Bộ Công thương nêu giải pháp chống cúp điện
Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp quyết liệt, khẩn trương nhằm ứng phó, đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, để ứng phó với tình hình khó khăn trong cung cấp điện ở các tháng cao điểm nắng nóng, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp quyết liệt, khẩn trương nhằm ứng phó, đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.
Theo Bộ Công thương, tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống quốc gia năm 2023 lũy kế đến ngày 30-5 đạt 110,6 tỷ kWh, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu sản lượng điện sản xuất của các nguồn điện như sau: thủy điện chiếm 23,4%, nhiệt điện than chiếm 48%, tourbin khí chiếm 12,1%, năng lượng tái tạo chiếm 10,5%, nguồn nhập khẩu chiếm 1,3%, nhiệt điện dầu chiếm 0,32%.
“Trong 4 tháng đầu năm, tình hình cung cấp điện ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước và diễn biến dự kiến còn có thể tiếp tục kéo dài đến sang tháng 6, đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt. Trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023” - báo cáo cho biết.
Về kế hoạch cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2023, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2023 ước đạt 283,2 tỷ kWh, tăng 5,5% so với năm 2022, đạt 99,54% so với kế hoạch do Bộ Công thương phê duyệt.
Trong trường hợp nắng nóng kéo dài, nhu cầu điện có thể tăng cao đột biến trong ngắn hạn. Hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc trong cao điểm mùa khô (các tháng 6-7) dự kiến sẽ vận hành trong tình trạng căng thẳng. “Trong kịch bản cực đoan, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất lên tới khoảng 1.600-4.900MW”- báo cáo của Bộ Công thương nêu.
Về dài hạn, với quy mô tổng công suất đặt khoảng 81.000MW, hệ thống điện quốc gia có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải điện nếu các nguồn nhiên liệu cho phát điện (than, dầu, khí) được chuẩn bị đầy đủ và có dự phòng; kết hợp với việc huy động được các nguồn điện đang bị sự cố sẽ được khắc phục trong thời gian tới, huy động một số nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp đã đầy đủ thủ tục, kết hợp với nguồn điện nhập khẩu, điều tiết hợp lý các nguồn thủy điện; thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, thì việc cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân sẽ được đảm bảo.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, đặc biệt là các tháng cao điểm mùa khô, hệ thống điện quốc gia dự kiến phải đối mặt với nhiều khó khăn: lượng nước về các hồ thủy điện có xu hướng giảm thấp và thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa khô sẽ nghiêm trọng. Việc cung ứng than, đặc biệt là nguồn than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn, một số nhà máy điện chưa chủ động trong đảm bảo than cho sản xuất điện; khả năng cấp khí trong năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào thời gian suy giảm.
Bên cạnh đó, một số mỏ khí đã có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, làm cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện trở nên khó khăn. Công suất phát của các nguồn nhiệt điện than miền Bắc bị ảnh hưởng do điều kiện nhiệt độ môi trường tăng cao khi thời tiết nắng nóng kéo dài, một số tổ máy nhiệt điện lớn bị sự cố kéo dài, mất nhiều thời gian để khắc phục. Công suất và sản lượng điện nhập khẩu điện Trung Quốc khó tăng thêm khi phía Trung Quốc thông báo về khó khăn thiếu nguồn cung cấp điện.
“Bằng mọi giá không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện”- Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị liên quan.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu nỗ lực vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được đảm bảo, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thiết yếu của đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân; đẩy mạnh việc giải tỏa công suất và tính sẵn sàng của các nhà máy điện, khẩn trương khắc phục các sự cố nguồn điện, lưới điện; tiết kiệm mọi chi phí để phục vụ nhu cầu nhiên liệu sơ cấp phục vụ cho các nhà máy điện. Khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện trong đó có các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện; đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết...
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cần khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành các tổ máy phát điện, đảm bảo vận hành tin cậy, ổn định các nhà máy điện; phối hợp chặt chẽ với EVN và các vị có liên quan về việc cung cấp khí, cung cấp than cho các nhà máy điện theo đúng kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 và hợp đồng mua bán khí, hợp đồng mua bán than đã ký giữa các bên; xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp, tăng cường khai thác, nhập khẩu không để xảy ra việc thiếu khí, thiếu than cho sản xuất điện.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-cong-thuong-neu-giai-phap-chong-cup-dien-post692504.html