Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2023-2024
Sáng 19/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT: Năm học 2023-2024, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành kế hoạch năm học 2023-2024, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra. Việc thực hiện "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm học 2023-2024 cấp quốc gia, quốc tế và các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đạt kết quả cao. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng, tập huấn học sinh giỏi.
Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh, tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc đạt khoảng 99,40%. Tập trung thực hiện nhiều chính sách, hoạt động thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao. Thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học và ngành đào tạo của Việt Nam ngày càng tăng trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế và khu vực...
Năm học 2024-2025 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng", ngành Giáo dục và Đào tạo phấn đấu hoàn thành 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận về công tác tổ chức năm 2023-2024 và các giải pháp tổ chức năm học 2024-2025, nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp...; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương những kết quả quan trọng đạt được của ngành GD&ĐT trong năm học vừa qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước thời gian qua. Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung: Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng vào ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tập trung thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục - đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo. Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, xây dựng Chiến lược phát triển GD&ĐT và các quy hoạch GD&ĐT. Tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐTchủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các ngành mới nổi.
Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hơn nữa hợp tác công tư trong GD&ĐT; đẩy mạnh GD&ĐT phi lợi nhuận bậc đại học. Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên" và phù hợp thực tiễn...