Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 không vượt chương trình, có tính phân hóa rõ rệt
Ngày 1/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) tham dự kỳ thi.

Theo Bộ, cấu trúc và định dạng đề thi đã được công bố từ cuối năm 2023. Điều này giúp nhà trường và học sinh có thời gian chuẩn bị, chủ động trong dạy học, kiểm tra đánh giá và ôn tập. Mục tiêu của đề thi là đánh giá đúng năng lực học sinh, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch, đồng thời phục vụ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Bộ đã tổ chức xây dựng nhiều đề thi thử nghiệm với khoảng 12.000 học sinh tham gia trên cả nước, bao gồm cả những địa phương còn nhiều khó khăn. Kết quả thử nghiệm được phân tích kỹ lưỡng theo lý thuyết khảo thí hiện đại, làm cơ sở để xây dựng đề thi chính thức và đề tham khảo.
Đề thi năm nay được đánh giá là có độ phân hóa cao hơn các năm trước. Bộ cho biết những năm trước, đề còn ít câu hỏi phân loại học sinh, khiến công tác tuyển sinh gặp khó khăn, nhiều trường đại học buộc phải tổ chức thi riêng, gây tốn kém nguồn lực xã hội.
Về nội dung, Bộ khẳng định đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt. Mức độ khó dễ và tỷ lệ các câu hỏi ở các cấp độ tư duy được bám sát theo đề tham khảo đã công bố và dựa trên dữ liệu thử nghiệm ở ba vùng miền.
Năm nay, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng hai môn tự chọn trong số: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ và Giáo dục kinh tế & pháp luật.
Trước một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay, đặc biệt là môn Toán và Tiếng Anh, khá khó, Bộ cho rằng điều này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bỡ ngỡ của giáo viên và học sinh với cấu trúc đề mới, dù đã được công bố trước đó.
“Cần chờ kết quả chấm thi để có đánh giá chính xác hơn”, Bộ nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ cũng cho biết sẽ phân tích kết quả thi trên toàn quốc để đánh giá chất lượng đề, hiệu quả dạy học và có những điều chỉnh phù hợp trong những năm tiếp theo.
Dự kiến, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ được công bố vào ngày 16/7.
Tại họp báo sau kỳ thi, GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi, Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cho biết điểm khác biệt lớn nhất của năm nay là ma trận đề thi được sinh ngẫu nhiên trong quá trình làm, thay vì có từ trước như những năm qua.
Ông đánh giá cách ra đề này đảm bảo tính khách quan, vì người dạy và học không thể đoán biết từ trước. Đây cũng là cách để học sinh đảm bảo học thật, thi thật, không phải học ứng phó, lường trước các khu vực kiến thức quan trọng để tập trung học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến về đề thi để làm tốt hơn trong những năm tiếp theo, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo phương án thi mới. Bộ GD&ĐT đã tổ chức thi cho các thí sinh vào ngày 26-27/6.
Tổng số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi là: 1.165.289, nhiều hơn năm 2024 là gần 100 nghìn thí sinh. 100% thí sinh đều đã có thể đăng ký dự thi trực tuyến, trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình GDPT 2018 là 1.138.579 thí sinh, thi theo chương trình GDPT 2006 là 26.710 thí sinh, chiếm 2,29% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99,3% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không ghi nhận cán bộ nào vi phạm Quy chế thi.
Bộ GD&ĐT đánh giá sơ bộ, kỳ thi được tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, phù hợp với chủ trương đổi mới theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; Quy chế thi tốt nghiệp THPT.