Bộ Nội vụ: Ưu tiên sáp nhập các tỉnh miền núi, đồng bằng với những tỉnh có biển

Bộ Nội vụ cho biết, trong lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính, sẽ ưu tiên sáp nhập các tỉnh miền núi, đồng bằng với các tỉnh có biển nhằm hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương sau sáp nhập.

Thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu rõ: Việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp không chỉ dựa trên hai tiêu chí cơ bản là diện tích và dân số, mà còn cần đánh giá tổng thể nhiều yếu tố như lịch sử, truyền thống văn hóa, thành phần dân tộc, điều kiện địa lý - tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Theo Bộ Nội vụ, mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp là thúc đẩy phát triển đất nước và mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới. Đồng thời, cần phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của các vùng kinh tế động lực, hành lang phát triển và các cực tăng trưởng.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc kết nối các địa phương miền núi, trung du và đồng bằng với những tỉnh có biển để tận dụng thế mạnh, bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. Việc sáp nhập sẽ được thực hiện trên cơ sở liền kề về địa lý, đồng bộ với định hướng phát triển vùng và quốc gia, tạo nên những đơn vị hành chính có tiềm lực mạnh hơn cả về quy mô lẫn năng lực quản trị.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính gắn liền với tái tổ chức lại hệ thống chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, sẽ giảm cấp trung gian bằng việc chấm dứt hoạt động của một số ĐVHC cấp huyện, đồng thời sáp nhập và tổ chức lại các ĐVHC cấp xã. Qua đó, xây dựng hệ thống chính quyền cấp cơ sở vững mạnh, gần dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị sau sáp nhập, Bộ Nội vụ đề xuất 3 tiêu chí quan trọng.

Một là, ưu tiên lựa chọn trung tâm hành chính của một trong các ĐVHC cấp tỉnh hiện có để bảo đảm tính kế thừa, ổn định hoạt động chính quyền địa phương cấp tỉnh mới.

Hai là, trung tâm hành chính cần có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, giao thông kết nối tốt (có sân bay, cảng biển, đường cao tốc…), giúp liên kết nội vùng và quốc gia.

Ba là, cần có dư địa mở rộng không gian phát triển trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, tránh tình trạng mất cân đối sau sáp nhập, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đề xuất tiếp tục duy trì cấp tỉnh gồm tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương như hiện hành. Tuy nhiên, sẽ tiến hành sáp nhập một số tỉnh để đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định và mở rộng không gian phát triển.

Ở cấp xã, việc tổ chức lại sẽ hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo), phù hợp với mô hình quản lý mới. Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tiếp tục giữ nguyên và do Quốc hội quyết định thành lập.

Theo kế hoạch, sau khi sắp xếp, số lượng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể giảm khoảng 50% so với hiện tại (từ 63 còn khoảng 30-35 đơn vị). Trong khi đó, số đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sẽ giảm mạnh khoảng 70%, từ 10.035 còn dưới 3.000.

Cũng theo đại diện Bộ Nội vụ, việc đặt tên cho ĐVHC cấp tỉnh sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho ĐVHC mới nhằm hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý cấp tỉnh.

Tên gọi của ĐVHC mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với ĐVHC mới sau sắp xếp.

Sơn Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-noi-vu-uu-tien-sap-nhap-cac-tinh-mien-nui-dong-bang-voi-nhung-tinh-co-bien-316945.html