Bộ Công Thương mở sàn thương mại điện tử cho đặc sản địa phương

Mô hình sàn Đặc sản địa phương đang được Bộ Công Thương triển khai nhằm đưa các sản phẩm đặc sản địa phương trên khắp cả nước đến tay nhiều người tiêu dùng.

Với mong muốn hỗ trợ các bên sản xuất, cũng như đưa các sản phẩm đặc sản địa phương trên khắp cả nước đến tay nhiều người tiêu dùng, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã, đang nghiên cứu để triển khai và hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp ở các địa phương tiếp cận với mô hình bán hàng là sàn Đặc sản địa phương.

Cụ thể, khi tham gia mô hình sàn Đặc sản địa phương, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng đặc sản trên các sàn thương mại điện tử lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và các sản phẩm của các tỉnh, thành để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Sàn Đặc sản địa phương: Cầu nối cho đặc sản các vùng miền

Sàn Đặc sản địa phương: Cầu nối cho đặc sản các vùng miền

Theo lãnh đạo Trung tâm Tin học và Công nghệ số, trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử những năm vừa qua, phân phối hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử đã không còn xa lạ. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp ở các địa phương có thể tự mình đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử là rất ít. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp còn khiêm tốn và không thực sự mang lại giá trị như mong muốn.

Qua khảo sát ý kiến từ một số địa phương, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã ghi nhận một số khó khăn chủ yếu đến từ nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...

“Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm nếu được hướng dẫn bởi các chuyên gia. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, mang lại hiệu quả thật sự thì doanh nghiệp cần thêm nhiều kỹ năng chuyên nghiệp hơn cũng như đầu tư thời gian, nhân lực để quản lý, vận hành” - lãnh đạo Trung tâm Tin học và Công nghệ số cho biết.

Thêm vào đó, chi phí quản lý bán hàng quá cao từ 25% - 45% cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại khi tham gia các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, về quá trình vận chuyển sản phẩm từ các địa phương đến tay người tiêu dùng cũng là băn khoăn của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi hướng tới kênh phân phối thương mại điện tử.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, cũng nhằm phát huy đầy đủ hiệu quả của các kênh thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã giới thiệu và kết nối các Sở, Ban, ngành địa phương với các nền tảng thương mại điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để triển khai giải pháp sàn Đặc sản địa phương - mô hình phân phối đặc sản địa phương qua các sàn thương mại điện tử.

Đây cũng là một giải pháp nằm trong Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn, sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm đặc sản địa phương mang lại hiệu quả tốt nhất.

Giải pháp sàn Đặc sản địa phương - mô hình phân phối đặc sản địa phương qua các sàn thương mại điện tử hứa hẹn mang lại giá trị thiết thực cho cả doanh nghiệp sản xuất, cũng như người tiêu dùng khi có thể mua các sản phẩm đặc sản địa phương mà không còn giới hạn bởi khoảng cách địa lý.

Trong thời gian tới, Trung tâm Tin học và Công nghệ số dự kiến sẽ triển khai trên các sàn thương mại điện tử là Tiki, Lazada, Shopee. Bên cạnh đó, Trung tâm đang làm việc với một số doanh nghiệp về công nghệ và dịch vụ (Công ty Cổ phần Etrust) để khi giải pháp này đi vào vận hành sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thiết lập gian hàng, công tác vận hành và phân phối các sản phẩm địa phương trên các sàn và nền tảng thương mại điện tử nhằm tối ưu về chi phí và hiệu quả bán hàng.

Đồng thời, việc tổ chức các buổi đào tạo về cách thức đóng gói, giao nhận hàng hóa đến các kho hàng trước khi phân phối sản phẩm địa phương cho doanh nghiệp cũng được đưa vào kế hoạch thực hiện.

Để hỗ trợ kỹ thêm kỹ năng bán hàng cho doanh nghiệp hướng tới tự quản lý kênh bán hàng thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số dự kiến phối hợp với các chuyên gia từ các sàn thương mại điện tử để tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng để doanh nghiệp từng bước nắm bắt và trực tiếp thực hiện được các quy trình đăng sản phẩm, quản lý gian hàng, chăm sóc khách hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Đối với khó khăn về chi phí của các hợp tác xã và doanh nghiệp, Trung tâm Tin học và Công nghệ số cũng sẽ trao đổi với các sàn, các nền tảng thương mại điện tử, các đơn vị dịch vụ vận hành để đưa ra phương án hỗ trợ tối ưu về chi phí và truyền thông cho các doanh nghiệp và sản phẩm địa phương khi tham gia chương trình.

Với những nỗ lực và sự chung tay phối hợp từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và cả các nền tảng thương mại điện tử, giải pháp sàn Đặc sản địa phương hứa hẹn mang lại giá trị thiết thực cho cả doanh nghiệp sản xuất, cũng như người tiêu dùng khi có thể mua các sản phẩm đặc sản địa phương mà không còn giới hạn bởi khoảng cách địa lý.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-mo-san-thuong-mai-dien-tu-cho-dac-san-dia-phuong-267518.html