Bộ GD-ĐT sẽ xem xét có điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia 2020 hay không
Mùa tuyển sinh năm 2020 dự kiến sẽ có một số thay đổi như không xác định chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành đào tạo giáo viên, trừ Giáo dục mầm non. Với các ngành mới mở, chỉ tiêu không được vượt quá 50…
Đây là những thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học, cao đẳng diễn ra chiều nay (13/2).
“Kỳ tuyển sinh năm 2020 cơ bản vẫn giữ ổn định”
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tinh thần chung của kỳ tuyển sinh năm nay vẫn là giữ ổn định. Đối với công tác chuẩn bị tuyển sinh, Sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường THPT tập trung dạy và ôn tập theo hướng dẫn của Bộ.
“Đề thi năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019, do đó các trường cần tập trung, tránh tình trạng học tủ, học lệch”.
Trước dịch bệnh do virus corona gây ra, Bộ trưởng cho biết, Bộ vẫn đang theo dõi rất sát sao tình hình diễn biến của dịch. Tại thời điểm này, các nhà trường đều có khung thời gian học bù trong kế hoạch. “Việc có điều chỉnh lại thời gian thi THPT quốc gia hay không, Bộ sẽ xem xét và thông báo cụ thể”.
“Kỳ tuyển sinh năm 2020 cơ bản vẫn giữ ổn định” (Ảnh: Xuân Phú)
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, vai trò của lãnh đạo Sở không chỉ là chỉ đạo việc tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh mà cần phải quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với sở trường của từng em và nhu cầu xã hội trong vòng 3-4 năm sau đó.
Các trường đại học cũng phải tránh sự mở ngành theo phong trào và nhu cầu nhất thời mà bỏ qua khâu nghiên cứu thị trường. “Mở ngành vội vã, không căn cứ thì chương trình sẽ lụi bại vì không có đầu ra, không có giáo viên giảng dạy. Cuối cùng, quyền lợi của người học không được đảm bảo. Cho nên, các trường khi muốn mở ngành mới hay một tổ hợp xét tuyển mới thì phải có căn cứ khoa học để tránh gây hoang mang cho thí sinh”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đưa ra lưu ý đối với các trường, khi xây dựng chỉ tiêu trong phương án tuyển sinh cũng cần bám sát với thực tiễn. Nhiều trường đưa ra số lượng chỉ tiêu cao song thực tế tuyển sinh lại rất thấp.
Nhiều trường đã căn cứ vào đó để hạ điểm đầu vào, như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng. Do vậy, Bộ trưởng lưu ý, các trường cần phải tiếp cận theo cách khác là tuyển sinh chỉ tiêu ít đi nhưng chất lượng cao thay vì tuyển sinh nhiều nhưng sinh viên lại “rơi vãi” dần trong quá trình học.
Các chính sách dự kiến thay đổi so với năm 2019
Về công tác tuyển sinh năm 2020, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, sẽ có một số chính sách dự kiến thay đổi so với năm ngoái.
Cụ thể, kể từ năm 2020, Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp, cao đẳng, trừ giáo dục mầm non.
Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học mới được mở ngành trong năm tuyển sinh được xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới.
Đại diện lãnh đạo Bộ trả lời thắc mắc từ các Sở GD-ĐT và các trường ĐH (Ảnh: Xuân Phú)
Cũng theo bà Phụng, Bộ sẽ bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực Du lịch, Công nghệ thông tin tại các trường có khóa tuyển sinh đại học thứ 2 trở đi.
Bên cạnh đó, đối với chế tuyển sinh cũng sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, chất lượng cao... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non để đảm bảo tính hệ thống, dễ tra cứu, áp dụng.
Ngoài ra, Bộ sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.
Kỳ tuyển sinh năm 2020, Bộ vẫn sẽ tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, đồng thời bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
"Đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… Bộ sẽ có quy định chế tài chặt chẽ để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học", Vụ trưởng Phụng nhấn mạnh.
5 nhóm ngành đại học kém lợi thế nhất trong năm 2019:
Nhóm ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản, tỉ lệ nhập học đạt 32,60%.
Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, tỉ lệ nhập học đạt 34,58%.
Nhóm ngành Môi trường và bảo vệ môi trường, tỉ lệ nhập học đạt 45,28%.
Nhóm ngành Dịch vụ xã hội, tỉ lệ nhập học đạt 45,71%.
Nhóm ngành Khoa học sự sống, tỉ lệ nhập học đạt 50,04%.