "tách rời" nước này khỏi hệ sinh thái khoa học công nghệ.

Thế nhưng, bất chấp những rào cản, công nghệ Trung Quốc rõ ràng đang không ngừng tiến bộ, với nhiều thành tựu thậm chí có thể đã vượt qua trình độ của nhiều nước phương Tây.

CHIẾN LƯỢC “TÁI ĐỔI MỚI” CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI

Dù không ít lần bị Mỹ hay nhiều quốc gia cáo buộc đánh cắp bí mật công nghệ, nhưng dữ liệu thực tế phần nào lại cho thấy một bức tranh khác.

Các khoản thanh toán tiền bản quyền của Trung Quốc cho việc sử dụng sở hữu trí tuệ (IP) từ Hoa Kỳ đã tăng từ dưới 1 tỷ USD mỗi năm vào năm 1999 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017. Hay để tiếp cận với công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định họ tiếp cận tri thức mới nhờ chính các nền tảng mã nguồn mở nhằm nâng cao năng lực công nghệ.

Những bước đi này của Trung Quốc thực chất xuất phát từ chính chiến lược ưu tiên quan trọng được Chính phủ nước này ban hành – “Tái đổi mới” (zaichuangxin) công nghệ nước ngoài.

Nhờ lợi thế quy mô thị trường lớn, Trung Quốc đã thu hút không ít các tập đoàn đa quốc gia đến tham gia kinh doanh và đầu tư sản xuất. Với Trung Quốc, đây là cơ hội, để không chỉ giúp các nghiệp nội địa trong chuỗi giá trị được hưởng lợi, mà họ đã tận dụng chính nguồn lực này như một dòng chảy chuyển giao tri thức, giúp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đất nước.

TIẾP CẬN VỚI NỀN TRI THỨC TIÊN TIẾN

Một trong những bước đi quan trọng nhất giúp Trung Quốc tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao, phải kể đến khởi đầu chính sách bắt đầu từ năm 1978, khi Trung Quốc quyết định cử 3.000 sinh viên và học giả xuất sắc nhất ra nước ngoài để học tập.

Đến năm 2008, con số này đã tăng lên hơn 800.000. Theo thống kê của UNESCO, vào năm 2023, có tới 1.021.303 sinh viên Trung Quốc du học tại nước ngoài, minh chứng cho chiến lược phát triển nhân lực dài hạn của quốc gia.

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lực công nghệ.

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lực công nghệ.

Trong nhiều năm qua, không ít du học sinh sau khi tốt nghiệp đã trở về Trung Quốc, đóng góp vào nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu hoặc thành lập những doanh nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ vẫn chọn ở lại nước ngoài, do dự trước quyết định quay về.

Do đó, để thuyết phục nhân tài hồi hương, Trung Quốc đã tăng cường triển khai nhiều chính sách ưu đãi với các điều kiện hỗ trợ về nhà ở, lương bổng,... trong hơn ba thập kỷ qua. Những sáng kiến này đã thực sự giúp Trung Quốc thu hút một lượng lớn chuyên gia có trình độ cao trở về nước, góp phần rất lớn vào những thành công của lĩnh vực khoa học và công nghệ của nước này như hiện nay.

Các nhà khoa học trở về từ nước ngoài đã xuất bản nhiều bài báo khoa học chất lượng cao trên các tạp chí hàng đầu. Hàng loạt các doanh nhân công nghệ đã khởi nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu quan trọng trong lĩnh vực này.

Có thể nói, dòng chảy tri thức từ những cá nhân tài năng từ nước ngoài đã và đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả cơ sở khoa học và các ngành công nghiệp công nghệ cao tại Trung Quốc.

Cuối cùng, hợp tác nghiên cứu quốc tế đã trở thành một nguồn quan trọng giúp Trung Quốc tiếp cận các kiến thức và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia công nghiệp phát triển.

Nào năm 2020, Trung Quốc đã ký kết 114 Hiệp định Khoa học và Công nghệ liên chính phủ và thiết lập mối quan hệ hợp tác với 161 quốc gia và khu vực, liên quan đến nhiều khía cạnh của khoa học và công nghệ. Trong nhiều thập kỷ, quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi cả lợi ích chính trị lẫn kinh tế.

Cho đến khi mối quan hệ này bắt đầu xấu đi vào cuối những năm 2010. Khi mà Trung Quốc tăng cường kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc ở nước ngoài trở về cho sự phát triển của đất nước, đã làm dấy lên những lo ngại đáng kể, nhất là đối với Mỹ.

Thê nhưng, rõ ràng những tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là điều không thể phủ nhận. Và có thể nói, ở một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến, quốc gia này hiện đang ở vị thế dẫn đầu, chẳng hạn như công nghệ xanh.

"Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc đã nỗ lực học hỏi từ các quốc gia phát triển theo nhiều cách khác nhau. Và có lẽ, cũng đã đến lúc các quốc gia khác phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cần học hỏi từ những thành tựu và tiến bộ của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ", G.S Erik Baark nhận định.

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-cong-nghe-trung-quoc-hoa-rong.htm