Bỏ điểm trung bình các môn: Giáo viên vất vả nhưng vẫn ủng hộ
Từ ngày 5/9, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định về đánh học sinh THCS và THPT sẽ được áp dụng ngay với lớp 6 năm học 2021-2022 và thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học.
Điểm mới đáng chú ý của thông tư này là bỏ tính điểm trung bình các môn học. Nhiều giáo viên cho rằng, quy định mới của thông tư tiến bộ hơn so với quy định hiện hành, phù hợp với tinh thần của chương trình mới.
Vì sao bỏ điểm trung bình các môn?
Kế thừa Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, Thông tư 22 yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học, coi trọng sự động viên, khuyến khích học sinh và sự tương tác giữa thầy và trò.
Đề cập đến một số điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 22, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Thông tư 22 có 2 hệ thống môn học: các môn đánh giá chỉ bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số (các môn học còn lại).
Theo quy định của Thông tư 22, kết quả học tập của học sinh được thể hiện ở mức đánh giá đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét và điểm trung bình từng môn học đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Điểm trung bình tất cả các môn sẽ được bỏ để không còn tình trạng điểm môn nọ bù môn kia như đánh giá trước đây.
Trước băn khoăn về việc quy định mới này sẽ nới lỏng trong đánh giá kết quả học tập của học sinh, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích, học sinh được đánh giá kết quả học tập ở mức "Tốt" (thay vì xếp loại học lực “Giỏi” như hiện hành) khi tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được đánh giá ở mức "Đạt"; đồng thời, tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học đạt từ 8,0 điểm trở lên.
Với cách đánh giá này, dù không tính điểm trung bình tất cả các môn, việc được đánh giá kết quả học tập ở mức "Tốt" vẫn khá khó.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, với kết quả học tập của từng môn học, những điểm mạnh, điểm yếu của học sinh được nhìn nhận cụ thể hơn, từ đó phát huy, khai thác toàn diện năng lực của từng học sinh.
Quy định này cũng thể hiện quan điểm: Các môn học sẽ công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ, chống học lệch.
Giáo viên sẽ thêm việc?
Để hiểu và thực hiện đúng Thông tư 22 bắt đầu từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6, các trường THCS đã triển khai nhiều buổi tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trước thêm năm học mới.
Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trước khi giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 trong năm học mới, nhà trường đã tập huấn cho đội ngũ giáo viên nắm rõ mục đích, quan điểm của việc đổi mới đánh giá theo Thông tư 22.
Từ đó, các thầy cô sẽ có định hướng đúng trong quá trình thực hiện, tránh việc cho nhận xét chung chung, cho điểm hình thức.
Theo thầy Hà, những điểm mới trong đánh giá của Thông tư 22 thực ra là những nội dung kế thừa, đã quy định trong Thông tư 26 ban hành trước đó. Tuy nhiên, Thông tư 22 áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trong quy định mới, cách đánh giá tăng nhận xét, khích lệ sự tiến bộ của học sinh sẽ góp phần định hướng việc giảng dạy trong nhà trường; không còn khái niệm dạy lệch, học lệnh, coi trọng một số môn học. Như vậy, bệnh thành tích trong nhà trường, việc so sánh giữa học sinh này với học sinh kia cũng sẽ giảm.
Thầy Hà đánh giá, những quy định mới nêu trên rất tiến bộ và phù hợp với tinh thần của chương trình mới. Bởi song song với đổi mới phương pháp dạy học thì đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh cũng là một khâu rất quan trọng trong quá trình đổi mới chương trình phổ thông.
Từ năm học 2022-2023, Thông tư 22 sẽ được áp dụng tiếp nối cho lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 thực hiện đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 thực hiện cho 2 lớp còn lại là lớp 9 và lớp 12.
Để triển khai thông tư trong năm học tới, thầy Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng trường THPT Ngỗ Sĩ Liên (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết, các thầy cô trong trường đang chủ động thay đổi phương pháp tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh.
Theo thầy Xuân, việc đánh giá học sinh theo nguyên tắc kết hợp điểm số và nhận xét có thể khiến giáo viên vất vả hơn nhưng giáo viên sẽ tích cực hơn trong quá trình giảng dạy để bảo đảm kết quả đánh giá công bằng, thực chất vì sự tiến bộ của học sinh.
Trước ý kiến của một số giáo viên cho rằng, việc đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kết hợp giữa nhận xét và điểm số như quy định tại Thông tư 22 sẽ khiến giáo viên thêm áp lực, PGS,TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nêu quan điểm, mục đích của việc đánh giá này nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập. Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thông qua đó cũng có sự điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp.
“Cách đánh giá này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và tôi cho rằng thay đổi này là hợp lý. Các giáo viên và nhà trường cần hiểu và nắm rõ mục đích của thông tư để thực hiện đúng, nhận xét và cho điểm học sinh thực chất, bảo đảm quyền lợi cho người học”, PGS,TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.