Bộ Giao thông vận tải đề ra 10 biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030.

Đây là kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo "Đóng góp không điều kiện" trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2030, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính theo "Đóng góp không điều kiện" trong giao thông vận tải sẽ giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU), tương ứng giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ trong toàn giai đoạn. Cụ thể, năm 2025 giảm 3,4 triệu tấn CO2tđ; năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn CO2tđ; giai đoạn đến năm 2030 giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Giao thông vận tải đề ra 10 biện pháp và lộ trình thực hiện. Trong đó, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, đến năm 2030 đảm bảo 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km.

Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030. Ảnh minh họa

100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu: ô tô con dung tích động cơ dưới 1400cc đạt 4,7 lít/100km; ô tô con dung tích động cơ từ 1400 - 2000cc đạt 5,3 lít/100km; ô tô con dung tích động cơ trên 2000cc đạt 6,4 lít/100km. Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.

Biện pháp chuyển đổi phương thức vận tải hành khách từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đạt tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại thành phố Hà Nội là 45%-50%, thành phố Hồ Chí Minh 25%, Đà Nẵng đạt 25%-35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10%-15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Các biện pháp chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy và xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển.

Cùng đó là các biện pháp phát triển phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường như sử dụng xe buýt CNG (xe dùng khí thiên nhiên nén), đến 2030 đạt tổng số xe buýt CNG là 623 xe gồm 423 xe tại Thành phố Hồ Chí Minh và 200 xe tại Hà Nội.

Khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào năm 2030; sử dụng xe máy điện và ô tô điện, đến năm 2030 ô tô điện đạt tỷ lệ sử dụng 30%; xe máy điện chiếm 22% tổng số xe máy sử dụng; Sử dụng xe buýt điện, đến năm 2025 bắt đầu sử dụng xe buýt điện và ước đạt tỷ lệ sử dụng 30% vào 2030.

Các giải pháp khác là tăng hệ số tải của ô tô tải, đến năm 2030 cải thiện từ 56% tới 60%. Giai đoạn 2024-2030, phát triển, hoàn thiện hệ thống logistics, kho bãi phục vụ vận tải hàng hóa để tăng tỷ lệ chuyến đi có hàng của xe tải và tăng tỷ lệ xếp hàng lên xe. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, từ đó tối ưu hệ số tải hàng hóa của ô tô tải…

Trước đó, hồi tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg.

Theo đó, có 2.171 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tăng 259 cơ sở so với danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Các lĩnh vực phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: Năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm có 1.912 cơ sở, thuộc các ngành: Công Thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-giao-thong-van-tai-de-ra-10-bien-phap-giam-nhe-phat-thai-khi-nha-kinh-den-na-m-2030-356187.html