Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình gửi Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN

Tờ trình cho thấy, căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII; Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 và phân công của Chính phủ; UBND của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới) đã chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng 23 hồ sơ Đề án sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bộ Nội vụ đã thẩm định 23 hồ sơ Đề án nêu trên và tổng hợp, xây dựng thành 1 Đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

34 đơn vị hành chính cấp tỉnh

Dự thảo Đề án của Chính phủ xác định, có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, gồm: 4 thành phố là Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; 48 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.

Có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp, gồm: 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh đủ tiêu chuẩn theo quy định là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; 1 tỉnh chưa đủ tiêu chuẩn nhưng có yếu tố đặc thù là Cao Bằng.

Sau sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số hơn 14 triệu người

Về phương án sắp xếp, Bộ Nội vụ cho biết, có 23 phương án sắp xếp đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh để hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Cụ thể:

Nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên là 13.795,50 km2, quy mô dân số 1.865.270 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

Nhập tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên 13.256,92 km2, quy mô dân số 1.778.785 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.

Nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Thái Nguyên, có diện tích tự nhiên 8.375,21 km2, quy mô dân số 1.799.489 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, có diện tích tự nhiên 9.361,38 km2, quy mô dân số 4.022.638 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Bắc Ninh, có diện tích tự nhiên 4.718,6 km2, quy mô dân số 3.619.433 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, có diện tích tự nhiên 2.514,81 km2, quy mô dân số 3.567.943 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng, có diện tích tự nhiên 3.194,72 km2, quy mô dân số 4.664.124 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

Nhập tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình, có diện tích tự nhiên 3.942,62 km2, quy mô dân số 4.412.264 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Trị, có diện tích tự nhiên 12.700 km2, quy mô dân số 1.870.845 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Đà Nẵng, có diện tích tự nhiên 11.859,59 km2, quy mô dân số 3.065.628 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích tự nhiên 14.832,55 km2, quy mô dân số 2.161.755 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai, có diện tích tự nhiên 21.576,53 km2, quy mô dân số 3.583.693 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định hiện nay.

Nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa, có diện tích tự nhiên 8.555,86 km2, quy mô dân số 2.243.554 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Nhập tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 24.233,07 km2, quy mô dân số 3.872.999 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Nhập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk, có diện tích tự nhiên 18.096,40 km2, quy mô dân số 3.346.853 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố mới có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhiên 6.772,59 km2, quy mô dân số 14.002.598 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, có diện tích tự nhiên 12.737,18 km2, quy mô dân số 4.491.408 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên 8.536,44 km2, quy mô dân số 3.254.170 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An hiện nay.

Nhập thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Cần Thơ, có diện tích tự nhiên 6.360,83 km2, quy mô dân số 4.199.824 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

Nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long, có diện tích tự nhiên 6.296,2 km2, quy mô dân số 4.257.581 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Tháp, có diện tích tự nhiên 5.938,64 km2, quy mô dân số 4.370.046 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau, có diện tích tự nhiên 7.942,39 km2, quy mô dân số 2.606.672 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

Nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh An Giang, có diện tích tự nhiên 9.888,91 km2, quy mô dân số 4.952.238 người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang hiện nay.

96,19% người dân đồng thuận về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh

Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).

Theo Bộ Nội vụ, toàn bộ 23/23 đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đã đạt định hướng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15.

Hồ sơ Đề án đã thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15. Theo đó, Đề án đã nêu rõ các căn cứ pháp lý, sự cần thiết, hiện trạng các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, phương án sắp xếp, cơ sở lựa chọn phương án, tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp, đánh giá tác động đối với hoạt động quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trên địa bàn các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố (nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới) đã chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh cùng sắp xếp xây dựng các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (của từng cặp tỉnh); tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp theo quy định.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy đạt tỷ lệ đồng thuận cao, trung bình cả nước là 96,19% và 100% HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 52 tỉnh, thành phố đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh của địa phương mình.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bo-noi-vu-trinh-chinh-phu-de-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-nam-2025-20250509190537824.htm