Bộ GD&ĐT giảm hình thức kỷ luật học sinh, coi chừng 'nhờn thuốc'
Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT cân nhắc hình thức kỷ luật mang tính răn đe một số học sinh gây nhiễu, tránh để 'nhờn thuốc'.
Trong Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến mới đây, Bộ GD&ĐT dự kiến giảm hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm.
Theo đó, học sinh tiểu học mắc lỗi chỉ còn hai hình thức: giáo viên nhắc nhở và yêu cầu học sinh xin lỗi.
Đối với học sinh các bậc học khác, khi vi phạm lỗi sẽ có các mức: Nhắc nhở, phê bình và cao nhất là yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Bộ GD&ĐT “cấm” các nhà trường, giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm và ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của học sinh.
Với quy định này, so với Thông tư 32, Điều lệ trường THCS – THPT ban hành năm 2020 đã bỏ hình thức tạm dừng học có thời hạn.

Trong Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến mới đây, Bộ GD&ĐT dự kiến giảm hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm.
Đặc biệt, Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về hình thức khen thưởng, kỷ luật ban hành cách đây gần 40 năm quy định mức kỷ luật nặng gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm đối với học sinh vi phạm.
Đặc biệt, quy định cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường từng bị dư luận phản ứng gay gắt, cho rằng, không nên bêu xấu học sinh trước nhiều người. Khi học sinh vi phạm khuyết điểm cần được nhắc nhở, giáo dục, động viên để tiến bộ.
Lâu nay, các nhà trường vẫn áp dụng hình thức kỷ luật ở mức cao nhất là đình chỉ học có thời hạn đối với học sinh vi phạm các quy định. Có thể kể đến như các vụ việc học sinh tham gia bạo lực học đường, đa số học sinh đều bị nhà trường tạm đình chỉ học từ 2 ngày đến 1 tuần.
Một phụ huynh có con học bậc THCS tại Hà Nội kể lại câu chuyện con từng bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ học 3 ngày vì nghe lời bạn rủ rê tham gia đánh nhau trên lớp. Sau sự việc, nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi, xin lỗi học sinh, phụ huynh có con bị đánh đồng thời đình chỉ học 3 ngày đối với nhóm học sinh đánh nhau. “Quãng thời gian đó, con mất tự tin, liên tục đòi chuyển trường vì xấu hổ với cô giáo, bạn bè trên lớp. Cũng may mắn, nhờ sự động viên của bố mẹ nên con đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi vị thành niên”, phụ huynh này nói.
Trong khi đó, chị Nhật Linh, có con học lớp 7 một trường THCS tại quận Cầu Giấy cảm thấy may mắn khi con phạm lỗi nhưng được cô giáo xử lý một cách bao dung, có tính giáo dục. Chị Linh kể, trong giờ ngủ trưa, con trai đã lén lấy tiền khá lớn trong ba lô của một học sinh khác để đi mua đồ ăn. Khi sự việc vỡ lỡ, gia đình đã yêu cầu con đến trả lại tiền, xin lỗi bạn. Con co rúm lại vì xấu hổ và lo sợ bạn bè biết tin, đồng thời sẽ phải chịu mức kỷ luật nặng.
Điều may mắn là, sự việc được cô giáo chủ nhiệm giải quyết một cách tế nhị là gọi riêng con ra trao đổi, yêu cầu viết bản kiểm điểm sau đó mới gặp phụ huynh để cùng bàn cách giáo dục con.
Đề xuất kỷ luật bằng hình thức nhân văn
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội từng cho rằng, trong giáo dục nên lấy tinh thần hướng dẫn, giải thích để học sinh hiểu và không vi phạm thay vì xử lý kỷ luật nặng. Khi vi phạm và bị kỷ luật bằng hình thức trách phạt, học sinh sẽ có tâm lý tự ti, xấu hổ với bạn bè và chịu áp lực, không yêu thích trường, lớp. Do đó, trong quá trình giáo dục ở trường, thầy cô chủ nhiệm được yêu cầu quan tâm đến từng học sinh và kiên trì sửa lỗi nếu chẳng may các em mắc phải.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Hệ thống Giáo dục Tài năng trẻ Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, ông ủng hộ hình thức kỷ luật mang tính chất nhân văn, nhằm mục tiêu tốt đẹp đó là rèn giũa, uốn nắn học sinh trong quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất. Việc kỷ luật như bêu tên trước trường, trước lớp không còn phù hợp.
Cũng theo TS Nhân, nếu chỉ kỷ luật học sinh vi phạm ở mức độ nhẹ nhàng sẽ khó răn đe, quản lý được những trường hợp học sinh gây nhiễu trong trường lớp, gây khó khăn cho giáo viên trong quản lý lớp học. Điều này thậm chí ảnh hưởng chất lượng học tập của lớp cũng như những hành vi gây nhiễu tăng nặng, không có “thuốc đặc hiệu” sẽ tác động tiêu cực đến các bạn học sinh khác.
“Một lớp học sĩ số 40-45 học sinh như hiện nay dù chỉ có 1-2 em thường xuyên vi phạm quy định, nếu chỉ nhắc nhở, viết bản kiểm điểm sẽ nhờn thuốc”, ông nói. Do đó, ông Nhân đề xuất Bộ GD&ĐT cân nhắc hình thức kỷ luật nhân văn, tích cực nhưng phải có tính chất răn đe, giáo dục học sinh tuân thủ.
Ví dụ, phạt học sinh bằng hình thức lao động quét dọn vệ sinh trường, lớp; phạt đọc sách trong thư viện và phải có báo cáo thu hoạch về nội dung sách đã đọc… “Việc này phải quy định trong thông tư để áp dụng cho tất cả các trường học vì không phải trường nào cũng dám đưa ra các quy định xử lý học sinh”, ông nói.
Bộ GD&ĐT cho rằng, mục đích của việc giảm nhẹ hình thức kỷ luật đối với học sinh nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và tự giác điều chỉnh, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ đồng thời hình thành thói quen, lối sống kỷ luật. Đảm bảo tính chủ động, tích cực trong thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh. Tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến và đảm bảo lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan cũng như đảm bảo phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, giới tính, thể chất, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh.