Bộ GTVT cấp 241 dịch vụ công trực tuyến, phòng chống hiệu quả tiêu cực
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ( CNTT) trong thực hiện thủ tục hành chính Ngành GTVT không chỉ giúp công khai, minh bạch, giảm tối thiểu sự tiếp xúc giữa cán bộ nhà nước và người dân, doanh nghiệp mà còn tăng khả năng giám sát chất lượng dịch vụ công, giảm thiểu nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực
Ứng dụng CNTT giảm thiểu tham nhũng
Bộ GTVT luôn xác định việc công khai, minh bạch là một biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống tham nhũng; việc công khai, minh bạch được triển khai trên nhiều lĩnh vực, như: Công tác chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh các nguồn vốn, công khai dự toán thu, chi ngân sách, các hoạt động thu chi tài chính, công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ…
Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Bộ GTVT”, Bộ GTVT thực hiện việc công khai minh bạch các hoạt động của Bộ GTVT và các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, tính đến thời điểm hiện nay Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đã công khai 11.287 văn bản trên Hệ thống công khai, minh bạch (tPublic) của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đến nay Bộ GTVT đã cung cấp 241 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 48 mức độ 3 (20%), 193 mức độ 4 (80%). Trong 9 tháng đầu năm 2021 các đơn vị thuộc Bộ đã dừng cung cấp 34 dịch vụ công do các thủ tục hành chính đã được bãi bỏ và xây dựng bổ sung 46 dịch vụ công mức độ 4.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính không chỉ giúp công khai, minh bạch, giảm tối thiểu sự tiếp xúc giữa cán bộ nhà nước và người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu nguy cơ nhũng nhiễu, tham nhũng mà còn tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành GTVT được rất nhiều người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, ủng hộ.
Theo bộ phận giải quyết thủ tục một cửa của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2021, hơn 8.000 hồ sơ, kết quả thủ tục trong lĩnh vực đăng kiểm được trả sớm hơn hoặc đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân, đạt tỷ lệ 98%.
Ông Lê Việt Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (Bisco) cho biết, trước đây, khi làm thủ tục theo phương thức truyền thống (thủ tục giấy), người làm thủ tục phải gửi fax hoặc gửi trực tiếp các hồ sơ theo quy định. Khi làm thủ tục phải đến văn phòng, trình các loại giấy tờ để cảng vụ kiểm tra, nếu có giấy tờ chưa hợp lệ, sẽ bị trả lại để tiếp tục sửa đổi, bổ sung làm phát sinh lớn quỹ thời gian, có khi mất đến 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào - rời cảng biển được “điện tử hóa” trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, thời gian hoàn thiện thủ tục được rút ngắn khoảng 60%.
“Việc số hóa thủ tục hành chính đang giúp doanh nghiệp hưởng lợi rất nhiều trong mùa dịch. Hiện tại, ngoại trừ các thủ tục phát sinh do đặc thù quản lý, doanh nghiệp thoát được nỗi lo phát sinh thời gian làm thủ tục do chính sách giãn cách, hạn chế đi lại của địa phương”, ông Trung nói.
Sử dụng phần mềm quản lý thông tin công khai, minh bạch hoạt động thanh tra ngành GTVT
Theo Thanh tra Bộ GTVT, xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và hiệu quả hoạt động thanh kiểm tra chính vì vậy ngay từ rất sớm, Thanh tra Bộ GTVT đã xây dựng và triển khai ứng dụng nhiều phần mềm thực hiện nhiệm vụ, điển hình là phần mềm quản lý thông tin công khai, minh bạch hoạt động của Bộ Giao thông vận tải (tPublic) và phần mềm báo cáo và chỉ đạo hoạt động thanh tra ngành GTVT (tInspect).
Theo đó, phần mềm tPublic được thiết kế theo kiểu trang web, sử dụng bằng trình duyệt, giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện việc đưa thông tin để công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng; tổng hợp, thu thập, trao đổi, phân tích thông tin công khai, minh bạch để kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, thông qua phần mềm này, các tổ chức, cá nhân và công dân biết để tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Còn phần mềm tInspect có chức năng quản lý, cập nhật thông tin số liệu thanh tra, kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT. Các thông tin như số liệu thanh tra theo đoàn, văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, nội dung thanh tra, phạm vi thanh tra, chức vụ, đơn vị, người dùng, quyền, người dùng - quyền... cũng được quản lý trong phần mềm tInspect.
Phần mềm này được các cán bộ thanh tra ngành GTVT đánh giá cao sau nhiều năm triển khai thực hiện bởi phần mềm giúp cho việc quản lý hoạt động thanh tra hiệu quả hơn.
“Việc sử dụng phần mềm tInsect đã khắc phục tình trạng tổng hợp số liệu thanh tra tiến hành bằng phương pháp thủ công như trước đây tốn nhiều thời gian, dễ dẫn tới sai lệnh, nhầm lẫn số liệu. Khi sử dụng phần mềm này cán bộ thanh tra dễ dàng báo cáo tổng hợp quá trình, kết quả thanh tra một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác chỉ bằng một cái kích chuột”, đại diện thanh tra Bộ GTVT cho biết.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như trong hoạt động thanh kiểm tra tạo ra sự minh bạch và thúc đẩy phòng, chống tham nhũng. Đây là bản chất của các hoạt động phát triển Chính phủ điện tử. Trong thời gian tới, ngành GTVT đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong đó tiếp tục xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng đến mục tiêu 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền được quản lý và theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử. Tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.