Bộ Công Thương: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi, vùng dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề tiêu thụ nông sản miền núi, vùng dân tộc.
Thưa bà, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những hoạt động, chính sách gì để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và phát triển thị trường cho các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Đối với Bộ Công Thương, chúng tôi luôn coi việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ tính trong giai đoạn từ 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, hai nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn cho các địa phương triển khai được các hoạt động: Thứ nhất, đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là hạ tầng thương mại quan trọng ở vùng này, giúp thúc đẩy thương mại hai chiều, đưa được hàng hóa lên với đồng bào dân tộc cũng như là đưa hàng hóa của đồng bào dân tộc về xuôi, về các cái vùng miền mà có thị trường sôi động. Thứ hai, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa được hàng hóa đi xa hơn, tham gia vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Giai đoạn vừa qua chúng ta đã đạt được những bước tiến thông qua những giải pháp cụ thể để triển khai hai nhóm nhiệm vụ này. Đó là, tổ chức những hoạt động về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng những cẩm nang để giới thiệu về sản phẩm đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc là những khóa đào tạo, tập huấn đến hàng nghìn cán bộ của các tỉnh, thành phố trong giai đoạn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, một hoạt động hết sức quan trọng nữa đó là tổ chức ra được những điểm bán hàng hai chiều, cung ứng được hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đưa về các vùng biển Tổ quốc mà có đông người tiêu dùng lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi mà tập trung là đầu mối giao thương lớn nhất cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước cũng như là đi xuất khẩu.
Sau một thời gian triển khai các chính sách để đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trở thành hàng hóa thế mạnh cũng như đưa vào hệ thống phân phối trong, ngoài nước, quá trình này gặp những thuận lợi cũng như là khó khăn gì, thưa bà?
Từ góc nhìn của những nhà làm chính sách cũng như là thực thi những chính sách để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ được hàng hóa của mình tại thị trường trong nước và quốc tế, chúng tôi nhận thấy thuận lợi là các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đang có sự cộng hưởng qua một thời gian dài triển khai và đã bắt đầu có những tín hiệu khả quan, trong việc tổng lực hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ hàng hóa.
Đơn cử, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã hỗ trợ để đưa được hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vào những hệ thống phân phối lớn nhất như là Sài Gòn Co.op, Hapro...
Thêm nữa là chúng ta đã có được nguồn hàng chất lượng như các sản phẩm OCOP, sản phẩm của nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú… Cùng với đó là chương trình khuyến công của Bộ Công Thương đã giúp cho các cơ sở sản xuất, chế biến những sản phẩm ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có được những sản phẩm đạt được chất lượng mà thị trường trong nước và quốc tế yêu cầu.
Những chương trình về an toàn thực phẩm cũng đã hỗ trợ cho sản phẩm hàng hóa tiếp cận được với những kênh phân phối khó khó nhất cả ở trong nước và nước ngoài.
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã dành ra một nội dung lớn cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, hải đảo và đến nay, những hiệu quả tác động vẫn rất tốt và tiếp tục được duy trì.
Đặc biệt hơn nữa, chúng tôi nghĩ rằng tác động lớn của các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đã hỗ trợ phát triển được hạ tầng ở khu vực này như hạ tầng chợ, điện, giao thông, tạo điều kiện để sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối sản phẩm của bà con, đưa về những thị trường lớn trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, điểm khó khăn là hạ tầng thương mại, tuy rằng đã có những cơ chế, chính sách mới nhưng mà vẫn chưa theo kịp, đáp ứng kịp với nhu cầu để thúc đẩy toàn bộ cái diện tích mà vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống để được kết nối một cách thông suốt với các thị trường lớn của Hà Nội, của TP. Hồ Chí Minh, của các tỉnh, thành phố lớn khác. Chính vì vậy cần nhiều giải pháp tổng lực hơn nữa để cải thiện những yếu tố này và có những chính sách đột phá để thu hút được doanh nghiệp tham gia vào hỗ trợ cho các hộ nông dân, hộ sản xuất của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiêu thụ hàng hóa.
Bà có thể cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đề án đã có những tác động tích cực tới việc hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, đẩy mạnh những nhóm giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hoạt động xúc tiến thương.
Thêm nữa là tiếp tục kiểm tra, giám sát những hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2023 này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt đoàn kiểm tra đi kiểm tra 14 tỉnh, thành phố có những hoạt động về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhóm nhiệm vụ xây dựng, đầu tư mới và cải tạo mạng lưới chợ của đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó sẽ có đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách để kịp thời tháo gỡ. Hiện nay, chúng tôi cũng đã nhận được những phản hồi đầu tiên của một số địa phương trong việc triển khai các nhóm nhiệm vụ hỗ trợ.
Hiện nay, cũng có những khó khăn trong việc triển khai Luật Đầu tư liên quan đến cải tạo, xây dựng các chợ truyền thống hoặc là hỗ trợ cho các tiểu thương xây dựng những điểm bán hàng phục vụ cho đồng bào dân tộc. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và gửi lên các cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương triển khai những nhóm nhiệm vụ mà được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để xem là cần phải cập nhật gì trong tình hình mới này để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, cũng cần hơn nữa các hỗ trợ về kỹ thuật như là chuyên gia về thương hiệu, chuyên gia về công nghiệp chế biến và bao bì mẫu mã cũng như đẩy mạnh hơn nữa đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản để các địa phương sẽ có kho hàng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo quản sản phẩm để đưa vào các hệ thống phân phối lớn và nhỏ.