Bộ Công Thương: Kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng QLTT các địa phương dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị… nhằm bình ổn giá gạo.
Ngày 15-8, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị của Bộ Công Thương được ban hành trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới cấm xuất khẩu gạo, giá gạo trên thế giới liên tục tăng. Chính phủ yêu cầu vừa mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, vừa phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục QLTT chỉ đạo lực lượng QLTT tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo;
Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ trong Quý III năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg và của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 491/VPCP-KTTH ngày 31 tháng 01 năm 2023;
Chủ trì, phối hợp với đơn vị khác theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới; chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả; tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố, mở rộng thị trường.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Cục, Vụ liên quan theo nhiệm vụ được giao kiểm tra, kiểm soát thị trường gạo, vừa đảm bảo xuất khẩu hiệu quả; khai thác lợi thế xuất khẩu gạo từ các thị trường có FTA; vừa đảm bảo cung- cầu lương thực trong nước, thực hiện bình ổn giá với mặt hàng gạo.